Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập

08:05, 25/05/2018

Việc triển khai mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập trên địa bàn tỉnh với cách tổ chức, bình xét, công nhận bảo đảm đơn giản, gọn nhẹ, chính xác đã được các địa phương tích cực hưởng ứng và đến nay đã được triển khai sâu rộng, góp phần xây dựng tỉnh trở thành một xã hội học tập.

Các học sinh nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi của tỉnh được nhận học bổng Quỹ châu Á.
Các học sinh nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi của tỉnh được nhận học bổng Quỹ châu Á.

Dòng họ Trần Quý Công ở thôn An Tố, xã Yên Bình (Ý Yên) có 83 hộ với gần 500 khẩu. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, dòng họ đã có bước tiến vượt bậc trong việc động viên con cháu học tập lên cao, học để lập thân lập nghiệp. Từ khi thành lập chi hội khuyến học (năm 2003), dòng họ Trần Quý Công đã xác định mục tiêu và công việc trọng tâm của chi hội là: khuyến học, khuyến tài, khuyến khích, hỗ trợ, động viên các thành viên trong họ, đặc biệt là các cháu học sinh, sinh viên tích cực học tập. Do có sự gắn kết giữa các hội viên trong chi hội, các thành viên trong dòng họ để xây dựng phong trào học tập, phong trào khuyến học, khuyến tài trong dòng họ đã ngày càng phát triển. Hiện tại, 100% các gia đình trong dòng họ có con đến tuổi đi học đều được đến trường, không có học sinh bỏ học. Dòng họ thường xuyên coi trọng công tác tổ chức, củng cố bộ máy hoạt động, duy trì nền nếp các buổi họp của ban chấp hành chi hội để nắm bắt tình hình và giải quyết kịp thời những vướng mắc nhằm thúc đẩy việc học tập của con cháu, nhất là những học sinh gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Vào dịp đầu năm học, chi hội khuyến học tổ chức thăm và tặng quà cho các cháu con gia đình chính sách của dòng họ và các cháu con gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài số tiền quỹ đóng góp xây dựng quỹ hội của mỗi gia đình, chi hội khuyến học dòng họ còn kêu gọi những gia đình có điều kiện kinh tế và những gia đình có nhiều con thành đạt, những người con đang công tác và làm ăn ở xa đóng góp ủng hộ quỹ để có kinh phí động viên, giúp đỡ con em trong họ phấn đấu vươn lên trong học tập. Đến nay, 75% số gia đình trong dòng họ đạt phổ cập THPT, số người có trình độ đại học, cao đẳng đạt 65%, trong đó trên 80 người đã tốt nghiệp đại học, 13 người có học vị giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ. Nhiều gia đình cả bố mẹ, con cháu đều tốt nghiệp đại học như gia đình các ông: Trần Đình Nghiêm, Trần Phúc Chỉnh, Trần Minh Tuấn, Trần Long Giang… Dòng họ Trần Quý Công đã được báo cáo điển hình và là mô hình điểm xây dựng dòng họ học tập để các dòng họ tham khảo, học tập. 

