Khẳng định vai trò doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển làng nghề

08:10, 12/10/2018

Toàn tỉnh hiện có 124 làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất CN-TTCN (gồm 94 làng nghề cũ và 30 làng nghề mới); trong đó có 51 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận. Sản phẩm của các làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh ta không chỉ được tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước mà có nhiều mặt hàng đã xuất khẩu ra nước ngoài. Các làng nghề này góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo tiêu chí xây dựng NTM và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Để có được kết quả đó là sự nỗ lực của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ở các làng nghề đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo thống kê của ngành Công thương, trong số trên 7.800 doanh nghiệp có trên 500 doanh nghiệp hình thành và phát triển từ các hộ cá thể, cơ sở sản xuất trong các làng nghề, làng nghề truyền thống, tạo việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động.

Sản xuất sản phẩm mộc mỹ nghệ tại làng nghề Đông Hữu, xã Hải Anh (Hải Hậu).
Sản xuất sản phẩm mộc mỹ nghệ tại làng nghề Đông Hữu, xã Hải Anh (Hải Hậu).

Không đủ tiềm lực tài chính, kỹ thuật để đầu tư nhà xưởng và thiết bị hiện đại, đồng bộ từ đầu nên phần nhiều doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp từ các làng nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh ta phải lựa chọn phương thức "lấy ngắn nuôi dài". Sinh ra từ làng, tiếp cận và gắn bó với nghề truyền thống từ ấu thơ nên các doanh nhân làng nghề có cơ hội nắm bắt, học hỏi, chắt lọc những tinh hoa, kỹ xảo của nghề từ sớm tích lũy thành bí quyết cho mình, cộng với nỗ lực học hỏi tri thức kỹ thuật hiện đại, tư duy nhanh nhạy nắm bắt xu thế, thị hiếu của thị trường; tận dụng tốt những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về mặt bằng, nguồn vốn... các doanh nhân làng nghề có những lợi thế nền tảng quan trọng về nghề trong quá trình phát triển sự nghiệp. Sinh ra và lớn lên từ làng nghề cơ khí truyền thống Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực), năm 1988 sau khi tốt nghiệp phổ thông, chàng thanh niên Lê Việt Thắng bắt đầu lập nghiệp bằng con đường kinh doanh sản phẩm cơ khí. Các sản phẩm: côn, trục xe đạp, các loại bu-lông và nhiều đồ gia dụng kim loại là những loại sản phẩm chủ lực của làng nghề cơ khí Đồng Côi. Trước kia phần lớn các sản phẩm đều được sản xuất thủ công, chất lượng sản phẩm, nhất là độ tinh xảo không cao, không đáp ứng được những hợp đồng yêu cầu khối lượng hàng hóa lớn nên giá trị kinh tế thấp. Qua quá trình tiếp cận thị trường, anh Thắng đã nhận diện được những bất cập đó và đã quyết định huy động toàn bộ vốn liếng trong nhà, vay ngân hàng đầu tư mua máy đột dập bu-lông; máy rút sắt nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Có sự hỗ trợ của máy móc, sản lượng các loại sản phẩm của cơ sở tăng gấp mười lần so với trước mà chất lượng lại đảm bảo, đáp ứng được các đơn hàng lớn từ vài chục nghìn đến hàng triệu sản phẩm của các bạn hàng. Sau vài năm chuyên tâm sản xuất các loại chi tiết, phụ tùng cơ khí; tích lũy được một số vốn kha khá, được tỉnh, huyện tạo điều kiện về mặt bằng, anh quyết định thành lập Cty TNHH Cơ khí Việt Thắng đầu tư tại CCN Đồng Côi, chuyển hướng sang sản xuất các mặt hàng chuyên dụng cho ngành khai thác khoáng sản, điện lực và các sản phẩm kết cấu thép phi tiêu chuẩn phục vụ ngành xây dựng, cầu đường. Khởi nghiệp từ một cơ sở sản xuất nhỏ với vài lao động, đến nay, Cty TNHH Cơ khí Việt Thắng đã phát triển khu xưởng sản xuất rộng 11 nghìn m2, có đủ các loại máy đột dập 150, 200, 250 và 300 tấn; máy cắt tôn (dài 10,5m, khổ dầy 18mm) và loại khổ dầy 20mm. Sản phẩm của Cty luôn đạt chất lượng và có uy tín trên thị trường, được khách hàng tin dùng, doanh thu tăng đều qua các năm, tạo việc làm thường xuyên cho 80 lao động địa phương và các xã Nam Cường, Nam Dương, Đồng Sơn… với mức thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Dưới sự nỗ lực chèo lái của doanh nhân Lê Việt Thắng, nhiều năm nay Cty luôn đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng, góp phần đưa sản phẩm của làng nghề cơ khí Đồng Côi góp mặt ở các công trình lớn của đất nước như: công trình lan can cầu Phùng (huyện Đan Phượng), cầu Đông Trù (huyện Đông Anh) và xe đúc hẫng, giá long môn phục vụ thi công cầu Vĩnh Tuy (TP Hà Nội), dàn giáo phục vụ thi công nhà ga T2 - sân bay Nội Bài, hệ thống cột chống và