Quy hoạch vùng huyện Trực Ninh theo định hướng phát triển đô thị đa cực

08:03, 30/03/2018

Với vị trí địa lý tiếp giáp 5 huyện: Nam Trực, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu; huyện Trực Ninh có lợi thế là “cửa ngõ” thông thương về kinh tế - xã hội giữa hai vùng bắc và nam của tỉnh. 

Huyện Trực Ninh hiện có 3 thị trấn gồm Cổ Lễ, Cát Thành và Thị trấn mới Ninh Cường và 18 xã. Trong đó, Thị trấn Cổ Lễ là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của huyện. Tác động từ các chương trình dự án đầu tư trọng điểm, phát triển hạ tầng của Trung ương và của tỉnh triển khai trên địa bàn, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới nên quá trình đô thị hoá trên địa bàn huyện diễn ra tương đối nhanh. Hiện tại, các thị trấn đều nằm trên các đường trục giao thông quan trọng, có dịch vụ thương mại phát triển, đồng thời là đầu mối giao thông liên kết các vùng của huyện, trung tâm kinh tế, văn hóa của khu vực dân cư ở mỗi miền. Khu dân cư nông thôn huyện Trực Ninh được phân bố theo địa giới hành chính xã gồm 18 xã, xây dựng trên nền đất cao ráo, thoáng mát, sự hình thành các điểm dân cư sinh sống gắn liền với quá trình nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là chủ yếu. Các khu dân cư thường được bao quanh bởi đồng ruộng, thuận tiện cho sản xuất. Các công trình văn hóa, phúc lợi xã hội công cộng được bố trí ở trung tâm xã và thôn. Các điểm dân cư trong huyện được liên hệ với nhau bởi hệ thống đường giao thông liên thôn, liên xã, liên huyện và hệ thống đường thôn xóm, thuận lợi cho đi lại cũng như sản xuất của người dân. Các CCN mới được hình thành ở các vùng địa bàn và đi vào sản xuất ổn định tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương quanh CCN. Tại các xã, người dân đã từng bước hình thành ý thức về nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cấp hạ tầng các khu dân cư tập trung ở nông thôn theo hướng “sáng - xanh - sạch - đẹp”. 

Quốc lộ 21 đoạn qua địa bàn Thị trấn Cổ Lễ.
Quốc lộ 21 đoạn qua địa bàn Thị trấn Cổ Lễ.

