Tăng cường phối hợp liên vùng trong xử lý các vấn đề môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy

07:12, 31/12/2018

Để giải quyết dứt điểm, hiệu quả các vấn đề ô nhiễm tồn tại kéo dài, các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng, tác động tiêu cực trên quy mô rộng, từ nhiều năm nay các địa phương đã tăng cường phối hợp liên tỉnh, liên vùng. Tuy nhiên kết quả phối hợp xử lý các vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh chưa đạt như mong muốn đề ra. 

Thu gom rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước tại địa phận Thành phố Nam Định.
Thu gom rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước tại địa phận Thành phố Nam Định.

Chương trình phối hợp liên tỉnh, liên vùng thực hiện công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy được tỉnh ta cùng các tỉnh, thành phố: Hoà Bình, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình thực hiện từ năm 2008 nhưng đến nay trên toàn lưu vực vẫn tồn tại nhiều vấn đề môi trường với phạm vi ảnh hưởng liên tỉnh. Chất lượng nước sông Nhuệ luôn ở mức thấp, nhiều đoạn bị ô nhiễm nặng và mức độ ô nhiễm đặc biệt cao vào mùa khô. Sông Đáy có chất lượng nước tốt hơn sông Nhuệ nhưng một số điểm thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình muốn sử dụng nước phục vụ sinh hoạt vẫn cần có biện pháp xử lý phù hợp. Sông Châu Giang, một nhánh của sông Nhuệ nối sang sông Hồng, có nhiều nguồn thải từ khu dân cư và cơ sở sản xuất (trong đó có Khu công nghiệp Đồng Văn); khu vực này được xác định là bị ô nhiễm cục bộ, gần đây còn xảy ra sự cố cá chết hàng loạt. Tình trạng nước thải sinh hoạt, công nghiệp và làng nghề của Hà Nội đổ ra các sông gây ảnh hưởng đặc biệt đến các tỉnh hạ lưu Ninh Bình, Nam Định. Tại tỉnh Hà Nam, từ ngày 4-12-2017 đến 26-1-2018 đã phải tập trung phối hợp với Thành phố Hà Nội và Tổng cục Môi trường giải quyết ảnh hưởng của đợt ô nhiễm nặng trên các sông Nhuệ, Đáy, Châu Giang, Nông Giang. Tỉnh ta cũng bị ô nhiễm môi trường khu vực giáp ranh với Hà Nam, cụ thể là tuyến sông Sắt chảy qua địa phận các xã Minh Thuận, Minh Tân, Tân Khánh, Kim Thái và Tam Thanh (Vụ Bản), rác thải sinh hoạt của một số thôn thuộc huyện Ý Yên giáp ranh với huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam và tình trạng xác động vật, rác thải xả ra sông Kinh Thủy thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam trôi xuống xuống huyện Ý Yên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của nhân dân... Tại phiên học thứ 10 của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy tổ chức tại tỉnh ta hồi cuối tháng 11 vừa qua, tham luận của các ngành, các địa phương đều chỉ ra nguyên nhân là do công tác trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết các vấn đề nổi cộm về ô nhiễm môi trường giữa các địa phương; giữa địa phương và Trung ương chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Mối quan hệ liên tỉnh và liên vùng trong giải quyết các vấn đề môi trường còn chưa được quan tâm thỏa đáng. Năng lực, nguồn lực của các cơ quan quản lý tại các địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường dẫn đến tình trạng không giải quyết triệt để các nguồn thải gây ô nhiễm tại địa phương, mà phát tán, ảnh hưởng ra diện rộng. Ý thức, nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân các địa phương còn hạn chế dẫn đến vẫn còn tình trạng đổ rác bừa bãi ven đường, trên đê, trên sông, kênh, mương; nước thải từ hoạt động sản xuất làng nghề chưa được xử lý đúng quy định xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm nước mặt, không khí trong làng nghề và các khu vực lân cận.

Nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp trong xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường liên vùng, liên tỉnh trong lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, các tỉnh trong lưu vực đã thống nhất tăng cường thực hiện cơ chế phối hợp như chương trình liên tịch về kiểm soát ô nhiễm môi trường nước tại các điểm nóng. Các địa phương đã ký kết chương trình phối hợp liên tỉnh, liên vùng phải tiếp tục nâng cao trách nhiệm phối hợp quản lý, bảo vệ môi trường; giám sát các hoạt động có khả năng gây ô nhiễm môi trường tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh và cả vùng; cung cấp, trao đổi thông tin về các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động xả thải dọc ranh giới liên tỉnh, liên vùng. Đặc biệt, lực lượng cán bộ hai ngành Tài nguyên và Môi trường, Công an của các tỉnh cần tăng cường phối hợp phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Các tỉnh phải nâng cao chất lượng hợp tác trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có nguy cơ tác động tiêu cực ở phạm vi liên tỉnh, liên vùng. Khi tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường các địa phương cần mời đại diện các cấp, ngành liên quan của các tỉnh giáp ranh, liên vùng phối hợp tham gia; báo cáo kết quả kiểm tra cho UBND các tỉnh biết để cùng kịp thời chỉ đạo, xử lý dứt điểm theo hướng đồng bộ, liên vùng. Các địa phương cần chủ động tăng cường kinh phí cho xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường nổi cộm nhằm phòng ngừa ảnh hưởng tiêu cực trên diện rộng. Ngoài ra, Trung ương cần có cơ chế, chính sách thiết thực hỗ trợ vốn giúp các địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án xử lý nước thải đã đề xuất./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com