Nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền

08:10, 15/10/2018

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã chú trọng đổi mới công tác dân vận chính quyền theo hướng “Trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”, góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân, là tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh vững mạnh.

Cán bộ xã Hải Long (Hải Hậu) giải quyết thủ tục hành chính phục vụ nhân dân.
Cán bộ xã Hải Long (Hải Hậu) giải quyết thủ tục hành chính phục vụ nhân dân.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về vai trò,vị trí của công tác dân vận trong tình hình mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác vận động quần chúng, nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; gắn công tác dân vận với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, địa phương, đơn vị. Với việc thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, các cấp uỷ Đảng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc lãnh đạo chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; tập trung xây dựng chính quyền thân thiện, gần dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; thực hành dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước. Các cơ quan, đơn vị, địa phương giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị của nhân dân, nâng cao đời sống nhân dân về mọi mặt, giúp nhân dân thực hiện tốt các quyền lợi, nghĩa vụ theo quy định. Đồng thời tăng cường tạo điều kiện để nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua hoạt động phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Các cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh thực hiện tốt công tác phản biện xã hội, tổ chức cho các tầng lớp nhân dân góp ý, phản biện các nội dung như: Thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong bộ tiêu chí xây dựng NTM; việc chuyển mã quyền lợi BHYT đối với cựu chiến binh; góp ý vào vấn đề chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trẻ; vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm và những đóng góp đề nghị bổ sung, sửa đổi một số nội dung của Luật Thanh niên, góp ý sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XI; góp ý vào các văn bản quy định chính sách pháp luật về bình đẳng giới; góp ý vào dự thảo luật có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn... Uỷ ban MTTQ các cấp đã đặt hòm thư góp ý xây dựng Đảng, chính quyền tại cơ quan MTTQ và các khu dân cư nhằm tiếp nhận thường xuyên ý kiến đóng góp của nhân dân. Ngoài góp ý qua các hòm thư, việc góp ý tham gia xây dựng Đảng, chính quyền còn được thực hiện thông qua các hình thức như: góp ý trực tiếp, tổ chức hội nghị, các buổi tọa đàm để nhân dân tham gia ý kiến; phối hợp thực hiện công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân, tiếp xúc cử tri. Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 200 cuộc tiếp xúc cử tri; HĐND cấp huyện tổ chức 499 cuộc tiếp xúc cử tri và HĐND cấp xã tổ chức hàng nghìn cuộc tiếp xúc với cử tri ở các địa phương, cơ sở. Cùng với đó, các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ vững an ninh, trật tự xã hội. Từ năm 2016 đến nay, các cấp, ngành trong tỉnh đã tiếp 12.101 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tiếp nhận, xử lý 5.930 đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh của 265 vụ việc. Đặc biệt, tỉnh gắn thực hiện công tác dân vận với đẩy mạnh thực hiện Chương trình cải cách hành chính, từng bước cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất và thu hút đầu tư, nước ngoài. Trong đó, bám sát Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 9-6-2016 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020”, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới; căn cứ chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương; kiểm tra, rà soát các quy định, thủ tục hành chính của tỉnh để kịp thời bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ các thủ tục hành chính chồng chéo, rườm rà, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; ban hành mới các thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Các bộ thủ tục hành chính, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ email tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính của tỉnh được công khai đầy đủ trên cổng thông tin điện tử và tại nơi tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” của các địa phương, đơn vị. Từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 45 quyết định công bố sửa đổi 208 thủ tục; ban hành mới 407 thủ tục, bãi bỏ 274 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp, ngành, chính quyền trong tỉnh. Mặt khác, việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; công tác hiện đại hóa hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh. Hiện nay, UBND tỉnh đã kết nối liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ và 28 bộ, ngành, địa phương khác; xây dựng, triển khai dự án “Phát triển hạ tầng Khung Chính phủ điện tử tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2020” và “Xây dựng Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Nam Định”. Hệ thống “một cửa điện tử” của tỉnh đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2 và 3. Hoàn thành rà soát, đánh giá và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của 17/17 sở, 3 cơ quan ngang sở, đảm bảo không còn tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót về chức năng, nhiệm vụ giữa các sở, ban, ngành. Việc thực hiện các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở, tác phong làm việc, quy tắc ứng xử; việc xây dựng và thực hiện phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt, tạo sự chuyển biến rõ nét trong hành động, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động của đơn vị. Kết quả tự đánh giá, xếp loại chính quyền cơ sở năm 2017 của 229 xã, phường, thị trấn có 80% vững mạnh, 16% khá và 4% trung bình. 

Nhờ thực hiện có hiệu quả, đồng bộ trên các lĩnh vực, công tác dân vận của chính quyền thời gian qua đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2017, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, thu hút đầu tư nước ngoài lọt tốp 3 tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài tốt nhất cả nước, giá trị hàng xuất khẩu cả năm ước tăng 23,7% so với năm 2016; từ đầu năm 2018 đến nay, chỉ số công nghiệp ước tăng 9,1%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,7%, sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,8%, tổng giá trị hàng xuất khẩu tăng 19,2% so với cùng kỳ… Kết cấu hạ tầng của tỉnh ngày càng hoàn thiện, các công trình kinh tế, giao thông trọng điểm trong tỉnh tiếp tục khởi công xây dựng. Trong xây dựng NTM, toàn tỉnh đã có 209/209 xã, thị trấn (bằng 100%) đạt chuẩn NTM; 5/10 huyện, thành phố đạt chuẩn NTM (đạt 50%, bằng 10% số huyện đạt chuẩn NTM của cả nước); 3 huyện đã đủ điều kiện đề nghị các bộ, ngành Trung ương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao./. 

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com