Khi các trường mầm non thực hiện lấy trẻ làm trung tâm

08:06, 22/06/2018

Ấn tượng đầu tiên khi đến Trường Mầm non Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) là khuôn viên trường được bố trí như một công viên kỳ thú, nhiều sắc màu. Tại đây, mỗi bức tường là một mảng màu sắc, một bức tranh sinh động với những nhân vật hoạt hình gần gũi với trẻ. Trong khuôn viên trường có một “Vườn cổ tích” với hình ảnh mô phỏng của các nhân vật trong các câu chuyện cổ tích, với cỏ cây, hoa lá tươi xanh. Những chiếc lốp xe cũ, vỏ chai nước ngọt, vỏ hộp bánh... biến thành vật trang trí, đồ dùng xinh xắn. Tại “Góc thiên nhiên” của trường có hàng chục loại hoa, cây cảnh, cây ăn trái; mỗi cây đều được gắn bảng tên, giúp trẻ quan sát và làm quen với thiên nhiên. Nhà trường đã tận dụng mọi không gian, ngay cả gầm cầu thang, khoảng trống giữa hai dãy nhà để tạo thành những góc vui chơi, học tập như sân khấu, nhà bếp... cho trẻ được vui chơi và trải nghiệm. Trên sân trường là góc vui chơi với đồ chơi vận động cho trẻ hoạt động ngoài trời. Ngoài hành lang các lớp học được trang trí những giỏ cây xinh xắn… Trong lớp học, trẻ được hòa vào một thế giới đầy màu sắc và hình ảnh, với đủ góc học tập, vui chơi, được chủ động tham gia các hoạt động cùng cô giáo. Chơi xong, trẻ tự biết cất đồ chơi và vệ sinh cá nhân... 

Cô và trò Trường Mầm non Xuân Đài (Xuân Trường).  Bài và ảnh: Hồng Minh
Cô và trò Trường Mầm non Xuân Đài (Xuân Trường). 

Đến Trường Mầm non Xuân Kiên (Xuân Trường), chúng tôi thích thú khi ngắm nhìn khuôn viên khang trang với các khu vui chơi, vườn hoa, khu chăm sóc, giáo dục trẻ một cách khoa học. Các bé được tham gia các hoạt động trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu môi trường để phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, tình cảm và thẩm mỹ. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thìn, hiệu trường nhà trường vui vẻ cho biết: Nhà trường hiện có 645 học sinh với 15 lớp mẫu giáo và 6 nhóm trẻ. Từ khi triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, các lớp học được trang trí sinh động, khoa học hơn với từng khu vui chơi, góc học tập, góc kỹ năng sống, góc chơi... theo sở thích đã tạo cho trẻ hứng thú hơn trong mọi hoạt động. Nhà trường đã xây dựng điểm chuyên đề ở 2 lớp 5 tuổi và 4 tuổi; đồng thời tích cực triển khai ở các lớp học. Trong đó, đối với góc học kỹ năng sống, có các mô hình hoạt động chải đầu, vệ sinh răng miệng, quét nhà, trang điểm với những chủ điểm, chủ đề về mùa xuân, về Tết cổ truyền…; góc học về nghề nghiệp có mô phỏng các nghề các em dễ nhận biết như nghề xây dựng, trang trại trồng cây, vườn rau, cây cảnh…; các hoạt động học về mua bán, cứu hỏa, đảm bảo an toàn giao thông, học nhạc, học toán, học chữ… Qua các góc học tập này, trẻ em có thể lựa chọn học một mình hoặc theo nhóm, kích thích sự sáng tạo của cả cô và trò, từ đó trẻ hứng thú đến lớp và chủ động, tích cực hơn trong học tập. Trên cơ sở trẻ tự học, tự chơi theo ý thích, cô giáo gợi mở, trao đổi để trẻ phát huy tính năng động, hoạt bát, sáng tạo theo tinh thần “học mà chơi, chơi mà học”. Nhằm phát huy hiệu quả của chuyên đề, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ, giáo viên nhà trường; xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện chuyên đề một cách khoa học theo phương châm: lấy trẻ làm trung tâm; xây dựng môi trường học tập thân thiện, đồng hành với phụ huynh để giúp trẻ phát triển toàn diện. Đến nay, toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của nhà trường đều đã thay đổi căn bản nhận thức về hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, giúp trẻ khám phá, trải nghiệm nhiều kiến thức, phát triển toàn diện hơn. Đặc biệt, việc thực hiện chuyên đề này đã khiến các cháu không còn nhút nhát, e dè mà mạnh dạn hơn trong hoạt động, khám phá tri thức… Trong năm học vừa qua, nhà trường đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa; vận động các bậc phụ huynh học sinh ủng hộ kinh phí, đồ dùng, nguyên liệu... với tổng trị giá 60 triệu đồng; đồng thời phát động phong trào làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho chuyên đề bằng nguyên vật liệu tái chế với tổng số đồ dùng tự làm là 300 chiếc. Nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục đa dạng, linh hoạt, phát huy cao nhất tính tích cực, sáng tạo, tạo mọi cơ hội cho trẻ được trải nghiệm các hoạt động trong ngày… Qua đánh giá, mô hình dạy học mầm non lấy trẻ làm trung tâm đã mang lại những kết quả tốt đẹp: Học sinh say mê học tập, thích được đến trường, hiểu nhanh hơn nội dung, ý nghĩa các môn học. Đối với giáo viên cũng đòi hỏi sự linh hoạt, đổi mới cách thức tổ chức, phương pháp tiến hành các hoạt động giáo dục cho trẻ…

