Phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" ở Nghĩa Hưng

06:09, 07/09/2018

Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng đã triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, tạo động lực giúp chị em vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào thực hiện các phong trào thi đua và hoạt động Hội.

Chị Nguyễn Thị Hải, xã Nghĩa Lâm với mô hình sản xuất cói xuất khẩu tạo việc làm cho hàng trăm lao động nữ tại địa phương.
Chị Nguyễn Thị Hải, xã Nghĩa Lâm với mô hình sản xuất cói xuất khẩu tạo việc làm cho hàng trăm lao động nữ tại địa phương.

Để thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền; xây dựng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới; cụ thể hóa nội dung, tiêu chí thi đua, phát động phong trào thi đua dưới nhiều hình thức, sát với tình hình thực tế của địa phương; phát huy tối đa sức sáng tạo và tiềm năng của các tầng lớp phụ nữ. Với tinh thần tương thân, tương ái, hội viên phụ nữ trong huyện luôn thực hành tiết kiệm, phát huy nội lực, giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống; quan tâm đến những chị em có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ ủng hộ, xây dựng nhà “Mái ấm tình thương”; tặng quà cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó, vươn lên trong học tập. Các tầng lớp phụ nữ trong huyện còn tích cực tham gia thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên, giảm bạo lực gia đình, phòng chống các tai tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng gia đình văn hóa và nếp sống văn minh trên địa bàn huyện. Để hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến gia đình, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình cho phụ nữ, trong đó tập trung tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống HIV/AIDS... Thực hiện đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, các cấp Hội đã có nhiều hoạt động thiết thực như xây dựng các mô hình CLB: “Các bà mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên”, “Phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”; phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức diễn đàn “Tâm lý lứa tuổi vị thành niên, lựa chọn tương lai trong thời kỳ hội nhập” trong các trường THPT... Thông qua đó tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức, kỹ năng về gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con theo khoa học cho nữ thanh niên và các bà mẹ, ông bố có con tuổi vị thành niên. Công tác tư vấn, hỗ trợ hôn nhân gia đình, hôn nhân có yếu tố nước ngoài; hỗ trợ bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái bị xâm hại tình dục, phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; các vấn đề pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ, hội viên phụ nữ đã được các cấp Hội phối hợp, triển khai hiệu quả như: phối hợp với Phòng Tư pháp huyện tổ chức trợ giúp pháp luật miễn phí cho hội viên phụ nữ; phối hợp với Phòng LĐ-TB và XH huyện xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy tại cơ sở; phối hợp với Công an huyện thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01 về “Quản lý giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, triển khai xây dựng mô hình “Cai nghiện tại cộng đồng” ở Thị trấn Quỹ Nhất, mô hình tổ phụ nữ vận động con em và người thân trong gia đình nói không với ma túy tại 25/25 cơ sở Hội. Ngoài ra, để hỗ trợ hội viên phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, các cấp Hội Phụ nữ còn chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm, xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế như: “Tổ liên kết nuôi trồng thủy hải sản và rau màu” xã Nghĩa Bình, “Tổ phụ nữ đan cói xuất khẩu” xã Nghĩa Đồng, “Tổ Phụ nữ liên kết nghề đan cói xuất khẩu” xã Nghĩa Bình, HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Minh xã Nam Điền, mô hình nông nghiệp sạch khép kín không rác thải thông qua nuôi giun quế tại 2 xã Nghĩa Minh, Hoàng Nam… Từ năm 2015-2018, Hội LHPN huyện, Phòng LĐ-TB và XH huyện, Trung tâm dạy nghề huyện đã mở 16 lớp đan lát thủ công cho 664 hội viên phụ nữ các xã, thị trấn và trên 400 hộ gia đình có nhu cầu tham gia học nghề để phát triển kinh tế gia đình. Kết quả sau 3 năm triển khai đã có tổng số 3.204 hộ và 3.517 người tham gia làm nghề đan cói với thu nhập bình quân đầu người từ 3-5 triệu đồng/tháng.

 Nhờ thực hiện tốt phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, phụ nữ huyện Nghĩa Hưng đã có đóng góp quan trọng vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong sản xuất nông nghiệp, chị em đã tích cực học tập, áp dụng phương thức làm ăn mới vào sản xuất, tham gia các hoạt động khuyến nông do các cấp Hội Phụ nữ phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức. Thông qua các hoạt động của mô hình “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”: tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, tham quan mô hình mới, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, chị em mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT, tạo ra sản phẩm cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập trên một diện tích canh tác. Toàn huyện đã có hàng nghìn phụ nữ làm kinh tế trang trại, kinh doanh giỏi, vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình như: chị Nguyễn Thị The, xã Hoàng Nam có trang trại nuôi gà công nghiệp, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động, giúp nhiều hộ gia đình phát triển chăn nuôi. Chị Nguyễn Thị Hải, xã Nghĩa Lâm với mô hình sản xuất cói xuất khẩu tạo việc làm cho hàng trăm lao động nữ tại địa phương và các xã lân cận. Chị Triệu Thị Giới, xã Nghĩa Lợi tổ chức mô hình dạy nghề và phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp… Trong sản xuất công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ, đội ngũ nữ chủ doanh nghiệp, nữ tiểu thương trong huyện cũng luôn năng động, sáng tạo nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu xã hội để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Nhiều chị đã trở thành chủ các doanh nghiệp thành đạt, giải quyết việc làm và bảo đảm thu nhập cho hàng trăm lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo. Điển hình như các chị: Nguyễn Thị Thanh, Cty TNHH Mai Thanh, xã Nghĩa Sơn; Trần Thị Hoa, Thị trấn Liễu Đề; Phạm Thị Huệ, xã Nghĩa Trung. Trong lĩnh vực văn hoá, xã hội, cán bộ, hội viên phụ nữ trong huyện đã tích cực tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương. Phụ nữ trong ngành GD và ĐT đã khẳng định vai trò quan trọng trong xã hội hoá giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tích cực hưởng ứng phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, say mê nghiên cứu khoa học, đổi mới phương pháp giảng dạy và quản lý nhà trường. Đã có hàng trăm cô giáo đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi” các cấp. Phụ nữ trong ngành Y tế thực hiện tốt “12 điều y đức”, tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc sức khoẻ nhân dân; phối hợp tuyên truyền, vận động phụ nữ, các bà mẹ có con nhỏ thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ, tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống HIV/AIDS…

Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, phấn đấu hằng năm có 90% trở lên cán bộ, hội viên đăng ký thực hiện phong trào thi đua; 85% trở lên hội viên đạt danh hiệu “Phụ nữ tiên tiến”, “Phụ nữ xuất sắc”./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com