Nhọc nhằn lao động tự do

08:04, 13/04/2018

Lao động tự do là những người hằng ngày mưu sinh tại các thành phố lớn để kiếm việc làm theo thời vụ. Họ làm đủ các nghề để trang trải cuộc sống, hầu hết đều phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thường chịu thiệt thòi khi không may xảy ra rủi ro, bất trắc trong quá trình làm việc, đôi khi đánh cược với số phận của bản thân mình trong nhọc nhằn mưu sinh mong kiếm thêm thu nhập.

Những thợ sơn cheo leo trên cao tiềm ẩn nhiều tai nạn rủi ro.
Những thợ sơn cheo leo trên cao tiềm ẩn nhiều tai nạn rủi ro.

Tại các ngả đường trên địa bàn Thành phố Nam Định rất dễ bắt gặp hình ảnh những người lao động tự do đang làm việc. Tại một căn nhà 3 tầng ở khu đô thị Thống Nhất có khoảng 5-7 thợ sơn đứng chênh vênh trên các giàn giáo hì hục chà các bức tường làm bụi bay mù mịt. Trang phục của các thợ sơn là những bộ quần áo cũ kỹ, lấm lem sơn nước, trên mặt mang một chiếc khẩu trang mỏng, không có kính bảo vệ mắt. Nghề sơn nước càng vào những dịp nắng ráo thì nhu cầu sơn nhà tăng lên. Đây cũng là cơ hội để những lao động tự do kiếm thêm thu nhập. Vì ngoài làm cho những công trình mới, thợ sơn còn nhận sơn sửa lại nhà cũ. Công việc nhiều nên những thợ sơn tranh thủ làm thêm, thậm chí có ngày họ làm tới 12 tiếng đồng hồ. Làm nghề sơn, công việc lai rai cả năm nên thu nhập cũng tương đối ổn định. Tính bình quân 1 tháng, người thợ sơn kiếm được 5-6 triệu đồng/người, những tháng nhiều việc, thu nhập có thể được 8-10 triệu đồng. Anh Phạm Văn Thái, năm nay 27 tuổi ở xã Nam Vân cho biết: Tôi làm nghề này đã được 5 năm, khi làm chúng tôi không có bất cứ một hợp đồng lao động nào cả, làm ngày nào thì chủ trả công ngày đó, còn ăn uống, trang phục bảo hộ lao động tự lo. Mặc dù trong quá trình làm việc đã mang khẩu trang nhưng tôi vẫn bị bụi bay vào mắt, mũi, họng rất khó chịu. Biết là nguy hiểm nhưng do không có bằng cấp, nghề nghiệp nên chúng tôi đành chọn nghề này làm kế sinh nhai… Cũng cùng tốp thợ sơn đó, một số người đang đu dây thừng để sơn tường, họ ngồi trên một tấm ván gỗ nhỏ, bên hông đeo thùng sơn nước, cứ thế di chuyển hết bức tường này tới bức tường khác. Biết là nguy hiểm luôn rình rập nhưng vì mưu sinh nên thợ sơn vẫn phải cố gắng làm để có tiền gửi về nhà cho gia đình. Trong quá trình làm việc, họ thường quan tâm nhắc nhở, động viên nhau phải cẩn thận, xem xét, kiểm tra kỹ lưỡng trước khi leo lên cao để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra… Hay như nghề thợ xây cũng được xem là công việc nặng nhọc, nguy hiểm. Gần đến những ngày nắng nóng thì công việc ấy càng thêm vất vả. Vì gánh nặng mưu sinh nên những người thợ xây vẫn phải bám trụ với công việc. Lau vội những giọt mồ hôi trên khuôn mặt, anh Nguyễn Văn Hướng ở xã Trực Tuấn (Trực Ninh) chia sẻ: Hầu hết thợ xây đều xuất phát từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Gia đình anh Hướng thuộc diện hộ nghèo trong xã, cả gia đình có 4 thành viên, thu nhập đều trông cậy vào công việc làm thợ xây của anh. Ngày làm quần quật 8 tiếng, mỗi ngày anh kiếm được 200 nghìn đồng góp phần trang trải chi phí sinh hoạt gia đình và nuôi các con ăn học. Được biết, anh Hướng gắn bó với nghề thợ xây từ lúc còn trai trẻ, ngót nghét cũng đã được hơn 20 năm. “Bây giờ nếu không cho làm thợ xây, chắc tôi cũng không biết làm nghề gì khác, bởi mình không có trình độ mà quá tuổi lao động nên xin đi làm Cty cũng khó” anh Hướng cho biết. Không chỉ vất vả nặng nhọc mà người làm thợ xây phải đối mặt với những rủi ro có thể xảy ra. Khi được tận mắt chứng kiến hình ảnh những người thợ xây đứng chênh vênh trên tấm ván bắt dọc theo giàn giáo, trên người không có một phương tiện bảo hộ lao động nào thì không ai có thể không khỏi giật mình. “Đã từng có rất nhiều trường hợp do bất cẩn, trượt chân, sập giàn giáo trong lúc đang thi công, dù thoát chết nhưng cũng mang thương tật suốt đời” anh Hướng cho biết thêm. Do tai nạn, nhiều người từ lao động chính đã trở thành gánh nặng cho gia đình. Khi gặp rủi ro, nguy hiểm, thợ xây lại ít khi được hưởng những chế độ bảo hiểm đãi ngộ như nhiều ngành, nghề khác.

Hiện nay, theo quy định của Nhà nước mới chỉ có chính sách về tiền lương, an sinh xã hội cho nhóm lao động khu vực chính thức mà chưa có chính sách nào đối với những nhóm lao động tự do. Những năm gần đây, Nhà nước thực hiện chính sách BHXH tự nguyện và BHYT toàn dân để tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất khi về già nhưng số lao động tự do tham gia còn rất ít. Phần lớn do trình độ, nhận thức của họ còn nhiều hạn chế nên chưa thấy được lợi ích của việc tham gia các loại hình bảo hiểm. Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế của những người lao động còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, công việc không ổn định trong khi thời gian tham gia đóng bảo hiểm quá dài. Khi phóng viên đề cập đến vấn đề tham gia đóng bảo hiểm tự nguyện để đề phòng ốm đau, lúc rủi ro và đảm bảo cuộc sống khi về già, nhiều lao động đều tỏ ra không mặn mà. Khi sự cố tai nạn lao động xảy ra, không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm cho những người lao động tự do vì họ không có hợp đồng, không nộp bảo hiểm. Chính điều đó đã vô tình tiếp tay cho người sử dụng lao động vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh lao động, cũng như sử dụng các trang thiết bị lao động thiếu an toàn.

Thiết nghĩ, các cấp, các ngành, cần có sự quan tâm đến những đối tượng lao động tự do, có những chính sách hỗ trợ, biện pháp bảo vệ và cần có tổ chức đứng ra đại diện quyền lợi cho người lao động, tạo điều kiện để họ tham gia các loại hình bảo hiểm. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền giúp lao động tự do nâng cao hiểu biết, kiến thức về pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động. Ngoài ra, người lao động cũng cần phải tự bảo vệ quyền lợi của mình, yêu cầu chủ sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm tai nạn lao động… khi tham gia vào thị trường lao động./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com