Chất lượng công tác phổ cập giáo dục ở Trực Ninh

08:06, 12/06/2018

Trong những năm qua, ngành GD và ĐT huyện Trực Ninh đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó công tác phổ cập giáo dục được thực hiện toàn diện và đạt kết quả bền vững. 

Cô và trò Trường Tiểu học Trực Mỹ trong một giờ học.
Cô và trò Trường Tiểu học Trực Mỹ trong một giờ học.

Từ năm 1999, huyện Trực Ninh đã được công nhận đạt phổ cập giáo dục đúng độ tuổi. Đến năm 2001, huyện tiếp tục được công nhận đạt phổ cập THCS và năm 2004 đạt phổ cập THCS đúng độ tuổi. Năm 2012, huyện đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện và các nhà trường tập trung xây dựng cơ sở vật chất, thay đổi diện mạo, nâng cao chất lượng đội ngũ và chất lượng giáo dục toàn diện. Hiện tại, mạng lưới trường, lớp của huyện được quy hoạch hợp lý, quy mô giáo dục ổn định; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có năng lực, trình độ ngày càng được nâng cao. Toàn huyện có 28 trường mầm non, 28 trường tiểu học, 26 trường THCS, 21 trung tâm học tập cộng đồng, 5 trường THPT, 2 trung tâm hướng nghiệp và GDTX, 1 trường trung cấp nghề của tỉnh đóng trên địa bàn với 37.505 học sinh thuộc khối huyện. Bên cạnh đó, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đã tạo phong trào dạy và học tích cực, sôi nổi và toàn diện. Để duy trì và ổn định chất lượng phổ cập giáo dục ở các bậc học, hằng năm Ban chỉ đạo phổ cập từ huyện đến các xã, thị trấn tích cực tham mưu để cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện cho các nhà trường trong công tác điều tra, phổ cập tại các hộ dân; đồng thời chỉ đạo các nhà trường thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, làm tốt công tác điều tra, cập nhật hồ sơ, quản lý sĩ số học sinh hằng tháng. Các xã, thị trấn, các nhà trường triển khai thực hiện tốt ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, tuần sinh hoạt tập thể đầu năm học, làm tốt công tác duy trì sĩ số học sinh, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động chuyên đề ngoại khóa để nâng cao khả năng hiểu biết về truyền thống văn hóa địa phương, phòng chống các tệ nạn xã hội, ma túy học đường, giáo dục pháp luật, giáo dục an toàn giao thông, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, tạo môi trường giáo dục thân thiện, thu hút học sinh tới trường. Bên cạnh đó, ngành GD và ĐT huyện tiếp tục đổi mới công tác quản lý, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học như: Đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, đổi mới giờ sinh hoạt lớp, giờ chào cờ đầu tuần, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, nâng cao trách nhiệm của cán bộ quản lý và giáo viên trong quản lý, giáo dục học sinh, nhất là giáo dục đạo đức, rèn kỹ năng sống, khơi dậy tinh thần hiếu học trong học sinh. Đồng thời xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức, gương mẫu và tâm huyết với nghề nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, thực hiện đổi mới sinh hoạt cụm, tổ chuyên môn, tổ chức các hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng giáo dục THCS. Đối với các bậc học, ngành cũng phối hợp với các địa phương tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Toàn huyện đã có 63/82 trường đạt chuẩn quốc gia, 38 trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn. Bên cạnh việc huy động, duy trì sĩ số học sinh, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, chất lượng học sinh đại trà cũng được quan tâm chỉ đạo và từng bước được nâng cao. Công tác phụ đạo học sinh yếu, kém đã được các nhà trường quan tâm thực hiện. Phòng GD và ĐT huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên bộ môn theo tiêu chuẩn kiến thức kỹ năng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng giáo viên về chuyên môn nghiệp vụ được triển khai thường xuyên. Các nhà trường đã tổ chức tốt các hoạt động chuyên môn như hội thảo, hội giảng các cấp, tăng cường công tác kiểm tra, dự giờ để trao đổi, rút kinh nghiệm; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, các nhà trường đã chú trọng và tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới ngày càng cao của cấp học. Năm học 2017-2018, toàn huyện có 3.017 trẻ 5 tuổi đến lớp, đạt 100%; hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 100%. 100% phòng học cho trẻ lớp 5 tuổi đều đạt yêu cầu theo quy định, trong đó có 93/101 phòng học kiên cố, 8 phòng học bán kiên cố. Các lớp học đều có đủ bộ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định. Đối với giáo dục tiểu học, toàn huyện có 3.017 trẻ 6 tuổi vào học lớp 1, đạt 100%. Trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học là 2.790 em, đạt 99,39%. Cơ sở vật chất với 464 phòng học, 224 phòng chức năng, phòng thư viện, phòng y tế... đã đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học của bậc học. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đạt mức độ 3. Đối với công tác phổ cập THCS, toàn huyện có 10.196/10.500 thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 tốt nghiệp THCS, đạt 97,1%. Số thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 tốt nghiệp THCS đã và đang học chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc giáo dục nghề nghiệp là 8.516/10.196 em, đạt 83,5%. Toàn bậc học có 164 phòng chức năng và 89 phòng bộ môn. Đánh giá theo các tiêu chuẩn, công tác phổ cập giáo dục THCS của huyện đã đạt chuẩn mức độ 2. 

Với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong việc thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và sự tích cực vào cuộc của các đoàn thể, tham gia vào sự nghiệp giáo dục, huyện Trực Ninh đã duy trì tốt công tác phổ cập tiểu học, THCS với 100% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập. Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS được thực hiện chủ động, đúng hướng, phù hợp với tình hình của địa phương đã góp phần cùng ngành GD và ĐT phấn đấu phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 trong thời gian tới./. 

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com