Lực lượng vũ trang tỉnh tham gia phòng chống thiên tai

08:06, 22/06/2018

Trong bối cảnh thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, những năm qua, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ phát huy tinh thần chủ động, phối hợp với các lực lượng xây dựng kế hoạch, phương án sẵn sàng tham gia, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN). 

LLVT phối hợp với cán bộ y tế phường Bà Triệu và phường Ngô Quyền tham gia diễn tập PCTT, TKCN Thành phố Nam Định năm 2018.
LLVT phối hợp với cán bộ y tế phường Bà Triệu và phường Ngô Quyền tham gia diễn tập PCTT, TKCN Thành phố Nam Định năm 2018.

Bước vào mùa mưa bão, Bộ CHQS tỉnh thường xuyên làm tốt công tác nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, khí hậu; phối hợp với Sở NN và PTNT rà soát các trọng điểm đê, kè, cống; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả. Bộ CHQS tỉnh thường xuyên tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Quân khu 3 tăng cường ứng cứu khi có tình huống thiên tai nghiêm trọng; phối hợp, hiệp đồng cùng các đơn vị và cấp ủy, chính quyền địa phương trinh sát, xác định đường cơ động, vị trí tập kết lực lượng, phương tiện, vật tư, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. Mùa mưa bão năm 2017, có 3 cơn bão (số 2, số 4, số 10) ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương với tổng giá trị khoảng 800 tỷ đồng. Trong những ngày mưa bão, LLVT tỉnh đã duy trì 100% quân số thường trực cùng nhiều phương tiện ứng cứu, tổ chức di dời hơn 3.000 người dân, khách du lịch cùng tài sản của 119 nhà hàng tại khu du lịch ven biển Thịnh Long (Hải Hậu); di dời 931 hộ, 3.273 người dân từ các khu vực ngập lụt, nơi có nguy cơ sập đổ nguy hiểm tại các xã Yên Trị, Yên Bằng (Ý Yên), bối Đồng Gò, xã Hải Minh (Hải Hậu) đến nơi an toàn. LLVT đã tham gia khắc phục 7.180 mét đê, kè bị sạt lở, nước ngập tràn qua, nhất là trên tuyến đê biển của các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Phối hợp với Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và các cơ quan liên quan theo dõi, nắm chắc tình hình, cứu hộ, cứu nạn thành công 3 vụ, 3 phương tiện, 18 thuyền viên bị nạn trên vùng biển của tỉnh; 7 tàu, 51 ngư dân huyện Hải Hậu, Trực Ninh bị tai nạn, hư hỏng máy trôi dạt trên biển. Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với BĐBP tỉnh chỉ đạo Ban CHQS các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, các Đồn Biên phòng, Hải đội 2 thực hiện tốt công tác thông tin báo bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông; triển khai kịp thời lệnh gọi tàu thuyền vào nơi neo đậu, lệnh cấm tàu thuyền ra khơi; kêu gọi người, phương tiện đang hoạt động trên biển, tại các lều canh coi khu vực nuôi trồng thủy hải sản về nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn.