giá đỡ hầm lò… Không chỉ ở làng nghề cơ khí truyền thống Đồng Côi, mà ở các làng nghề khác trong tỉnh, đội ngũ doanh nghiệp với vai trò là đầu mối tiêu thụ sản phẩm, cung ứng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, thậm chí cơ cấu sắp xếp lại, chuyên môn hóa sản xuất giúp cho làng nghề thích ứng với thị trường, duy trì và phát triển. Ở các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Ý Yên, Nam Trực... đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân làng nghề ngày càng đông đảo. Tiêu biểu như làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của xã Yên Tiến (Ý Yên) có 30 doanh nghiệp với quy mô mỗi doanh nghiệp sử dụng từ 50-60 lao động tập trung trở lên; có 3.000/3.587 hộ tham gia sản xuất các sản phẩm thuộc nhiều ngành nghề như: sơn mài - tre, nứa chắp; mộc mỹ nghệ, hộ ít thì có từ 1-2 lao động thường xuyên; hộ nhiều thì có từ 3-5 người nhận sản phẩm gia công tại nhà cho các doanh nghiệp trong xã. Làng nghề cơ khí truyền thống xã Xuân Tiến (Xuân Trường) hiện cũng có 30 doanh nghiệp, cơ sở đang đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN tập trung. Tiếp nối lớp doanh nhân cao tuổi như các ông: Đinh Tân Việt (Doanh nghiệp Tư nhân Tân Việt); Đinh An Trung… đã xuất hiện ngày càng nhiều doanh nhân trẻ Đinh Xuân Dụng (Cty TNHH Chế tạo động cơ AXUZU); Đinh Thanh Bằng (Cty TNHH Cơ khí Thanh Bằng); Đinh Xuân Mộc (Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc); Trần Văn Kiều (Cty TNHH Tân Thiên Phú)... Sản phẩm cơ khí truyền thống xã Xuân Tiến đã phát triển đa dạng chủng loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như: máy tuốt lúa, máy tẽ ngô, máy bóc lạc, các loại máy xây dựng (máy trộn đảo bê tông, máy ép gạch thủy lực), máy chế biến gỗ (máy phay, bào, đục...), kể cả động cơ điện... đã được nghiên cứu và sản xuất thành công với khối lượng lớn. Với ưu điểm là chất lượng đảm bảo, độ bền cao, giá cả phù hợp và vận hành đơn giản, các sản phẩm của làng nghề cơ khí không chỉ được thị trường trong nước tín nhiệm mà còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Căm-pu-chia. Tại các làng nghề truyền thống nổi tiếng của huyện Ý Yên như mộc mỹ nghệ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá… các doanh nhân làng nghề như: Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch Hiệp hội cơ khí đúc Ý Yên; Nguyễn Văn Thiếp, Vũ Duy Thuấn, Dương Bá Phong, Dương Bá Dũng đã góp phần quan trọng trong việc khẳng định vị thế làng nghề truyền thống trên 900 năm tuổi của địa phương. Nhờ chủ động áp dụng các công nghệ tiên tiến như: đúc kim loại màu; lò đúc nhiệt luyện sử dụng điện; nhuộm kim loại, các doanh nghiệp đã góp phần phát triển đa dạng các sản phẩm đúc đồng mỹ nghệ của làng nghề với những bức tượng Phật, tượng danh nhân được đánh giá cao. Đặc biệt, phải kể đến những công trình lớn tầm cỡ quốc gia, như: tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng đài Bác Hồ tại nhà lưu niệm huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; tượng Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Nhà Lưu niệm tỉnh Quảng Trị, tượng Vua Lý Thái Tổ (Hà Nội); tượng Quốc mẫu Âu Cơ và các vị Lạc tướng, Lạc hầu tại Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ), tượng 14 vị vua Trần đặt tại Đền Trần (TP Nam Định), tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối tại núi Non Nước (huyện Sóc Sơn, Hà Nội)…

Tuy nhiên, ngoài một số làng nghề truyền thống có tên tuổi ở các xã, thị trấn như Lâm, Yên Tiến, Yên Ninh (Ý Yên); Xuân Tiến, Xuân Kiên (Xuân Trường); Nam Giang, Nam Hồng, Nam Thanh (Nam Trực); Hải Minh (Hải Hậu)... có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp phát triển mạnh, hoạt động ổn định còn rất nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động cầm chừng, có nơi đang mai một do thiếu vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp. Vì thế, việc hỗ trợ doanh nghiệp làng nghề tiếp cận, tìm kiếm, khai thác, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, nâng cao kiến thức quản lý, quản trị doanh nghiệp cho cán bộ quản lý doanh nghiệp, các nghiệp vụ thuế, kế toán, về vốn, nhất là các nguồn vốn vay ưu đãi trung, dài hạn là những việc làm hết sức cần thiết và cấp bách... Về phía các doanh nghiệp trong làng nghề, để nâng cao vị thế của mình cũng cần phải mạnh dạn nghiên cứu, đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo vừa tăng trưởng sản xuất vừa bảo vệ được môi trường, phát triển nghề, làng nghề một cách bền vững, hiệu quả./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com