Đổi thay trên quê hương Trạng Lường

03:01, 22/01/2019

Tháng giêng, trong thanh âm tí tách của mầm cây bật vỏ, khoe lá nõn chồi non dưới mưa xuân phơi phới, tôi đưa chị bạn thân học cùng đại học về thăm quê hương Trạng Lường Lương Thế Vinh, xã Liên Bảo (Vụ Bản). Cách Thành phố Nam Định chưa đến mười cây số nên chỉ thời gian ngắn, hai chị em đã có mặt tại làng Cao Phương. Sau khi thắp hương tại Đền thờ Trạng Lường, chúng tôi chầm chậm chạy xe một vòng quanh các thôn xóm. Những dấu ấn về miền đất cổ giàu bản sắc vẫn hiện hữu trong các địa danh và hệ thống các di tích lịch sử văn hóa.

Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh.
Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh.

Theo cuốn "Địa chí văn hóa xã Liên Bảo" do nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam khảo cứu, biên soạn, trong rất nhiều làng cổ được hình thành từ thời Vua Hùng dựng nước, trên đất Vụ Bản như Kẻ Hầu, Kẻ Gạo, Kẻ Vó, Kẻ Phạm, xã Liên Bảo cũng có làng Kẻ Khổng, tức làng Định Trạch ngày nay. Tên làng Kẻ Khổng tương truyền là do cánh đồng làng có nhiều vết chân người khổng lồ trong huyền thoại - những người thời cổ đại đã từ miền núi xuống khai phá vùng ven biển. Làng Tổ Cầu có tên nôm là làng Tó, làng Cao Phương tên nôm thường gọi là làng Hương, làng Đắc Lực có tên nôm là làng Xứng... Các xóm trong làng cũng mang những cái tên mộc mạc, dân dã như xóm Bến, Trại, Đa, Gạo, Giữa, Đông, Đoài, Cây, Lẻ, Chùa… Đời Trần, các làng xã Liên Bảo nằm trong vành đai bảo vệ hành cung Thiên Trường. Theo truyền ngôn, các làng Trình Xuyên và Trung Phu cùng với làng Vị Khê, nay thuộc xã Điền Xá (Nam Trực) xưa là vùng chuyên canh sản xuất hoa cung cấp cho hành cung. Với cảnh sắc tươi đẹp, các vị vương hầu thường về đây ngoạn cảnh, vui chơi ca hát nên các làng trồng hoa này thường có đám hát. Ngày nay, xã Liên Bảo vẫn còn lưu giữ những di sản văn hóa vật thể gắn liền với lịch sử dựng làng giữ nước: Đền thờ Thần Câu Mang, đình làng Tổ Cầu, Đền thờ Bà Chúa Đậu, Đền thờ Triệu Việt Vương... Đặc biệt, Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh là một trong 7 ngôi đền lớn nhất Vụ Bản, được ghi trong “Đại Nam nhất thống chí” triều Nguyễn; được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1991. Đền có nhiều đồ thờ tự quý đời Lê như: bức họa trên gỗ chân dung Trạng nguyên, cỗ ngai, lư đồng đúc nổi tên 28 vì sao tượng trưng cho hội thơ Tao Đàn nhị thập bát tú mà Trạng nguyên Lương Thế Vinh làm Sái phu (chuyên phê bình sửa chữa thơ văn). Đền còn có hàng chục sắc phong quý, hơn chục câu đối, hai cỗ kiệu và đôi long mã quý… Cùng với các công trình kiến trúc cổ, xã Liên Bảo còn có kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú với rất nhiều bản hương ước, thần phả, tộc phả, sắc phong đời Lê, Nguyễn; truyền thuyết, sự tích các thần được thờ phụng; hệ thống hoành phi câu đối lưu giữ tại các gia đình, nhà thờ họ; các phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, trò chơi dân gian, lễ hội đặc sắc... Trước đây, vào mùa xuân, làng nào cũng tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động, nghi lễ trang trọng, nhiều trò chơi độc đáo như: rước kiệu, tế thần, hát chèo, đấu vật, thi bắt vịt dưới ao, đi cầu phao, đánh cờ… Bên cạnh những nét chung, mỗi làng còn có nét riêng. Làng Cao Phương có lệ rước kiệu hoa, rước đèn, thi thả diều; đặc biệt nhất là làng Đắc Lực có hội kết rơm vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Vào ngày hội, cả làng rực rỡ sắc rơm vàng óng. Các cột đình, mái đình đều bện rơm. Trên nóc đình, hai con rồng chầu mặt nguyệt vàng rực. Trước cửa đình là cuốn thư bằng rơm, có kiếm, bút, hoa điểu, tứ linh. Một kiệu long đình kết bằng rơm đặt giữa sân. Hai bên sân đặt kỳ lân, long mã, công, phượng, hươu, dê… đều kết bằng rơm. Làng còn làm hai con voi bằng rơm cao 3,5m, dưới bụng đặt chõng tre, bàn nước bằng tre, tượng trưng cho quán bán nước của Bà Chúa Đậu. Trên đường làng, nhà nào cũng có cây nêu bện rơm, trên cắm cờ nhiều màu sắc…

Giếng làng Trình Xuyên, xã Liên Bảo (Vụ Bản) được tôn tạo ngày 19-5-2018.
Giếng làng Trình Xuyên, xã Liên Bảo (Vụ Bản) được tôn tạo ngày 19-5-2018.

Trải qua thời gian, nhiều di tích đình chùa, miếu mạo và lễ hội ở Liên Bảo đã bị mai một nhưng những giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc mãi là nền tảng vững chắc để tạo động lực giúp Đảng bộ, nhân dân xã Liên Bảo đoàn kết, chung sức xây dựng nông thôn mới, làm cho quê hương Trạng Lường ngày càng khởi sắc. Khi bắt tay triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Liên Bảo mới chỉ đạt 7/19 tiêu chí. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tinh thần đồng thuận của người dân, xã Liên Bảo đã huy động nguồn lực, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa. Đường trục xã, đường liên thôn, đường thôn, xóm, đường ra đồng được bê tông và cứng hóa; hệ thống kênh mương được đầu tư nâng cấp đảm bảo cho việc tưới tiêu và phục vụ sản xuất nông nghiệp thuận lợi, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng cho nhân dân. Trên những cánh đồng màu non mướt sắc xanh của ngô, khoai, rau, đậu, lạc, xã còn triển khai các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị về lúa sạch và cây ngô hàng hóa, mang lại giá trị thu nhập cao. Sau khi được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2016, xã Liên Bảo tiếp tục huy động nhân dân và các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí, tạo cho cảnh quan làng xóm ngày càng khang trang, sạch đẹp. Đến nay, tổng các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới toàn xã đã huy động đạt trên 79 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã tiếp tục triển khai và đẩy mạnh chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2010-2020 của Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành. Khuyến khích các hộ, cá nhân, tập thể, các thành phần kinh tế tư nhân phát triển thương mại, dịch vụ vừa và nhỏ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo thêm việc làm và thu nhập cho nhân dân. Cùng với nâng cao đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong xã cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Phong trào khuyến học khuyến tài phát triển mạnh mẽ, góp phần tô thắm thêm truyền thống học hành khoa bảng của quê hương.

Rời quê Trạng Lường khi không khí Tết đang rộn ràng và sắc xuân tràn ngập từng đường dong ngõ xóm, trên những khuôn mặt người hân hoan, chúng tôi cảm nhận rõ nét niềm vui của người dân nơi đây về một vùng quê đang từng ngày thay da đổi thịt./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com