Khắc phục những bất cập trong dạy nghề cho học sinh phổ thông

08:04, 02/04/2018

Dạy nghề phổ thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm chuẩn bị cho học sinh một số hiểu biết, kỹ năng lao động để các em có thể tham gia lao động sản xuất tại gia đình hoặc các doanh nghiệp. Đồng thời, nhằm nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, góp phần phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT.

Những năm qua, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Nam Định là một địa chỉ uy tín trong công tác hướng nghiệp và dạy nghề cho học sinh phổ thông. Trung tâm đảm nhiệm việc dạy nghề phổ thông cho học sinh từ lớp 8 đến lớp 11 trên địa bàn Thành phố Nam Định, giúp các trường THPT, các phòng GD và ĐT trong tỉnh giải quyết các khó khăn trong việc dạy nghề phổ thông, đồng thời làm tham mưu cho ngành trong nhiệm vụ hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông. Để công tác hướng nghiệp dạy nghề ngày càng mang lại tính thiết thực đối với học sinh, Trung tâm đã tăng cường bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho đội ngũ giáo viên. Ban giám đốc trung tâm cùng nhóm giáo viên giỏi tham gia biên soạn tài liệu, tổ chức hội thảo về phương án bài giảng sinh hoạt hướng nghiệp THCS và THPT cho hội đồng giáo viên để triển khai giảng dạy trong các trường; đồng thời quan tâm bồi dưỡng về đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực để học sinh dễ hiểu, dễ thực hành. Trung tâm đặc biệt quan tâm đến phong trào thiết kế và chế tạo đồ dùng dạy học, góp phần nâng cao hiệu quả đổi mới phương pháp dạy học, khắc phục phương pháp truyền thụ một chiều, tạo động lực khuyến khích tư duy sáng tạo của đội ngũ giáo viên và học sinh. Hằng năm, Trung tâm đã phát động sâu rộng trong đội ngũ giáo viên về phong trào tự làm đồ dùng dạy học, tổ chức cho giáo viên đăng ký và định hướng những thiết bị có thể cải tiến, cần sửa chữa. Vì vậy, năm học nào mỗi giáo viên, mỗi tổ chuyên môn cũng có những sản phẩm đồ dùng dạy học tự làm để đưa vào giảng dạy. Có những đồ dùng dạy học sử dụng ở những tiết giảng, những bài học thông thường, nhưng cũng có những sản phẩm đã mang tính tích hợp cao, thuận tiện đối với việc dạy và học, dạy được nhiều bài và giúp học sinh nắm được kỹ năng thực hành, nâng cao tay nghề cho các em, nhất là ở các môn điện và thêu. Trung bình mỗi năm, Trung tâm mở trên 100 lớp học nghề cho học sinh lớp 8 và lớp 11 trên địa bàn Thành phố Nam Định và một số trường THPT ở các huyện lân cận. Trong đó năm học 2017-2018, Trung tâm mở 72 lớp cho 2.451 học sinh lớp 11 và 40 lớp cho 1.328 học sinh lớp 9. Bên cạnh việc dạy nghề phổ thông, Trung tâm còn phối hợp với Phòng GD và ĐT thành phố, Phòng THPT (Sở GD và ĐT) tư vấn cho Sở GD và ĐT về nội dung tích hợp sinh hoạt hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 và lớp 11; đồng thời mở các lớp bồi dưỡng Tin học cho đội ngũ giáo viên từ bậc mầm non đến THCS của Thành phố Nam Định; hỗ trợ các Trung tâm GDTX trong tỉnh về học và thi nghề phổ thông theo sự chỉ đạo của Sở GD và ĐT, góp phần thiết thực trong công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT trên địa bàn.

Giờ dạy nghề may công nghiệp cho học sinh THPT ở Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp tỉnh.
Giờ dạy nghề may công nghiệp cho học sinh THPT ở Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp tỉnh.