Bước vào mùa mưa bão năm 2018, Bộ CHQS tỉnh sớm tổ chức quán triệt cho 100% cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trực thuộc về các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Bộ Quốc phòng và Quân khu 3 liên quan đến thực hiện nhiệm vụ PCTT, TKCN. Bộ CHQS tỉnh tiếp tục phối hợp với Sở NN và PTNT, Chi cục Quản lý đê điều của tỉnh xây dựng kế hoạch PCTT, TKCN giai đoạn 2018-2023 theo đúng hướng dẫn của Quân khu 3; triển khai rà soát, điều chỉnh phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão năm 2018 sát tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị. Kiện toàn thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN các cấp; phân công chỉ huy phụ trách địa bàn; bổ sung các trung đội cơ động từ 10 huyện, thành phố đến 229 xã, phường, thị trấn; chuẩn bị tốt phương tiện, vật chất sẵn sàng tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống thiên tai xảy ra. Phối hợp với BĐBP và các cơ quan chức năng theo dõi, nắm tình hình, báo cáo kịp thời 2 vụ việc tàu cá của tỉnh bị hỏng máy, thả trôi trên biển qua địa phận tỉnh Quảng Bình, Nghệ An. Kết quả, các tàu bị nạn đã được tàu SAR 412 của Trung tâm phối hợp TKCN khu vực II và các tàu cá khác của tỉnh tiếp cận, lai dắt về bờ an toàn. Trong công tác phòng chống cứu nạn, cháy nổ, cứu sập công trình, Bộ CHQS tỉnh đã xây dựng kế hoạch chi tiết giai đoạn 2018-2023 triển khai cho các cơ quan, đơn vị thực hiện nhằm chủ động ứng phó với hiện tượng cháy nổ và những diễn biến bất lợi của thời tiết trong mùa mưa bão. Thực hiện quản lý chặt chẽ hệ thống doanh trại, kho tàng chứa vũ khí, đạn, chất nổ, chất cháy trên địa bàn tỉnh bảo đảm tuyệt đối an toàn. Phối hợp cùng lực lượng Công an và các địa phương xử lý vụ cháy nhà gây tử vong 3 người trên địa bàn xã Yên Tiến (Ý Yên); xử lý vụ cháy lớn tại kho chứa bông tái chế tại CCN An Xá (TP Nam Định); tham gia cứu sập giàn giáo làm chết 1 thợ xây tại xóm Xuân Ngọc, xã Hải Xuân (Hải Hậu). Đối với công tác huấn luyện, diễn tập, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức huấn luyện cứu hộ, cứu nạn cho các đối tượng theo kế hoạch. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trinh sát thực địa, xác định thời gian, nội dung, địa điểm tổ chức diễn tập PCTT, TKCN năm 2018 thành công. Đến nay tất cả 10 huyện, thành phố đều đã hoàn thành diễn tập PCTT, TKCN. Toàn tỉnh đã huy động 2.823 nhân lực bao gồm lãnh đạo Đảng, chính quyền, lực lượng dân quân cơ động, dân quân tại chỗ, BĐBP, bộ phận xung kích và nhân dân địa phương than gia diễn tập. Tổng số phương tiện tham gia các cuộc diễn tập bao gồm 31 xe tải nhẹ, 2 xe khách, 11 xe cứu thương, 4 xuồng cao tốc, 5 máy xúc, 18 phương tiện tạo mưa, 8 phương tiện tạo gió cùng hàng trăm vật tư, vật dụng khác như xe thồ, xe rùa, máy phát điện, cáng cứu thương, loa tay, đèn pin, áo phao... Tổng số vật tư đã sử dụng trong diễn tập là 2.584 bao tải đất, 239m3 đất, cát, đá, 263m2 bạt ni lông, 640 chiếc cọc tre và hàng chục chủng loại vật tư, vật liệu khác. Một số tình huống thực binh được Ban Chỉ huy PCTT, TKCN của tỉnh đánh giá cao như cứu sập, cứu nạn tại xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc); chống sạt lở mái đê ở khu vực cống Thanh Hương, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); phát quang mái đê, xử lý ẩn họa tại Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh); xử lý chống tràn, chống sạt, mạch đùn, mạch sủi ở xã Thành Lợi (Vụ Bản)… Trong suốt quá trình diễn tập, các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh đã đặc biệt chú trọng các nội dung thực tập phương án vận hành cơ chế của Ban Chỉ huy PCTT, TKCN các xã, phường, thị trấn; tình huống xử lý các phương án khắc phục sự cố đê, kè, cống; nội dung kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền của ngư dân vào nơi neo đậu an toàn, cứu hộ, TKCN trên sông, trên biển. Nét mới trong các cuộc diễn tập năm nay đó là phần lớn các địa phương đã lồng ghép hiệu quả phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão kết hợp triển khai ngay một số nhiệm vụ thiết thực trên thực tế như chống sạt, giải tỏa hành lang an toàn đê, phát quang mái đê. Các diễn tập PCTT, TKCN đều bảo đảm chất lượng, hiệu quả, sát tình hình thực tế của địa phương, đơn vị và an toàn tuyệt đối.

Nhằm sẵn sàng ứng phó hiệu quả với mưa bão có thể xảy ra trong thời gian tới, LLVT tỉnh tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thường xuyên rà soát các vùng trọng điểm, các khu vực dễ bị ngập lụt để có biện pháp quản lý, di dời dân đến địa điểm an toàn. Bộ CHQS tỉnh tăng cường công tác giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhằm không ngừng nâng cao kiến thức, kinh nghiệm về công tác PCTT, TKCN; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của LLVT trong mùa mưa bão. LLVT toàn tỉnh thực hiện phối hợp tốt với các địa phương chủ động trong công tác phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương hậu quả khi xảy ra mưa bão; đồng thời sẵn sàng chuẩn bị tốt mọi mặt về nhân lực, trang bị, phương tiện, hậu cần, cơ động trong mọi tình huống, góp phần giảm thiểu mức độ thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com