Bước chuyển trong công tác cải cách hành chính

07:02, 28/02/2018

Thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong công tác cải cách hành chính (CCHC) nhằm nâng cao chất lượng quản lý, điều hành; phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; từ đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ phường Thống Nhất (TP Nam Định) giải quyết thủ tục hành chính phục vụ nhân dân.
Cán bộ phường Thống Nhất (TP Nam Định) giải quyết thủ tục hành chính phục vụ nhân dân.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC, nhất là sau khi BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9-6-2016 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong CCHC. Chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh thực hiện tốt việc tuyên truyền, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác CCHC tới toàn thể cán bộ, công chức. Thường xuyên cập nhật, đăng tải kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác CCHC, các thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì nền nếp công tác rà soát, đánh giá thủ tục hành chính; kịp thời điều chỉnh, bổ sung hoặc bãi bỏ các thủ tục không phù hợp; nghiên cứu, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết; đảm bảo nguyên tắc hướng dẫn một lần đối với hồ sơ chưa hợp lệ; phối hợp xử lý, giải quyết phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến thủ tục hành chính. Tích cực triển khai công bố các thủ tục hành chính, nhất là trong các lĩnh vực tài nguyên, môi trường; đầu tư; tư pháp... Các thủ tục hành chính đều quy định rõ đối tượng, thời gian giải quyết, địa điểm, thành phần hồ sơ và được niêm yết công khai tại bộ phận một cửa và trên trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị để người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể tự tra cứu và giám sát tiến độ thực hiện theo quy định. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương ban hành quy chế và duy trì thường xuyên việc thực hiện cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” theo quy định. Ưu tiên bố trí cán bộ, công chức có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp; có phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Hiện có 17/17 cơ quan chuyên môn, 10/10 đơn vị hành chính cấp huyện, 229/229 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông”. Chủ động công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến tình trạng chậm giải quyết thủ tục hành chính và nhũng nhiễu, tiêu cực trong hoạt động quản lý Nhà nước. Các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân đều đã được các đơn vị có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định. Đặc biệt, UBND tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đã hoàn thành kết nối liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương khác. Tiếp tục triển khai xây dựng chính quyền điện tử cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã được triển khai cài đặt, tập huấn sử dụng phần mềm hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Trong đó, có 26/28 đơn vị sử dụng thường xuyên, có hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Đã xây dựng hệ thống “một cửa điện tử” cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến của tỉnh ở mức độ 2, 3. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong việc tiếp nhận và trả kết quả các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Hiện tại đã có khoảng 28% tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Đã xây dựng thí điểm hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với giải quyết thủ tục hành chính trên cổng giao dịch dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục thực hiện việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 tại các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố. Khuyến khích áp dụng hệ thống quản lý này tại cấp xã. Đến nay, toàn tỉnh đã có 46 sở, ban, ngành, các chi cục trực thuộc sở và UBND các huyện xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống này vào các hoạt động của đơn vị mình. Cùng với việc đẩy mạnh hiện đại hóa nền hành chính, UBND tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng kiến tạo nói chung để đáp ứng yêu cầu cải cách nền hành chính, tăng mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính. Cán bộ, công chức được sắp xếp, bố trí đúng với trình độ chuyên môn đào tạo; không ngừng được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp; được quán triệt về đạo đức công vụ; chống quan liêu, tham nhũng; tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp. Các sở, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm trong thực thi công vụ. Khen thưởng, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; đồng thời nhắc nhở, phê bình và luân chuyển, điều động, thay thế các cán bộ, công chức, viên chức quan liêu, sách nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp. 

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến mạnh mẽ, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2017, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 99 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung trên 2.898 tỷ đồng và 38 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký là 2.485 triệu USD. Đến nay, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt mốc hơn 7.075 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 50.637 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu đến năm 2020, kết quả xếp hạng chỉ số CCHC của tỉnh thuộc nhóm các tỉnh đạt điểm khá trở lên, sớm nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu toàn quốc, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch nâng cao chỉ số CCHC đồng bộ, thống nhất, hiệu quả ở tất cả các sở, ban, ngành và UBND các cấp từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã. Đẩy mạnh công tác CCHC; thực hiện tốt cơ chế một cửa tại các cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Tăng cường ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành. Từng bước đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại các đơn vị; đảm bảo các điều kiện cần thiết để sẵn sàng thực hiện kết nối mạng WAN của tỉnh; đầu tư hệ thống sao lưu, hệ thống an toàn, an ninh và bảo mật cho hạ tầng công nghệ thông tin. Đặc biệt ưu tiên triển khai dự án “Phát triển hạ tầng khung chính phủ điện tử tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2020”; đề án “Xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Nam Định”./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com