Thực hiện xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập, đến nay phong trào đã diễn ra sôi nổi trong toàn tỉnh. Trong đó, phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học được triển khai ngay từ những ngày thành lập hội đã tạo nên sự gắn kết có hiệu quả với phong trào xây dựng cộng đồng khuyến học. Bám sát thực hiện theo 6 tiêu chuẩn do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đề ra, phong trào xây dựng cộng đồng khuyến học ở tỉnh ta phát triển nhanh, đóng góp lớn vào xây dựng, phát triển tổ chức hội, hội viên, huy động được các lực lượng trong xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài. Toàn tỉnh có trên 3.400 cộng đồng khuyến học ở các thôn, làng, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học, nhà chùa, xứ họ đạo. Mỗi cộng đồng khuyến học đều có cách làm, thế mạnh và thành tích nổi trội riêng nhưng tựu chung lại đều có vai trò quan trọng trong xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Thực tế cho thấy, phong trào xây dựng gia đình hiếu học đã góp phần quan trọng vào xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh, gắn kết giáo dục gia đình với giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội. Đồng thời, gia đình hiếu học đã trở thành nhân tố mới trong cuộc vận động giảm nghèo, làm kinh tế giỏi và xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư. Tuy nhiên, để xây dựng gia đình học tập, mỗi gia đình phải phấn đấu thực hiện 5 tiêu chí (gia đình hiếu học có 3 tiêu chí). Mỗi gia đình học tập sẽ góp phần làm nên một dòng họ học tập. Trong 5 tiêu chí xây dựng dòng họ học tập phải đạt 50% trở lên số gia đình trong dòng họ đạt danh hiệu “Gia đình học tập”; trong dòng họ không có con em bỏ học, mắc các tệ nạn xã hội hoặc vi phạm pháp luật. Phong trào học tập suốt đời của người lớn trong dòng họ được khuyến khích, động viên, tạo điều kiện. Tỷ lệ người lớn trong dòng họ tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời dưới nhiều hình thức, phương thức khác nhau ngày càng tăng. Quỹ khuyến học của dòng họ ngày càng tăng, hoạt động tích cực, có tác dụng, hiệu quả. Dòng họ tích cực tham gia và thực hiện tốt 5 nội dung xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Các gia đình trong dòng họ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển. Để xây dựng mô hình cộng đồng học tập, mỗi thôn, làng, tổ dân phố/xã, phường, thị trấn phải thực hiện hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và THCS đúng độ tuổi. Tỷ lệ người lớn tuổi tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời dưới nhiều hình thức, phương thức khác nhau ngày càng tăng. 50% gia đình của thôn/tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”, 50% dòng họ được công nhận danh hiệu “Dòng họ học tập”. Có sự quan tâm của cấp ủy Đảng và lãnh đạo thôn, tổ dân phố và có sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể trong cộng đồng trong việc tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân ở cộng đồng. Thực hiện tốt 5 nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đời sống kinh tế của các hộ gia đình ở cộng đồng ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm. Đến nay toàn tỉnh đã có 5.038 chi hội, 4.608 Ban Khuyến học, 486.264 hội viên, 384.333 gia đình đăng ký phấn đấu đạt tiêu chí “Gia đình học tập”, 3.625 dòng họ đăng ký phấn đấu đạt tiêu chí “Dòng họ học tập”, 3.075 cộng đồng đăng ký phấn đấu đạt tiêu chí “Cộng đồng học tập”, 974/1.074 đơn vị đăng ký phấn đấu đạt tiêu chí “Đơn vị học tập”, 100% xã, phường đăng ký đạt cộng đồng học tập. 149 trung tâm học tập cộng đồng xếp loại tốt, 66 trung tâm học tập cộng đồng xếp loại khá. Các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ. Đến tháng 12-2017 số quỹ khuyến học của toàn tỉnh có 147.086 triệu đồng. Quý I năm 2018, quỹ đã tăng thêm gần 7 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp Hội Khuyến học phối hợp chặt chẽ với ngành GD và ĐT đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua trong nhà trường, đảm bảo không có học sinh bỏ học ở cả ba cấp học, đồng thời tiếp tục triển khai việc học tập tại các trung tâm học tập cộng đồng. 

Để phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị thực sự phát huy hiệu quả, thời gian tới các cấp Hội Khuyến học cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 11/CT-TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”; các văn bản của Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tuyên truyền để mọi gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị nắm vững các tiêu chí, cách đăng ký, chấm điểm, đánh giá và công nhận các danh hiệu. Hội Khuyến học cũng cần tham mưu cho UBND các cấp tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức đăng ký, bình xét, đánh giá, công nhận các mô hình phấn đấu đến năm 2020 đạt và vượt chỉ tiêu Kế hoạch về “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” và “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com