Từ năm học 2016-2017, Sở GD và ĐT đã triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020 đến các nhà trường và năm học 2017-2018 đã tổ chức thành công cuộc thi Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm từ cấp trường đến cấp tỉnh và đã chọn được những sản phẩm tiêu biểu tham dự ở cấp Bộ. Tham gia cuộc thi, các giáo viên đã tự xây dựng chương trình, có sự chuẩn bị khá công phu các nội dung về môi trường vật chất trong lớp học như: tạo lập các góc hoạt động mang tính mở, khuyến khích trẻ lựa chọn, trải nghiệm và hoạt động theo nhiều cách khác nhau, trang trí lớp học thân thiện, linh hoạt, có đa dạng các loại đồ dùng, đồ chơi, các nguyên vật liệu thân thiện cho trẻ chơi và hoạt động sáng tạo… Thành công của cuộc thi là nâng cao nhận thức và năng lực cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trong việc tổ chức xây dựng và sử dụng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm phù hợp với điều kiện cụ thể của trường, lớp, địa phương. Đẩy mạnh việc xây dựng và tổ chức hoạt động cho trẻ học bằng chơi, bằng trải nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Huy động sự tham gia của cha mẹ trẻ và cộng đồng trong việc xây dựng môi trường và tổ chức các hoạt động cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Cuộc thi đã mang lại diện mạo mới cho các nhà trường: Nhiều thiết bị, đồ dùng, đồ chơi được cải tiến, thay mới; nhiều phòng học, sân chơi được cải tạo, nâng cấp, mở rộng, thông thoáng, sắp xếp bố trí sáng tạo, phù hợp với diện tích của nhóm lớp, của trường. Khi tham gia vào mô hình trường học lấy trẻ làm trung tâm, các yếu tố liên quan tới môi trường xã hội cũng được đề cập như: tạo không khí giao tiếp tích cực giữa cô giáo với trẻ và ngược lại; có sự đối xử công bằng trong giáo dục; tại lớp học không có tai nạn, thương tích đối với trẻ; có sự trao đổi thường xuyên giữa giáo viên với gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục theo phương pháp lấy trẻ làm trung tâm.  

Việc thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm đã giúp trẻ tích cực, chủ động tham gia các hoạt động, làm việc theo nhóm để được trải nghiệm, trao đổi, chia sẻ và trình bày ý kiến của mình. Đặc biệt, trẻ biết suy nghĩ và vận dụng những điều được học vào thực tế cuộc sống, giải quyết các tình huống thường gặp. Từ đó, trẻ mạnh dạn, tự tin phát huy khả năng sáng tạo khi tham gia các hoạt động giáo dục và phát triển toàn diện về thể chất, nhận thức ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com