Hoạt động trải nghiệm sáng tạo góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

08:04, 16/04/2018

Trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục, trong đó dưới sự hướng dẫn của giáo viên, cá nhân, nhóm học sinh được tham gia trực tiếp vào các hoạt động khác nhau ở nhà trường cũng như ngoài xã hội với tư cách là chủ thể của hoạt động, qua đó phát triển năng lực thực tiễn, phẩm chất nhân cách và phát huy tiềm năng sáng tạo của từng cá nhân. Đây là môn học mới giữ vai trò quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông đang được các địa phương, các nhà trường chú trọng triển khai.

Trong một tiết dạy ở lớp 5C Trường Tiểu học Nam Đào (Nam Trực), cô giáo Ngô Thị Hằng đã tổ chức cho học sinh được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị và bổ ích, với mục tiêu giúp học sinh đi sâu tìm hiểu cảm xúc buồn và cách vượt qua nỗi buồn trong cuộc sống. Các em được tham gia các hoạt động cá nhân, chia sẻ cặp đôi và chia sẻ trước lớp, tự phát hiện và hiểu được những nguyên nhân khiến mình có cảm xúc buồn, cách khắc phục những cảm xúc tiêu cực, hướng tới cảm xúc tích cực, đồng thời cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm vượt qua cảm xúc buồn thông qua các tình huống cụ thể trong học tập, sinh hoạt và đời sống hằng ngày. Tiết học nhẹ nhàng, hiệu quả mang lại ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Các hoạt động gắn liền với thực tiễn cuộc sống giúp các em học sinh phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực, nhiều kỹ năng mới được hình thành. Trong nhiều năm qua, Trường Tiểu học Nam Đào đã tích cực đổi mới các hoạt động giáo dục, tổ chức nhiều hoạt động mang tính đột phá như đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá học sinh. Học sinh được trải nghiệm thông qua việc tham dự Liên hoan phát triển năng lực học sinh tiểu học các cấp, dự  thi CLB Toán Tuổi Thơ toàn quốc, tổ chức hội xuân quê hương, tổ chức thi đấu CLB Toán Tuổi thơ, đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Bên cạnh đó, nhà trường đã tổ chức được nhiều buổi giao lưu với người nước ngoài nhằm giúp các em nâng cao chất lượng học tiếng Anh, tự tin trong giao tiếp… Năm học 2017-2018, với chủ đề liên hoan phát triển năng lực: nhà trường - gia đình và cộng đồng, nhà trường đã đổi mới hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh; tạo cơ hội để học sinh giao tiếp, hợp tác, chia sẻ, bày tỏ quan điểm, tìm hiểu kiến thức các môn học; tăng cường mối liên kết giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng. Nhiều hình thức hoạt động cá nhân và đồng đội với nội dung đa dạng, phong phú đã khuyến khích học sinh phát huy mọi tiềm năng sáng tạo, tiêu biểu như ở nội dung thi tài năng, học sinh có cơ hội thể hiện năng khiếu nghệ thuật, TDTT. Phần thuyết trình sẽ giúp các em thể hiện tài năng tư duy và phản xạ ngôn ngữ. Các em tự lựa chọn đề tài giới thiệu về lịch sử, văn hóa truyền thống, công trình kiến trúc hoặc danh nhân của quê hương để trình bày. Ở phần thi tranh luận đã tạo điều kiện để học sinh hình thành và phát triển kỹ năng tranh luận, phản biện, xem xét vấn đề dưới nhiều góc độ đa chiều, kỹ năng xử lý tình huống linh hoạt và sáng tạo. Trong phần thi tạo hình, các em có cơ hội  để hợp tác cùng nhau xây dựng và phát triển những ý tưởng sáng tạo. Từ các chất liệu phế thải an toàn, dễ kiếm, các em sẽ cùng nhau thống nhất xây dựng ý tưởng, phân công thể hiện từng chi tiết và cùng nhau gắn kết thành một sản phẩm theo chủ đề  “ngôi trường mơ ước ”. Đặc biệt ở phần thi tìm hiểu kiến thức, học sinh sẽ được phát triển kiến thức tổng hợp