Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch

07:08, 28/08/2018

Trong những năm qua, các cấp chính quyền và các ngành chức năng trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, nhất là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch. Từ đó đã tạo chuyển biến rõ nét trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, đáp ứng nhu cầu của công dân, góp phần tích cực vào công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ tư pháp - hộ tịch Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính về hộ tịch.
Cán bộ tư pháp - hộ tịch Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính về hộ tịch.

Cùng với việc chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về hộ tịch trong nhân dân, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Tư pháp phối hợp với các huyện, thành phố rà soát đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch trên địa bàn, đề xuất lộ trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch theo tiêu chuẩn của Luật Hộ tịch… Đến nay, toàn tỉnh có 257 cán bộ làm công tác tư pháp, trong đó, cấp huyện có 28 cán bộ; cấp xã có 229 cán bộ. UBND tỉnh cũng giao Sở Tư pháp tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành liên quan đến Luật Hộ tịch; từ đó phân loại, lên danh mục kiến nghị sửa đổi, bổ sung và ban hành văn bản mới thay thế văn bản có nội dung không còn phù hợp; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện niêm yết công khai thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch để cán bộ, nhân dân biết, giám sát, thực hiện bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn về việc giải quyết các hồ sơ đăng ký hộ tịch thuộc thẩm quyền; việc thực hiện quy định về cấp lại bản chính giấy khai sinh, cấp bản sao giấy tờ hộ tịch; việc ghi chép sổ hộ tịch, sử dụng biểu mẫu hộ tịch và việc bảo quản, lưu trữ các loại sổ sách, hồ sơ hộ tịch; việc chấp hành các quy định về thu và quản lý lệ phí hộ tịch; việc niêm yết các thủ tục đăng ký hộ tịch theo quy định; công tác kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ về hộ tịch cho UBND các xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hộ tịch, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn cũng tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho hoạt động đăng ký, quản lý hộ tịch. Hiện nay, toàn tỉnh đã thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch tại bộ phận một cửa, tiếp nhận và trả kết quả theo đúng thời gian quy định. Các thủ tục hành chính về hộ tịch liên quan trực tiếp đến người dân được niêm yết công khai tại trụ sở UBND. Nhiều thủ tục hành chính về hộ tịch được cắt giảm về thành phần hồ sơ, mẫu đơn, tờ khai, rút ngắn thời gian giải quyết, loại bỏ những thủ tục rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi có yêu cầu. Đặc biệt, thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”, từ ngày 1-2-2018, phần mềm hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp đã được chính thức triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Triển khai phần mềm này, Sở Tư pháp đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) tổ chức 10 lớp tập huấn sử dụng phần mềm hộ tịch dùng chung cho lãnh đạo, chuyên viên làm công tác hộ tịch Phòng Tư pháp và công chức tư pháp - hộ tịch của 229 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Cục Công nghệ thông tin để đăng ký khởi tạo tài khoản phần mềm hộ tịch dùng chung chính thức cho cấp huyện, cấp xã; đồng thời tiến hành bàn giao danh sách tài khoản sử dụng hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch cho các huyện, thành phố. Bên cạnh đó, để đảm bảo các xã, phường, thị trấn và các huyện, thành phố trên toàn tỉnh thực hiện triển khai phần mềm một cách đồng bộ, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công văn 51/UBND-VP8 ngày 2-2-2018 về việc thống nhất sử dụng hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung kể từ ngày 1-2-2018. Qua đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp hệ thống máy vi tính, máy in, đường truyền internet và các trang thiết bị cần thiết để cài đặt và sử dụng được phần mềm hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp. Kết quả đến nay, trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh đã triển khai đồng bộ phần mềm hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp. Bước đầu đã cho thấy hiệu quả khi đảm bảo yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, không xảy ra lỗi khi vận hành, hệ thống báo cáo liên thông giữa các cấp, cập nhật kịp thời với quy định của pháp luật, giúp giảm tải công việc cho cán bộ chuyên môn, góp phần giải quyết nhanh gọn các thủ tục liên quan đến hộ tịch, giảm bớt chi phí về thời gian, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính. Đồng chí Nguyễn Văn Lý, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Trước đây, tình trạng ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa đồng bộ nên việc thực hiện các quy định của Luật Hộ tịch liên quan đến thủ tục đăng ký hộ tịch còn nhiều vướng mắc. Tại các huyện, thành phố do chưa sử dụng phần mềm đăng ký hộ tịch điện tử, chưa có phần mềm kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên chưa cấp được số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh cho trẻ em, việc thống kê số liệu hộ tịch do làm thủ công nên còn sai sót, chậm chễ... Từ khi có phần mềm đăng ký quản lý hộ tịch dùng chung sử dụng trên nền tảng trang web, triển khai đồng thời tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh, nên giữa các cơ quan đăng ký hộ tịch có sự kết nối chia sẻ dữ liệu đa chiều, bảo đảm sự quản lý thống nhất đối với dữ liệu được đăng ký trong hệ thống. Phần mềm được đưa vào sử dụng không chỉ cung cấp, khai thác thông tin mà còn kiểm tra, tránh trùng lặp sự kiện hộ tịch, loại trừ nhầm lẫn hoặc cố ý lợi dụng sơ hở để một sự kiện hộ tịch được đăng ký hơn 1 lần; giúp cơ quan quản lý cấp trên theo dõi, nắm bắt, kiểm tra được tính chính xác, kịp thời trong tác nghiệp đăng ký hộ tịch; đồng thời giúp tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện việc thống kê số liệu một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ thông tin theo yêu cầu quản lý. 

Với việc thực hiện các giải pháp tích cực, đồng bộ, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả. Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện 21.731 việc hộ tịch; trong đó đăng ký khai sinh 12.662 việc, đăng ký khai tử 2.147 việc, đăng ký kết hôn 2.616 việc; cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân 4.095 việc; đăng ký giám hộ 5 việc; đăng ký nhận cha, mẹ, con 33 việc; thay đổi, bổ sung, cải chính hộ tịch 165 việc; xác định lại dân tộc 1 việc. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, thời gian tới tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hộ tịch cho cán bộ và nhân dân để nâng cao nhận thức trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về đăng ký hộ tịch. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và đầu tư kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chuẩn được quy định trong Luật Hộ tịch. Trong đó, Sở Tư pháp tổ chức thêm các lớp tập huấn chuyên sâu về phần mềm hộ tịch, giải đáp thắc mắc phát sinh trong quá trình sử dụng phần mềm hộ tịch cho cán bộ cơ sở. Bổ sung, nâng cấp các tính năng, tiện ích của phần mềm đáp ứng nhu cầu của công dân. UBND các huyện, thành phố quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư đầy đủ trang thiết bị (máy vi tính, đường truyền internet, máy in) để phục vụ việc thực hiện phần mềm hộ tịch tại các đơn vị cấp xã. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành chức năng thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh ngay những sai sót, yếu kém trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từ tỉnh đến cơ sở./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com