Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, xét nghiệm về an toàn thực phẩm

08:06, 05/06/2018

Những năm qua, Sở Y tế đã phối hợp với các ngành chức năng xây dựng hệ thống cảnh báo, đồng thời thực hiện công tác giám sát chất lượng hàng hoá; giám sát mối nguy đối với các loại thực phẩm có nguy cơ cao. Trong đó hoạt động giám sát mối nguy trên 10 nhóm thực phẩm có nguy cơ cao và giám sát đảm bảo ATTP phục vụ các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh do ngành Y tế thực hiện; giám sát mối nguy một số nhóm sản phẩm thủy hải sản do ngành NN và PTNT thực hiện. 

Xét nghiệm mẫu nước tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Xét nghiệm mẫu nước tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Trong quá trình giám sát, các cơ quan chức năng kết hợp lấy mẫu để kiểm tra, phân tích thực phẩm; tùy vào từng mẫu thực phẩm mà kỹ thuật viên có thể xét nghiệm nhanh tại chỗ hoặc đưa về xét nghiệm tại các Labo của các ngành. Mẫu thực phẩm được đưa về xét nghiệm tại Phòng Xét nghiệm Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Chi cục ATVSTP tỉnh hoặc được xét nghiệm nhanh tại chỗ hoặc được thực hiện tại các Trung tâm Y tế huyện, thành phố, Chi cục ATVSTP và một số cơ quan chức năng thuộc ngành NN và PTNT. Hằng năm, căn cứ chức năng nhiệm vụ, các ngành tích cực chuẩn bị các điều kiện cho công tác xét nghiệm phục vụ hoạt động giám sát, hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống ngộ độc thực phẩm (NĐTP). Cụ thể, đối với các xét nghiệm nhanh, xét nghiệm các chỉ số cơ bản được thực hiện tại Chi cục ATVSTP tỉnh, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, các Chi cục của ngành NN và PTNT. Đối với xét nghiệm chuyên sâu thì xét nghiệm tại Labo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh được trang bị hệ thống máy móc hiện đại gồm máy quang phổ hấp thụ nguyên tử, dàn ELISA, máy PCR… có thể xét nghiệm các mẫu thực phẩm gồm nước tinh khiết, bánh kẹo, thịt, sữa, lạc rang, bia rượu, giò chả để phát hiện một số loại độc chất trong thực phẩm… Tại Chi cục ATVSTP tỉnh đã đầu tư xây dựng 3 phòng xét nghiệm nhanh; cử cán bộ đi học các kỹ thuật nghiệp vụ xét nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm thực phẩm quốc gia và đã được cấp chứng chỉ; đã xét nghiệm nhanh được các loại chỉ tiêu về ATVSTP bao gồm: 9 chỉ tiêu vi sinh đối với thực phẩm, 24 chỉ tiêu hoá lý cơ bản thường gặp ô nhiễm trong thực phẩm, các xét nghiệm vệ sinh dụng cụ chế biến chứa đựng thực phẩm, đầu tư trang thiết bị phục vụ cho hoạt động chuyên môn, triển khai tốt công tác kiểm nghiệm nhanh các loại mẫu thực phẩm theo yêu cầu.

