Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát

08:10, 10/10/2018

Công tác kiểm tra, giám sát có vị trí quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Bởi, lãnh đạo không chỉ là xây dựng đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, việc tổ chức thực hiện và bố trí cán bộ mà lãnh đạo còn là kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng trong việc triển khai, đưa đường lối, chính sách của Đảng đi vào thực tiễn. Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của cán bộ kiểm tra, qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Đảng ta đều đề cập và nhấn mạnh đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cụ thể, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã nêu: "Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra về đường lối, quan điểm, pháp luật, kinh tế, về nghiệp vụ và phong cách làm việc. Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có phẩm chất chính trị tốt, công tâm, trong sạch, đủ năng lực, kể cả năng lực kiểm tra việc chấp hành đường lối chính sách của Đảng”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng yêu cầu: “Kiện toàn tổ chức, tăng cường cán bộ có chất lượng, cải thiện điều kiện, phương tiện làm việc của UBKT các cấp”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng yêu cầu: “Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra các cấp”. Cán bộ kiểm tra là đội ngũ chuyên trách về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Đội ngũ cán bộ kiểm tra là lực lượng nòng cốt, là nhân tố quyết định việc thực hiện nhiệm vụ của UBKT các cấp. Vì vậy, cán bộ kiểm tra phải đạt yêu cầu về cả hai mặt: Đạo đức và trình độ, năng lực. Khi đáp ứng được cả hai yêu cầu này cán bộ kiểm tra sẽ có bản lĩnh chính trị vững vàng, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của Đảng giao. Vấn đề rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng được thể hiện qua việc cán bộ kiểm tra phải tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng. Lòng trung thành và tính gương mẫu của cán bộ kiểm tra được thể hiện ở lập trường kiên định, bản lĩnh chính trị vững vàng, có dũng khí, tính chiến đấu cao khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Trước những tác động tiêu cực hoặc những cám dỗ đời thường, cán bộ kiểm tra phải có bản lĩnh vượt lên hoàn cảnh, không bị ngả nghiêng, dao động, bị mua chuộc mới giúp cho các kết luận kiểm tra khách quan, chính xác. Khi xem xét, đánh giá người và việc, cán bộ kiểm tra xác định rõ vì lợi ích của Đảng, của sự nghiệp cách mạng để nói đúng sự thật, không thiên vị, không thiên tư, thành kiến và không chen động cơ cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ. Trong yêu cầu công việc, đạo đức, phẩm chất cách mạng của cán bộ kiểm tra có sức ảnh hưởng rất cao đến hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, giám sát nói riêng và công tác xây dựng Đảng nói chung. Điều này đã được khẳng định qua các thời kỳ cách mạng, và gần đây nhất, trong các cuộc nói chuyện với cán bộ kiểm tra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh vấn đề đạo đức, phẩm chất cách mạng của cán bộ kiểm tra, nhất là trong thời kỳ kinh tế thị trường hiện nay: “Mỗi cán bộ làm công tác kiểm tra phải có dũng khí đấu tranh, thật sự công tâm, khách quan, chính trực, và hơn ai hết, phải liêm, phải sạch. Không liêm, không sạch thì không nói được người khác, không kỷ luật được người khác. Nhiều người thường vẫn ví cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng phải là những "Bao Công" của thời nay, phải là những người cộng sản chân chính vừa có dũng khí đấu tranh vừa có lòng nhân ái, và nhiều khi phải chịu đựng hy sinh về quyền lợi cá nhân". Cùng với việc phải tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, cán bộ kiểm tra còn phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ. Cán bộ kiểm tra cần có trình độ học vấn từ đại học một chuyên ngành trở lên; có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Đồng thời có sự am hiểu về công tác xây dựng Đảng và công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; phải được bồi dưỡng cơ bản, có hệ thống về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nhiệm vụ chính trị của Đảng trong từng thời kỳ.

Tại tỉnh ta trong những năm qua, cấp uỷ các cấp luôn thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ kiểm tra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Hiện nay, trong tổng số 94 cán bộ UBKT từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã có 14 thạc sĩ, 93 người có trình độ đại học, 1 trung cấp. Về trình độ lý luận chính trị, 56 đồng chí đã tốt nghiệp cao cấp, 36 người có trình độ trung cấp, 2 sơ cấp, 3 trường hợp đang học đại học chính trị chuyên ngành kiểm tra tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Hiện tại, 100% cán bộ kiểm tra cấp tỉnh, cấp huyện đã được bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, giám sát. Cán bộ kiểm tra các cấp được chuẩn hoá về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị chính là nguồn lực tốt, tạo sự chuyển biến tích cực trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chung, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. Tuy nhiên, trước khối lượng công việc ngày càng lớn, hoạt động kiểm tra, giám sát vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đội ngũ làm công tác kiểm tra ở cơ sở thường xuyên biến động, thay đổi sau nhiệm kỳ đại hội; trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tế còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, toàn Đảng bộ tỉnh có 1.732 đồng chí cán bộ làm công tác kiểm tra ở các đảng ủy cơ sở; trong đó 986 đồng chí tham gia lần đầu; đây chính là những hạn chế, khó khăn lớn, ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Do vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thời gian tới, cấp ủy các cấp phải thường xuyên chỉ đạo, củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý. Mỗi cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát phải đề cao trách nhiệm, tu dưỡng, rèn luyện, tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Cấp ủy và UBKT cấp trên cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ kiểm tra, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hằng năm, tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát; luân chuyển, điều động cán bộ giữa các cấp, các ngành, tạo điều kiện cho cán bộ phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Cấp ủy cần quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho UBKT các cấp; có chính sách tốt hơn đối với cán bộ kiểm tra, nhất là cán bộ ở cơ sở. Tạo nhiều điều kiện thu hút những cán bộ có đức, có tài, có lập trường, bản lĩnh vững vàng tham gia công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới./.

Nguyễn Quang Hưng
(UBKT Tỉnh ủy)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com