Nâng cao chất lượng công tác xét nghiệm trong lĩnh vực y tế dự phòng

08:04, 11/04/2018

Công tác y tế dự phòng có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Được sự quan tâm của Sở Y tế, năm 2012, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tập trung xây dựng Phòng Xét nghiệm, chuẩn hóa để đạt chuẩn ISO/IEC 17025. 

Trước đó, để chuẩn bị cho việc đạt chuẩn, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã mời chuyên gia tư vấn về đánh giá thực trạng Phòng Xét nghiệm, ký hợp đồng tư vấn với chuyên gia tư vấn để thực hiện ISO 17025; cử 5 cán bộ tham dự các lớp tập huấn về quản lý phòng thí nghiệm, đảm bảo chất lượng kiểm nghiệm; mở lớp tập huấn cho 15 cán bộ của Khoa xét nghiệm về tiêu chuẩn ISO 17025 và đánh giá nội bộ cho các cán bộ phòng thí nghiệm. Trung tâm cũng tiến hành mua hóa chất vật tư, y cụ phục vụ cho công tác ISO 17025; viết quy trình chuẩn SOPs cho các chỉ tiêu kiểm nghiệm đăng ký làm ISO; mời chuyên gia về tập huấn; tiến hành thử nghiệm theo quy trình chuẩn SOPs cho các chỉ tiêu kiểm nghiệm đăng ký làm ISO để thẩm định phương pháp và xác nhận giá trị sử dụng; hiệu chỉnh các trang thiết bị máy móc cần thiết cho xét nghiệm các chỉ tiêu nói trên để phục vụ cho việc công nhận ISO và đã đạt tiêu chuẩn ISO. Hiện tại, Trung tâm tiếp tục duy trì và thực hiện việc quản lý phòng xét nghiệm theo tiêu chuẩn ISO 17025 với hệ thống máy móc hiện đại phục vụ công tác xét nghiệm, kiểm nghiệm gồm hơn 100 thiết bị; trong đó có máy quang phổ hấp thụ nguyên tử, các nồi hấp khô, hấp ướt, tủ sấy, tủ ấm, tủ an toàn sinh học cấp 2, kính hiển vi quang học, tủ lạnh bảo quản mẫu, tủ lạnh bảo quản môi trường, tủ ấm CO2, máy đo vòng vô khuẩn, tủ lưu mẫu âm 20 độ, âm 80 độ, dàn ELISA, máy PCR... Hiện tại Trung tâm đang duy trì chuẩn 10 với 70 chỉ tiêu xét nghiệm hoá lý và vi sinh, duy trì 4 phòng an toàn sinh học cấp II. Các trang thiết bị cơ bản trên đã đáp ứng nhu cầu triển khai nhiều kỹ thuật về huyết thanh, miễn dịch để chẩn đoán và phát hiện sớm các bệnh dịch: cúm A/H1N1, sốt xuất huyết, HIV, một số loại độc chất trong thực phẩm… Ngoài ra, hệ thống các phòng xét nghiệm của Khoa Xét nghiệm đều đảm bảo yêu cầu về độ sáng, độ sạch và các tiêu chuẩn khác; mọi thao tác xét nghiệm, thử nghiệm của kỹ thuật viên được giám sát chặt chẽ. Cùng với trang thiết bị, đội ngũ cán bộ làm công tác xét nghiệm của Trung tâm đã được đào tạo để chuẩn hóa, có các chứng chỉ đào tạo sử dụng các thiết bị và an toàn sinh học. Hiện tại Khoa Xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có 17 cán bộ với nhiệm vụ được giao là xây dựng kế hoạch phát triển kỹ thuật xét nghiệm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm; thực hiện các xét nghiệm đáp ứng yêu cầu các hoạt động thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, phát hiện sớm bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, các rối loạn chuyển hóa, bệnh liên quan đến dinh dưỡng; các xét nghiệm về an toàn thực phẩm; xét nghiệm phục vụ giám sát, đo kiểm tra môi trường sức khỏe và các xét nghiệm khác phục vụ công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe cộng đồng… Với trang thiết bị, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực của Khoa Xét nghiệm, hiện tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã đáp ứng 100% nhu cầu xét nghiệm, đặc biệt là các ca nghi bệnh dịch xét nghiệm theo chỉ định. Đặc biệt, trong thời điểm bùng phát dịch sốt xuất huyết năm 2017, khoa đã triển khai thực hiện xét nghiệm xác định sốt xuất huyết trên hệ thống ELISA. Trong năm 2017, khoa đã xét nghiệm được 1.010 mẫu sốt xuất huyết, 39 mẫu sởi... Trong 3 tháng đầu năm 2018, khoa đã xét nghiệm được 2 mẫu sốt xuất huyết, 1 mẫu sởi, 1 mẫu liệt mềm cấp, 1.360 mẫu sinh hoá nước tiểu, 19 mẫu độc chất, 3.300 mẫu huyết học, kiểm tra vô trùng 15 mẫu không khí… Công tác xét nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã góp phần quan trọng trong chẩn đoán xác định sớm các vụ dịch tại địa phương. Cụ thể, trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết năm 2017, từ kết quả xét nghiệm, ngành Y tế đã chỉ đạo và phối hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch như phát hiện các yếu tố nguy cơ và ổ dịch mới thông qua các hệ thống giám sát, qua đó phun toàn bộ các ổ dịch trọng điểm và tiến hành phun diện rộng các ổ dịch mới phát sinh đi đôi với công tác vệ sinh môi trường, xử lý ổ bọ gậy. Kết quả, không có ổ dịch nào kéo dài quá 14 ngày, tổ chức khám phân loại phân tuyến hợp lý, điều trị đúng phác đồ, đảm bảo dịch truyền, thuốc và phương tiện cấp cứu, không gây tình trạng quá tải bệnh viện, không để tử vong.

Việc nâng cao chất lượng công tác xét nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã góp phần kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh, góp phần thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh và phục vụ hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com