Nhiều năm qua, Bộ GD và ĐT đã có quy định về dạy nghề trong các trường phổ thông. Theo đó, hoạt động giáo dục nghề phổ thông ở cấp THCS là nội dung giáo dục tự chọn (dành cho học sinh lớp 8, lớp 9) với thời lượng 70 tiết (2 tiết/tuần); ở cấp THPT là nội dung giáo dục bắt buộc với thời lượng 105 tiết (3 tiết/tuần). Bộ GD và ĐT đã ban hành tài liệu dạy học 12 nghề phổ thông gồm: làm vườn, nuôi cá, trồng rừng, gò, điện dân dụng, điện tử dân dụng, sửa chữa xe máy, cắt may, nấu ăn, thêu tay, tin học văn phòng, kinh doanh. Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, hằng năm Sở GD và ĐT yêu cầu Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, các phòng GD và ĐT và các đơn vị trực thuộc phối hợp để thực hiện giáo dục nghề nghiệp, đào tạo kỹ năng nghề cho học sinh. Các phòng GD và ĐT và đơn vị trực thuộc đã tổ chức hướng dẫn học sinh đăng ký tham gia học các kỹ năng nghề được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông tùy theo điều kiện và nhu cầu của người học, hoặc lựa chọn các kỹ năng nghề nghiệp khác dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên. Sở GD và ĐT yêu cầu các trường và các cơ sở phối hợp dạy nghề xây dựng kế hoạch giảng dạy, đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh. Sau khi hoàn thành chương trình học, các cơ sở có đào tạo nghề sẽ cấp giấy chứng nhận cho học sinh để các em được công nhận trên thị trường lao động, được miễn trừ các nội dung này nếu có nguyện vọng học tiếp chương trình trung cấp chuyên nghiệp sau khi tốt nghiệp THCS, THPT. Các trung tâm GDTX và hướng nghiệp các huyện, thành phố khuyến khích dạy các nghề truyền thống của địa phương, đa dạng hóa các hình thức tư vấn hướng nghiệp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai giáo dục khởi nghiệp nhằm khơi dậy tinh thần tự tạo việc làm, tự thân lập nghiệp và cung cấp cho học sinh những kiến thức, kỹ năng cần có để khởi nghiệp thành công. 

Tuy nhiên việc dạy học cũng như tổ chức các kỳ thi nghề trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Theo quy định hiện hành, trong khung phân phối chương trình chung của Bộ GD và ĐT, học sinh bậc THCS bắt đầu được học nghề từ cuối năm lớp 8. Ngoài ra, học sinh còn được học hai môn Công nghiệp và Hướng nghiệp. Tuy nhiên, nội dung của các môn học này còn có những điểm tương đồng, thậm chí còn chồng chéo nhau. Các nghề để học sinh lựa chọn khá phong phú, gồm: Điện, tin học, trồng trọt, may công nghiệp, thêu tay, nấu ăn, nhiếp ảnh, điện lạnh… Lý thuyết là vậy, nhưng phần lớn học sinh không thể học nghề mình thích mà thường phải theo “số đông” do nhà trường sắp xếp. Hơn nữa, chương trình dạy nghề được nhiều trường học áp dụng còn mang nặng tính lý thuyết, điều kiện cơ sở vật chất để học sinh thực hành chưa đảm bảo. Nhiều trường tận dụng đội ngũ giáo viên dạy các môn Vật lý, Tin học của trường làm công tác dạy nghề, có trường chỉ dạy lý thuyết mà không có điều kiện cho học sinh thực hành… Điều đáng nói, đa số học sinh đều mong muốn học lên THPT và tiếp tục học đại học hoặc cao đẳng. Những học sinh có học lực yếu cũng bằng mọi cách để theo học lên THPT hệ ngoài công lập. Việc học nghề ở cấp THCS vì thế mang nặng tính hình thức, đối phó. Do tham gia học nghề theo kiểu lấy lệ, đối phó, không ít học sinh được cấp giấy chứng chỉ nghề loại khá, giỏi nhưng không bao lâu sau, những kiến thức thu được từ lớp học nghề đã “rơi rụng” hết… Để việc dạy nghề cho học sinh phổ thông đạt hiệu quả, ngành GD và ĐT, các trung tâm GDTX và hướng nghiệp cấp huyện cần chú trọng hơn công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề, đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề cho học sinh, giúp các em lựa chọn được một nghề phù hợp với bản thân, với nhu cầu của địa phương để bước vào thị trường lao động hoặc tiếp tục vào học các trường nghề, trường đại học sau bậc học phổ thông./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com