trên cơ sở định hướng tăng cường ứng dụng, trải nghiệm, sáng tạo, góp phần phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất thông qua các câu hỏi tập trung vào kiến thức các môn học và hoạt động giáo dục: Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tự nhiên Xã hội, Khoa học, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Đạo đức... Trong những năm qua, nhằm phát hiện và phát huy mọi khả năng riêng biệt của mỗi học sinh, giúp các em định hướng, khám phá và phát triển tối đa năng lực của bản thân, tự lực giải quyết những vấn đề trong học tập và cuộc sống, Sở GD và ĐT đã tập trung đổi mới toàn diện công tác quản lý nhà trường, tăng cường kiểm tra công tác giảng dạy, cải tiến phương pháp dạy học sao cho mỗi tiết học diễn ra nhẹ nhàng, tự nhiên, chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh đó, việc sử dụng đồ dùng dạy học một cách linh hoạt và khoa học, tạo cho học sinh kỹ năng quan sát, tư duy hình ảnh, động não... đã góp phần đưa các tiết học đạt hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT cũng đẩy mạnh các phương pháp dạy học tích cực, đưa phương pháp “bàn tay nặn bột”, vận dụng mô hình trường học mới (VNEN) vào việc dạy và tổ chức lớp học, trong đó giáo viên đã tập trung chuyển đổi hình thức giảng dạy truyền thụ từ phía giáo viên sang học sinh theo hình thức tự học là chính, đồng thời phát huy tối đa năng lực tư duy, sáng tạo, vận dụng kiến thức của học sinh. Riêng với phương pháp “bàn tay nặn bột”, đa số học sinh được học theo phương pháp này đã tích cực, chủ động trong các hoạt động học tập, tự xây dựng kiến thức thông qua khám phá, thử nghiệm, thảo luận, hợp tác với bạn dưới sự định hướng, giúp đỡ của giáo viên. Học sinh nắm vững kiến thức, phát triển năng lực nhận thức và tư duy sáng tạo; phát triển năng lực quan sát, thực hành; kỹ năng làm việc hợp tác theo nhóm, kỹ năng diễn đạt qua ngôn ngữ nói và viết… góp phần phát triển năng lực tự học, tác phong và thói quen độc lập suy nghĩ, sáng tạo trong hành động, lòng yêu thích và say mê khoa học. Các nhà trường cũng đã đưa các hoạt động tạo môi trường ngôn ngữ cho học sinh học tập ngoại ngữ như: Dạy học tiếng Anh theo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông, khuyến khích học sinh đọc và kể chuyện bằng tiếng Anh, thi hùng biện tiếng Anh, thi học sinh giỏi tiếng Anh theo chuẩn quốc tế với nhiều hình thức phong phú, đã giúp các em học ngày càng tốt hơn môn tiếng Anh trong nhà trường. Không chỉ chú trọng nâng cao năng lực cho học sinh thông qua việc giáo dục kiến thức văn hóa, các trường tiểu học còn hưởng ứng tốt cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, giáo dục thể chất. Ngoài việc giảng dạy thể dục chính khóa, nhiều trường còn tạo sân chơi cho các em thông qua hoạt động đội, nhóm như bóng đá, võ thuật, bơi lội, văn nghệ, đặc biệt các em rất hào hứng với các trò chơi dân gian được thầy cô tổ chức, hướng dẫn. Đồng thời các trường cũng tích cực đẩy mạnh việc xây dựng vườn trường, góc thiên nhiên trong lớp học, giúp học sinh yêu mến và gần gũi với thiên nhiên, có ý thức bảo vệ môi trường.

Việc triển khai các hoạt động trải nghiệm sáng tạo góp phần phát triển năng lực là điều rất cần thiết đối với học sinh tiểu học, giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn và tích cực tham gia vào hoạt động của nhà trường, được bày tỏ ý kiến, tăng cường vận dụng kiến thức nhằm giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn. Qua đó, đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh trong các nhà trường./.

Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com