Yên Trị phấn đấu xây dựng nông thôn mới bền vững

08:07, 03/07/2018

Đầu năm 2018, Yên Trị là 1 trong 6 xã của huyện Ý Yên được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn NTM với 19/19 tiêu chí đạt chuẩn. Để có được kết quả đó, Đảng ủy, UBND xã đã đề ra chủ trương xây dựng NTM theo phương châm kế thừa và phát huy nội lực, sức mạnh tổng thể của nhân dân và tham khảo những kinh nghiệm, cách làm hay của các xã đã “về đích” để thực hiện tốt từng tiêu chí NTM. 

Một góc NTM xã Yên Trị.
Một góc NTM xã Yên Trị.

Yên Trị đã tập trung hoàn thành công tác quy hoạch các vùng sản xuất tập trung như: vùng trồng lúa, vùng trồng màu, vùng phát triển kinh tế trang trại… Đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng kết hợp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp để tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển ngành nghề và thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN nông thôn… Để giải quyết khó khăn về vốn đầu tư, xã đã huy động tối đa nội lực, sử dụng hợp lý, hiệu quả kinh phí hỗ trợ của các cấp và huy động nhân dân đóng góp thông qua nhiều hình thức như: hiến đất, tiền mặt, ngày công, vật liệu phục vụ việc nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; chỉnh trang, cải tạo, mở rộng và làm mới hệ thống đường dong ngõ, xóm, đường liên thôn, trục chính… Chú trọng thu hút mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng điện, đường, trạm bơm tưới tiêu, cứng hóa hệ thống kênh mương nội đồng; củng cố, nâng cấp hệ thống bờ vùng, bờ thửa để chống ngập úng, phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong sản xuất nông nghiệp, xã tập trung quy hoạch thành các vùng chuyên canh với 2 mô hình sản xuất chính là chuyên màu và lúa - cá, nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. UBND xã đã quy hoạch vùng chuyển đổi từ vùng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản với quy mô khoảng 320ha; phối hợp với các trường, trung tâm dạy nghề các cấp thường xuyên mở các lớp đào tạo, truyền nghề, tập huấn kỹ thuật để người dân áp dụng vào thực tế sản xuất. Nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân, Đảng ủy xã đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển CN-TTCN, làng nghề; trong đó ưu tiên dành quỹ đất, tạo mặt bằng lớn cho các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất xây dựng nhà xưởng, kho bãi phát triển công nghiệp, kinh doanh dịch vụ. Với chủ trương đúng đắn đó, đến nay toàn xã có 28 doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất, thu hút và tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 3.500 lao động của địa phương và các xã lân cận với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh như: Cty TNHH Dệt may Vĩnh Oanh, Doanh nghiệp tư nhân Phương Lan, Cty TNHH Thương mại và Sản xuất Vĩnh Tiến… chuyên sản xuất các sản phẩm may công nghiệp. Từ một tổ hợp chuyên gia công sản phẩm quân nhu cho các Cty May 10, Cty CP May 20 (Bộ Quốc phòng), đến nay Doanh nghiệp tư nhân Phương Lan đã phát triển thành một doanh nghiệp may công nghiệp lớn. Được tạo điều kiện cho thuê mặt bằng rộng 8.400m2, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng 2 xưởng may với 500 máy may công nghiệp; 2 xưởng cắt, 2 xưởng hoàn thiện để sản xuất các sản phẩm: áo sơ-mi, quần âu, bảo hộ lao động, đồng phục, mũ nón thời trang, áo đi mưa, găng tay… phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu sang các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Bình quân mỗi tháng Doanh nghiệp Phương Lan sản xuất được trên 40 nghìn sản phẩm các loại, giải quyết việc làm cho 700 lao động với thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Cty TNHH Dệt may Vĩnh Oanh hiện tại đã có vốn điều lệ trên 50 tỷ đồng, khu vực nhà xưởng rộng trên 9.300m2, gồm 3 phân xưởng may với tổng số gần 600 máy may công nghiệp, thu hút trên 800 lao động thường xuyên. Ngoài thị trường nội địa, các sản phẩm của Cty đã được xuất khẩu sang thị trường các nước Ba Lan, Anh… Cty TNHH Thương mại và Sản xuất Vĩnh Tiến ngoài sản phẩm truyền thống là các loại áo mưa, còn xây dựng thành công thương hiệu thời trang Vitimex với đa dạng các loại sản phẩm: quần âu, áo sơ mi, áo giắc-két…, số lượng công nhân trên 1.000 người; mức thu nhập từ 4-8 triệu đồng/người/tháng… 

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân và các doanh nghiệp, con em làm ăn xa quê hương, đến cuối năm 2017 xã Yên Trị đã huy động được trên 44 tỷ đồng đầu tư xây dựng và hoàn thiện 19/19 tiêu chí NTM. Hệ thống công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: điện, đường, trường, trạm y tế, nước sạch sinh hoạt đã được đầu tư xây dựng đồng bộ. 100% đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa tới từng dong ngõ. 11/11 thôn đều có nhà văn hóa với đầy đủ trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cộng đồng của nhân dân. Giá trị sản xuất CN-TTCN, làng nghề chiếm 60% cơ cấu kinh tế của xã. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 84,24%; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 2,03%, giảm 3,96% so với năm 2016; trên 90% người lao động trong độ tuổi có việc làm ổn định. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2018 và các năm tiếp theo, xã Yên Trị chủ trương củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng NTM phát triển bền vững; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân./. 

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com