Thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp ở Giao Thủy

08:10, 30/10/2018

Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở là điều kiện quan trọng duy trì sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người lao động và chủ sử dụng lao động. Vì vậy, trong những năm qua, huyện Giao Thủy đã phát huy vai trò của tổ chức công đoàn các cấp, nhất là vai trò của công đoàn cơ sở trong tuyên truyền, vận động và giám sát, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị. Qua đó đã góp phần ổn định việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Cty CP Công nghiệp thương mại Giao Thủy luôn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
Cty CP Công nghiệp thương mại Giao Thủy luôn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

Quá trình thực hiện quy chế dân chủ, BCH công đoàn cơ sở đã phối hợp với lãnh đạo các doanh nghiệp bám sát nội dung Nghị định 60/2013/NĐ-CP ngày 19-6-2013 của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc để rà soát, bổ sung và sửa đổi các quy định, quy chế phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị mình, nhằm triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở một cách có hiệu quả và đúng pháp luật. Hằng năm, LĐLĐ huyện ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn 100% công đoàn cơ sở trực thuộc phối hợp với chính quyền, chuyên môn, người sử dụng lao động tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động, ký kết thỏa ước lao động tập thể, rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng hệ thống quy chế, quy định tại doanh nghiệp; gắn việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại doanh nghiệp; tổ chức đối thoại định kỳ giữa người sử dụng lao động với đại diện người lao động. Với vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công nhân lao động, nhiệm kỳ 2013-2018, các cấp Công đoàn đã thường xuyên sâu sát cơ sở, kịp thời nắm bắt, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng; kịp thời giải quyết các thắc mắc, kiến nghị của người lao động ngay từ cơ sở, tích cực hướng dẫn công đoàn cơ sở phối hợp cùng lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động. Trong giai đoạn 2012-2017, có trên 68% doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tổ chức hội nghị người lao động. Thông qua đó, những kiến nghị chính đáng của người lao động đã được người sử dụng lao động lắng nghe, tiếp thu, giải quyết góp phần ổn định trật tự trong doanh nghiệp và tư tưởng của công nhân lao động. Việc ký kết thỏa ước lao động tập thể được các cấp Công đoàn trong huyện giám sát theo đúng trình tự quy định của pháp luật. Nhìn chung, phần lớn thỏa ước lao động được ký mới và sửa đổi, bổ sung có các điều khoản có lợi hơn cho người lao động, tập trung chủ yếu vào việc nâng cao các chế độ phúc lợi. Các cấp Công đoàn còn phối hợp tổ chức đối thoại định kỳ, đối thoại ngay tại nơi làm việc; hướng dẫn Ban Thanh tra nhân dân trong các doanh nghiệp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định trong doanh nghiệp. Thông qua đó quyền dân chủ của người lao động được phát huy; nhiều ý kiến, kiến nghị đã được chủ các doanh nghiệp ghi nhận và trả lời công khai. Nhiều đơn vị đã xây dựng và ban hành các quy chế như: Quy chế dân chủ của doanh nghiệp, Quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc của đơn vị, Quy chế tổ chức hội nghị người lao động... Ngoài ra, việc công khai và tham gia ý kiến của người lao động còn được thực hiện qua các cuộc họp giao ban cán bộ chủ chốt, các cuộc họp cơ quan, hội nghị công đoàn... Tại Cty CP Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy, Công đoàn Cty đã thực hiện quy chế dân chủ theo các hình thức: đối thoại tại nơi làm việc định kỳ 3 tháng/1 lần; tổ chức hội nghị người lao động 1 lần/năm; xây dựng hộp thư thoại, đường dây nóng để công nhân lao động trình bày, gửi ý kiến, hằng tháng tổ chức tọa đàm với công nhân lao động... Qua đó người sử dụng lao động và người lao động tại Cty trong những năm qua đã có được tiếng nói chung. Đời sống người lao động được nâng cao, doanh nghiệp phát triển ổn định. Tại Cty TNHH một thành viên KTCTTL Xuân Thủy, hằng năm, tổ chức Công đoàn đã phối hợp với Ban giám đốc tổ chức hội nghị người lao động. Nội dung chủ yếu của hội nghị tập trung bàn biện pháp thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đánh giá việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, chế độ bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bầu ban thanh tra nhân dân, xây dựng quy chế về tiền lương, tiền thưởng, quy chế an toàn vệ sinh lao động, nội quy lao động, quy chế sử dụng các quỹ phúc lợi, khen thưởng và các chỉ tiêu liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động. Thường xuyên bổ sung, sửa đổi, các quy chế, quy định cho phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Những thắc mắc của người lao động đều được lãnh đạo doanh nghiệp phối hợp với công đoàn xem xét, phân tích, giải quyết kịp thời.

Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các doanh nghiệp ở Giao Thủy đã góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh; đồng thời là cơ sở quan trọng giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Thời gian tới, các cấp Công đoàn tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong các doanh nghiệp đối với việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tham gia giám sát, phản biện xã hội, tuyên truyền vận động cán bộ, công chức và người lao động tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; duy trì tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, doanh nghiệp với người lao động./. 

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com