Phát triển du lịch làng nghề truyền thống

08:09, 10/09/2018

Tỉnh ta không chỉ nổi tiếng về du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh mà còn nổi tiếng với nhiều làng nghề. Hiện nay, du lịch làng nghề truyền thống đang là hướng phát triển mới của ngành du lịch tỉnh.

Nghệ nhân sinh vật cảnh cấp tỉnh Nguyễn Huy Hà, làng cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực).
Nghệ nhân sinh vật cảnh cấp tỉnh Nguyễn Huy Hà, làng cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực).

Toàn tỉnh hiện có trên 124 làng nghề; trong đó có 17 làng nghề truyền thống có lịch sử hàng trăm năm được người dân cả nước biết đến; tiêu biểu như: làng trồng hoa, cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá, làng rèn Vân Chàng, Thị trấn Nam Giang; nghề đúc đồng Đồng Quỹ, xã Nam Tiến; nghề làm đèn ông sao ở Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực); nghề làm nón ở làng Đào Khê, xã Nghĩa Châu và làng Phù Sa Thượng, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng); làng dệt Phương Định, Cự Trữ, ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh); sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá (Ý Yên) và các làng nghề làm muối ven biển thuộc các xã Hải Hòa, Hải Lý (Hải Hậu), Bạch Long (Giao Thủy)… Các làng nghề truyền thống ở tỉnh ta đều có cảnh quan đẹp, các sản phẩm độc đáo, tinh xảo… là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch. Thời gian qua Sở VH, TT và DL, các huyện, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của các làng nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các cuộc khảo sát tiềm năng làm du lịch, thiết kế tour du lịch với sự tham gia của các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành trong và ngoài tỉnh; các cuộc hội thảo chuyên đề về phát triển du lịch làng nghề, tham gia các Liên hoan làng nghề truyền thống của vùng, khu vực để quảng bá thương hiệu, các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, cơ sở hạ tầng, đường giao thông thôn xóm, hệ thống vệ sinh môi trường của một số làng nghề từng bước được nâng cấp, cải tạo. Bên cạnh đó, phương thức tổ chức lễ hội truyền thống kết hợp với trải nghiệm du lịch làng nghề cũng được mở rộng nhằm thu hút du khách, tạo đầu ra cho sản phẩm... Để đáp ứng nhu cầu của du khách đến tham quan, thưởng thức các loại cây thế, cây cảnh, lễ hội truyền thống hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá đã mở rộng quy mô tổ chức với sự tham dự của các CLB sinh vật cảnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng, CLB sinh vật cảnh các tỉnh Bắc Trung Bộ… thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, giao thương mỗi năm. Một số làng nghề khác trong tỉnh nhờ thay đổi tư duy, cách thức hoạt động gắn với phát triển du lịch bước đầu thu hút được du khách. Làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) thời gian qua đã tích cực cải tạo môi trường, cảnh quan để thu hút khách tham quan. Với lợi thế nằm trên Quốc lộ 10, thuận tiện về giao thông, làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên được các Cty, doanh nghiệp lữ hành xây dựng, thiết kế phối hợp trong các tour du lịch văn hóa tâm linh đến các điểm du lịch nổi tiếng như Quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy (Vụ Bản), Phủ Nấp ở xã Yên Đồng, các di tích thờ Vua Đinh - Lê (Ý Yên), Khu di tích lịch sử - văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp (TP Nam Định) hay Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch tâm linh Bái Đính (Ninh Bình). Ở các làng nghề làm muối, vào mùa du lịch biển trong những ngày hè cũng tiếp đón nhiều đoàn khách du lịch. Một số doanh nghiệp lữ hành còn liên kết với diêm dân tổ chức cho du khách được tham gia một số công đoạn làm muối để trải nghiệm những khó khăn, vất vả của diêm dân. 

Trong những năm qua, nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến với các làng nghề truyền thống trong tỉnh. Tuy nhiên, việc khai thác du lịch làng nghề vẫn chưa xứng với tiềm năng do hiện nay một số làng nghề chưa có kinh nghiệm về quản lý và tổ chức khai thác, phát huy thế mạnh nên hiệu quả, sức thu hút của sản phẩm du lịch này đối với khách du lịch còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ khách du lịch đến tham quan các làng nghề còn thấp so với lượng khách du lịch đến tỉnh. Nguyên nhân do các làng nghề vẫn “chưa thực sự sẵn sàng” để đón khách. Nhiều nơi chưa có bãi đỗ xe, không có nơi giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm; nhiều làng nghề chưa có biển chỉ dẫn vị trí, hướng dẫn giao thông, chưa quan tâm, đầu tư sản xuất các sản phẩm mang tính đặc trưng phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, phương pháp, tác phong làm du lịch của người dân thiếu chuyên nghiệp, nhiều nơi không bố trí đội ngũ nghệ nhân làm sản phẩm trình diễn; dịch vụ phục vụ khách tham quan hạn chế... Công tác tuyên truyền quảng bá giới thiệu sản phẩm còn yếu.

Phát triển du lịch làng nghề truyền thống không chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn mà qua đó còn lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hoá của dân tộc. Để phát triển du lịch làng nghề truyền thống, các cấp, các ngành chức năng cần có những giải pháp mang tính chiến lược, phù hợp với điều kiện thực tế của từng làng nghề. Trong đó, cần quan tâm nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tu bổ, tôn tạo cảnh quan môi trường; có chính sách hỗ trợ các làng nghề trong việc quy hoạch, giữ gìn bản sắc văn hoá. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh, trong đó có sản phẩm du lịch làng nghề, đồng thời tiến hành sưu tầm các tài liệu, hiện vật có giá trị về truyền thống của các làng nghề. Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ thợ thủ công mỹ nghệ có trình độ thẩm mỹ, kiến thức khoa học, về truyền thống văn hoá nghề và làng nghề. Các làng nghề cần xây dựng quy hoạch khu sản xuất, khu triển lãm để du khách tham quan, tìm hiểu và có thể tham gia làm một số công đoạn tạo ra sản phẩm… Sở VH, TT và DL cần chủ trì định hướng, giúp các địa phương có làng nghề khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch./.

Bài và ảnh: Hoàng Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com