Để cảnh báo, góp phần phòng chống NĐTP, các ngành: Y tế, NN và PTNT, KH và CN , Công thương đã triển khai các hoạt động giám sát (giám sát chất lượng hàng hoá, giám sát mối nguy). Việc giám sát chất lượng hàng hoá thông qua việc lấy mẫu xét nghiệm ở cả cơ sở sản xuất và tại thị trường. Cụ thể, năm 2017, Sở NN và PTNT chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản tổ chức lấy các mẫu giám sát dịch bệnh, giám sát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Trong tổng số 482 mẫu (gồm mẫu thịt và sản phẩm thịt chế biến; mẫu rau, củ, quả và các sản phẩm có nguồn gốc thực vật; mẫu thuỷ sản nuôi; mẫu thuỷ sản chế biến; mẫu muối; mẫu nước sản xuất), kết quả phát hiện 8 mẫu vi phạm gồm 3 mẫu giò có hàn the, 5 mẫu thịt nhiễm Salmonella. Chi cục Quản lý thị trường triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, qua đó phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm về hàng gian, hàng giả. Sở KH và CN thực hiện khảo sát hàng hoá lưu thông trên thị trường 68 mẫu gồm rượu ngoại, rượu truyền thống, nước sinh hoạt, đồ hộp nhựa chứa thực phẩm; qua đó phát hiện 7 mẫu rượu truyền thống có các chỉ tiêu hoá học methanol, furfural và aldehyd vượt quá giới hạn cho phép. Chi cục ATVSTP tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại các cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, nước uống đóng chai, nước đá, kem đá; trong tổng số 31 mẫu xét nghiệm, có 11 mẫu không đạt yêu cầu về chỉ tiêu vi sinh vật (E.Coli, Coliforms, Pseudomonas aeruginosa). Qua giám sát đã phát hiện một số thực phẩm trên thị trường không đảm bảo an toàn: hàn the trong giò (tỷ lệ 23%), thịt nhiễm vi khuẩn Salmonella (tỷ lệ 7,5%); sử dụng đường hoá học Cyclamat vượt quá giới hạn quy định (tỷ lệ 40%); thuỷ sản nuôi nhiễm bệnh hoại tử gan tuỵ (tỷ lệ 18,8%); rượu có methanol, furfurol và andehyt vượt quá giới hạn quy định (tỷ lệ 11,8%); nước uống đóng bình nhiễm vi khuẩn (tỷ lệ 12,3%). Qua kết quả giám sát, các cơ quan chức năng đã thực hiện truy xuất nguồn gốc và xử lý vi phạm. Về giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, bình quân mỗi năm các đơn vị giám sát tổng số hơn 1.500 mẫu thực phẩm đối với các nhóm thực phẩm nguy cơ cao; đã phát hiện khoảng 10,5% số mẫu bị ô nhiễm; qua đó có các giải pháp về kiểm tra, xử lý, truyền thông, cảnh báo cộng đồng, truy xuất nguồn gốc để phòng ngừa NĐTP kịp thời. Riêng năm 2017, tổng số mẫu được lấy và xét nghiệm 1.850 mẫu, số mẫu xét nghiệm đạt 1.645 mẫu (tỷ lệ 88,9); số mẫu xét nghiệm không đạt 205 mẫu (tỷ lệ 11,1%). Trong tổng số 1.645 mẫu, có 1.325 mẫu là xét nghiệm nhanh, 525 mẫu là xét nghiệm tại Labo. Qua giám sát, lấy mẫu xét nghiệm không phát hiện sử dụng chất cấm trong thịt, thức ăn chăn nuôi, không phát hiện sử dụng phoóc-môn trong bánh phở (các năm trước đây đều phát hiện). 

Với những nỗ lực trên, công tác phòng ngừa NĐTP ở tỉnh ta đã đạt kết quả tích cực. Trong đó, khi phát hiện NĐTP đều tiến hành xử lý nhanh chóng, điều tra xác định nguyên nhân kịp thời nên nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh không để xảy ra tử vong do NĐTP. Nếu trong các năm trước đây tỷ lệ NĐTP trên địa bàn tỉnh khoảng 13/100 nghìn dân thì trong năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018 không để xảy ra NĐTP. Công tác phòng chống NĐTP tại bếp ăn tập thể được triển khai quyết liệt; nguồn thực phẩm đầu vào được kiểm soát chặt chẽ. Thực tế, việc đẩy mạnh công tác giám sát, xét nghiệm về ATTP góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng thực phẩm. Tuy nhiên, để công tác giám sát, xét nghiệm về ATTP đạt hiệu quả cao, các ngành chức năng cần xây dựng kế hoạch tổng thể về giám sát thực phẩm hằng năm với sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chuyên môn cũng như các địa phương. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực nghiên cứu, kiểm nghiệm và thực hiện giám sát, quản lý lĩnh vực ATTP…, đáp ứng yêu cầu của hoạt động kiểm nghiệm, giám sát ATTP trong thời kỳ hội nhập khu vực và quốc tế./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com