Tăng cường bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông

08:05, 08/05/2018

Thời gian qua, bên cạnh đầu tư xây mới, nâng cấp các tuyến đường huyết mạch, tỉnh cũng chú trọng huy động các nguồn vốn cho công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. 

Sơn vạch kẻ đường, bảo đảm giao thông tại đường Lê Hồng Phong (TP Nam Định).  Bài và ảnh: Thanh Thúy
Sơn vạch kẻ đường, bảo đảm giao thông tại đường Lê Hồng Phong (TP Nam Định).

Ngành GTVT sử dụng hiệu quả nguồn vốn quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, địa phương và vốn sự nghiệp GTVT để hoàn thành kế hoạch duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hằng năm; lựa chọn các nhà thầu có năng lực thực hiện công tác quản lý, bảo trì các tuyến quốc lộ (QL) do Bộ GTVT ủy thác quản lý. Chỉ đạo, phân công cán bộ theo dõi, giám sát kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của nhân viên tuần đường và các đơn vị bảo trì đường bộ; xử lý hoặc phối hợp xử lý các hành vi xâm phạm công trình đường bộ. Tại các tuyến tỉnh lộ, Sở GTVT giao Cty CP Quản lý và xây dựng cầu đường Nam Định và ủy thác cho UBND các huyện trên tuyến trực tiếp quản lý; đường đô thị ủy thác cho UBND Thành phố Nam Định quản lý. Đối với hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT), Sở GTVT đã phân cấp cho UBND các huyện, thành phố quản lý, các địa phương căn cứ tình hình thực tế tiếp tục phân cấp cho UBND cấp xã tổ chức quản lý, duy tu bảo dưỡng. Sở GTVT đã phối hợp với các địa phương, đơn vị ưu tiên hoàn thành xử lý các vị trí mất ATGT trên các tuyến QL tại đầu cầu Tân Phong, ngã 3, ngã tư Thị trấn Liễu Đề, các điểm giao cắt: QL 21B với tỉnh lộ 488C, điểm giao QL 37B với QL 10, điểm giao QL 21 với tỉnh lộ 487, điểm giao giữa QL 21 với tỉnh lộ 487B... Để đảm bảo an toàn, thuận tiện cho hoạt động giao thông, ngành GTVT và các địa phương, đơn vị liên quan đặc biệt quan tâm rà soát, điểu chỉnh, bổ sung đầy đủ, hợp lý hệ thống báo hiệu đường bộ, thiết bị ATGT đường bộ, đường ngang qua đường sắt, đường thủy nội địa theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường sắt và UBND tỉnh. Ngành Giao thông - Công an tăng cường phối hợp ngăn chặn phương tiện vi phạm chở quá khổ, quá tải gây hư hỏng hạ tầng giao thông bằng các biện pháp: theo dõi, nắm quy luật hoạt động của các đối tượng, xe vi phạm để lập phương án giải quyết, xử lý; phối hợp bố trí hợp lý các điểm kiểm tra tải trọng lưu động, tập trung kiểm soát, xử lý ngay tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng biển, cảng thủy nội địa, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết xếp hàng hóa lên xe ô tô. Bên cạnh đó, ngành GTVT đã phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan chủ động kiểm tra, kịp thời có biện pháp ngăn ngừa, xử lý tình trạng người dân có hành vi vi phạm hành lang ATGT, hạ tầng giao thông. Chú trọng xử lý, chấn chỉnh các hành vi lấn chiếm lòng đường, lề đường làm nơi kinh doanh, buôn bán hàng hóa; đốt phế thải, rơm rạ trên đường gây ô nhiễm môi trường và làm hư hỏng mặt đường; tình trạng tự ý trồng cây trong hành lang đường bộ, trên dải phân cách. 

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông trên các QL và tỉnh lộ còn phổ biến. Tình trạng tái lấn chiếm, họp chợ, buôn bán trên mặt đường, mặt cầu vẫn tiếp tục xảy ra; công tác quản lý đất đai tại một số địa phương chưa tốt dẫn đến vi phạm xâm lấn hành lang an toàn đường bộ vẫn xuất hiện. Bên cạnh đó, vẫn chưa ngăn chặn được xe quá tải hoạt động chủ yếu tại các tuyến GTNT khiến nhiều tuyến đường nông thôn xuống cấp nhanh chóng, rút ngắn tuổi thọ. Để khắc phục tình trạng này, Sở GTVT tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện hợp đồng duy tu, bảo dưỡng thường xuyên của các đơn vị quản lý đường bộ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ tuần kiểm, lãnh đạo phụ trách nhằm phát hiện sớm các vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, kịp thời ngăn chặn, xử lý. Tăng cường phối hợp với ngành Công an kiểm soát, xử lý vi phạm xe quá tải trên các tuyến QL, các tuyến giao thông cửa ngõ, tại các khu vực tập kết vật liệu xây dựng, tại đầu mối bốc xếp hàng hóa, nơi thi công các dự án lớn. Ngành GTVT cũng đề nghị UBND các địa phương tích cực thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp trong công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 20-11-2017 của UBND tỉnh. Trong đó, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và chấp hành, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư; tăng cường quản lý việc sử dụng đất, cấp phép xây dựng dọc các tuyến đường theo quy định của pháp luật; tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch hành lang an toàn đường bộ, đất của đường bộ. Mặt khác, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện vi phạm hành lang an toàn đường bộ; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân liên quan dừng hành vi vi phạm, tự giác tháo dỡ công trình; trường hợp cố tình vi phạm thì lập biên bản, xử lý theo quy định để đảm bảo ATGT, tránh để người dân xây dựng xong mới yêu cầu tháo dỡ gây lãng phí và bức xúc trong nhân dân./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com