Ý Yên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh

08:10, 09/10/2018

Năm 2017, huyện Ý Yên đã kiểm soát, giám sát, quản lý, xử lý tốt các ổ dịch và các bệnh truyền nhiễm gây dịch, không có tử vong do bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, một số bệnh truyền nhiễm như: cúm, tay - chân - miệng, liệt mềm cấp, liên cầu lợn, thủy đậu, viêm não Nhật Bản vẫn rải rác xuất hiện ở một số xã… Đặc biệt từ tháng 7-2017 đến tháng 11-2017 dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát trên địa bàn huyện với số mắc là 306 ca ở cả 32 xã, thị trấn. Trong đó, bệnh nhân nội địa 39 ca, bệnh nhân ngoại lai 267 ca. Hiện nay huyện có 22 ổ dịch cũ tại 19 xã phải giám sát bọ gậy và muỗi truyền bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, tình trạng đô thị hóa nhanh, cùng với sự phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện làm gia tăng sự ô nhiễm, đất, nước, không khí… ngày càng cao; việc kiểm soát, quản lý các mầm bệnh, dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. 

Trước tình hình trên, huyện Ý Yên đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ngay từ đầu năm 2018, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với 32 trạm y tế xã, thị trấn duy trì hoạt động giám sát dịch bệnh tại 32 xã, thị trấn và một số phòng khám tư nhân. Các đơn vị thực hiện điều tra giám sát các trường hợp mắc bệnh ghi nhận trên phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm trực tuyến. Ngoài ra, toàn ngành tăng cường hệ thống giám sát dịch, giám sát véc-tơ, duy trì và kiện toàn hoạt động của Đội chống dịch cơ động, nâng cao chất lượng phân tích, dự báo xu hướng phát triển của bệnh dịch để có biện pháp phòng chống hiệu quả. Song song với đó, Trung tâm Y tế huyện tham mưu kiện toàn BCĐ phòng, chống dịch bệnh các cấp, kịp thời triển khai công tác phòng, chống và ứng phó khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; chỉ đạo kịp thời phòng chống dịch đặc trưng theo từng mùa cũng như trước diễn biến bất thường của dịch bệnh, đảm bảo công tác chỉ đạo phòng, chống dịch trên địa bàn đạt hiệu quả. Tăng cường xã hội hóa công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, liên doanh liên kết triển khai tiêm vắc-xin dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân, huy động các tổ chức chính trị - xã hội cùng với cơ quan quản lý nhằm phát huy được hiệu quả cao nhất trong phòng chống dịch bệnh. Công tác thông tin, tuyên truyền được tăng cường nhằm nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm, tinh thần chủ động của người dân về các biện pháp phòng chống dịch và khai báo cho cơ quan y tế địa phương khi mắc bệnh. Công tác truyền thông được đa dạng hóa các hình thức qua hệ thống đài phát thanh huyện; đài truyền thanh các xã, thị trấn; pa-nô, tờ rơi, tờ gấp và tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng. Nội dung tuyên truyền phong phú, ngắn gọn, cụ thể, để người dân dễ tiếp thu, thực hiện, chú trọng tuyên truyền những biện pháp phòng chống dịch bệnh; thông tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch bệnh cũng như các hoạt động phòng, chống dịch của xã, huyện, tỉnh để nhân dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống. Củng cố, nâng cao năng lực của Khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS, các khoa lâm sàng, cận lâm sàng, các trạm y tế, cán bộ y tế tham gia hệ thống giám sát dịch từ huyện đến cơ sở. Chủ động giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, xử lý cách ly, thu dung điều trị kịp thời, không để diễn biến nặng, biến chứng hoặc tử vong, không để dịch lan rộng. Thường xuyên cập nhật kiến thức, quy trình về giám sát, xử lý ổ dịch; đảm bảo sẵn sàng trang thiết bị, vật tư, hóa chất cho công tác xử lý ổ dịch; phối hợp thông tin ca bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, mạng lưới y tế thôn, xóm, y tế cơ quan, xí nghiệp, trường học, cộng tác viên dân số với Trung tâm Y tế huyện để tổ chức xử lý kịp thời. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh dịch lây từ động vật sang người; dịch bệnh truyền qua thực phẩm. Các đội cơ động chống dịch tổ chức thường trực, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị; sẵn sàng lấy mẫu để xác định tác nhân gây bệnh/dịch; thực hiện bao vây, xử lý ổ dịch theo quy định của Bộ Y tế. Tăng cường năng lực Khoa Truyền nhiễm của Trung tâm, các trạm y tế xã, thị trấn; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, phương tiện tổ chức thu dung bệnh nhân, cách ly, cấp cứu, điều trị kịp thời để giảm tử vong do bệnh dịch gây ra. Thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ phát hiện sớm ca bệnh, phác đồ điều trị. Tập huấn chẩn đoán, điều trị bệnh cho nhân viên y tế, tổ chức các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân mắc dịch tại cộng đồng. Tổ chức tập huấn cho thành viên BCĐ phòng, chống dịch bệnh các cấp về các văn bản pháp luật trong công tác phòng chống dịch: Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, công trường trên địa bàn duy trì hoạt động vệ sinh môi trường thường xuyên, chủ động phòng chống dịch bệnh; tổ chức các đợt tổng vệ sinh môi trường sau mưa, lũ; vệ sinh môi trường trong trường học; thu gom phế thải, phế liệu... Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng đảm bảo các đối tượng được tiêm đủ mũi, đúng lịch, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 95%...

Với những biện pháp đồng bộ, 9 tháng đầu năm 2018, tình hình dịch bệnh ở người trên địa bàn huyện Ý Yên đã được kiểm soát, chưa ghi nhận các trường hợp dịch bệnh nguy hiểm như cúm A/H7N9, A/H5N1, Mers-CoV, Ebola. Hầu hết các dịch bệnh lưu hành khác đều được kiểm soát và có số mắc giảm hoặc tương đương so với cùng kỳ năm 2017./.

Minh Thuận

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com