Kế thừa và phát huy lợi thế sẵn có về địa lý cùng với hệ thống hạ tầng dần hoàn thiện đồng bộ, huyện chủ trương xây dựng hình thành các đô thị mới tại các xã có tiềm năng tạo hiệu ứng lan toả tốt như: đã có nền tảng hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn thiện, là đầu mối về giao thông liên kết giữa các huyện lân cận và vùng trong huyện, có các động lực phát triển đô thị rõ ràng về công nghiệp, dịch vụ thương mại mang tính chất vùng; phù hợp với xu thế về bố cục quy hoạch đô thị (sử dụng đất hỗn hợp, cân bằng việc làm và sinh sống…). Từ định hướng trên, huyện đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành lập Quy hoạch xây dựng vùng huyện Trực Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1733/2017/QĐ-UBND ngày 1-8-2017. Trong đó, các chỉ tiêu về đất đô thị; quy hoạch, không gian kiến trúc đô thị phát triển bền vững được hoạch định rõ ràng, bài bản, đảm bảo mỗi đô thị là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Dự kiến, đến năm 2020, đất dành cho đô thị, nông thôn toàn huyện là 5.170ha (đất đô thị là 2.070ha gồm các thị trấn: Cổ Lễ, Cát Thành và Ninh Cường; đất nông thôn là 3.100ha). Đến năm 2030, đất dành cho đô thị, nông thôn toàn huyện là 5.820ha (đất đô thị là 2.670ha gồm các thị trấn: Cổ Lễ, Cát Thành, Ninh Cường và đô thị Trực Nội; đất nông thôn là 3.150ha). Dự báo, tỷ lệ đô thị hoá trên địa bàn huyện Trực Ninh tăng dần và diễn ra khá nhanh, đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hoá trên địa bàn huyện đạt 25%. Hiện tại toàn huyện có 3 đô thị loại V là Thị trấn Cổ Lễ, Thị trấn Cát Thành, Thị trấn Ninh Cường, phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ nâng cấp xã Trực Nội thành đô thị loại V. Giai đoạn 2021-2030, toàn huyện sẽ có 3 đô thị loại V là các thị trấn: Cát Thành, Ninh Cường và Trực Nội; Thị trấn Cổ Lễ sẽ được nâng cấp lên đô thị loại IV. Các vùng đô thị của huyện được phân thành 4 tiểu vùng phát triển không gian. Không gian vùng miền 1 lấy Thị trấn Cổ Lễ làm hạt nhân phát triển, lan tỏa ra xung quanh thông qua các trục đường chính: Quốc lộ 21, tỉnh lộ 487 và các trục đường huyện. Không gian vùng miền 2 lấy Thị trấn Cát Thành làm hạt nhân phát triển, lan tỏa ra xung quanh thông qua các trục đường chính là: tỉnh lộ 488B và các trục đường huyện. Không gian vùng miền 3 lấy đô thị Trực Nội làm hạt nhân phát triển, lan tỏa ra xung quanh thông qua các trục đường chính: Quốc lộ 21B, tỉnh lộ 488B và các trục đường huyện. Không gian đô thị miền 4 lấy Thị trấn Ninh Cường làm hạt nhân, phát triển lan tỏa ra xung quanh thông qua các trục đường chính: Quốc lộ 37B, Quốc lộ 21 và các trục đường xã. 4 tiểu vùng trên kết nối với nhau bởi các tuyến giao thông quan trọng (các quốc lộ: 37B, 21, 21B; các tỉnh lộ: 488B, 490C). Mỗi đô thị cũng được xác định rõ vai trò chức năng, nhiệm vụ chính và hướng phát triển hạ tầng đô thị. Thị trấn Cổ Lễ sẽ ưu tiên tập trung phát triển hạ tầng phía đông Quốc lộ 21 và xây dựng các công trình phụ trợ sang xã Trung Đông, Liêm Hải, tạo ra đô thị phát triển đồng bộ. Hướng phát triển thị trấn từ bắc xuống nam, tập trung phát triển các ngành kinh tế có động lực phát triển đô thị như phát triển nghề cơ khí, sửa chữa đóng mới tàu thủy; dịch vụ, thương mại, tài chính và các ngành công nghiệp hỗ trợ khác. Thị trấn Cát Thành được xác định là một trung tâm thương mại của huyện với trục phát triển từ đông sang tây dọc theo tỉnh lộ 488B. Thị trấn Ninh Cường giữ vai trò là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa phía đông nam của huyện, đầu mối giao thông liên kết với các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, phát triển dịch vụ vận tải, thương mại, du lịch. Đô thị Trực Nội sẽ được đầu tư nâng cấp lên đô thị loại V trong giai đoạn 2021-2030 giữ vai trò là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng, hạ tầng ưu tiên phát triển bám sát theo Quốc lộ 21B và tỉnh lộ 488B chạy qua địa bàn.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, hệ thống đô thị được xác định trong quy hoạch vùng huyện Trực Ninh đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị của tỉnh nói chung và của huyện nói riêng. Các đô thị đều là đầu mối về giao thông, có tính liên kết vùng, có các động lực phát triển đô thị rõ ràng về công nghiệp, dịch vụ thương mại mang tính chất vùng; được sắp xếp theo hướng đô thị đa cực, đa trung tâm, phân bố dựa theo chuỗi, điểm, cụm, khu vực, tạo ra hành lang phát triển đô thị, tận dụng tốt hệ thống hạ tầng đô thị vốn có, đảm bảo tiết kiệm chi phí đầu tư. Các đô thị có tính liên kết mạnh, tạo tính cạnh tranh cao, phát huy tính đặc trưng của từng đô thị ở mỗi vùng miền. Định hướng phát triển các đô thị được xây dựng phù hợp với xu thế về bố cục quy hoạch đô thị: sử dụng đất hỗn hợp, cân bằng việc làm và tạo ra môi trường phát triển đô thị ổn định và bền vững. Các đô thị hình thành và phát triển sẽ giúp huyện thu hẹp dần chênh lệch giữa các vùng đô thị và nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quản lý chặt chẽ tài nguyên và môi trường theo hướng bền vững, góp phần phát triển huyện trở thành một mũi nhọn về công nghiệp và dịch vụ thương mại trong tương lai./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com