Thực hiện hiệu quả các biện pháp giảm nghèo bền vững

07:01, 04/01/2018

Năm 2017, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo. Nhiều chương trình, dự án giảm nghèo đã đến được với đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và có tác động thiết thực, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Cty cổ phần D&J (Mỹ Lộc) tạo việc làm ổn định cho trên 500 lao động.
Cty cổ phần D&J (Mỹ Lộc) tạo việc làm ổn định cho trên 500 lao động.

Để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo với các chương trình, dự án cụ thể, hỗ trợ người nghèo về các mặt: y tế, GD và ĐT, dạy nghề, bảo trợ xã hội, nhà ở và tín dụng ưu đãi. Các ngành chức năng, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về công tác giảm nghèo. Sở LĐ-TB và XH đã phát hành 32 nghìn tờ gấp về quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia quá trình điều tra, rà soát hộ nghèo; phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị truyền thông về chính sách giảm nghèo cho hội viên tại các huyện, thành phố. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB và XH đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ điều tra, rà soát hộ nghèo cho thành viên BCĐ điều tra, rà soát hộ nghèo các cấp và trên 3.000 điều tra viên thôn, xóm, tổ dân phố, giúp các địa phương triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, làm cơ sở thực hiện hiệu quả chính sách và các giải pháp giảm nghèo đúng đối tượng. Kết quả điều tra năm 2016, toàn tỉnh có 23.477 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,91%. Để giải quyết khó khăn cơ bản của hộ nghèo là thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương quan tâm triển khai có hiệu quả chương trình cho hộ nghèo vay vốn hỗ trợ lãi suất. Năm 2017, toàn tỉnh đã có trên 2.669 lượt hộ nghèo và 4.694 lượt hộ cận nghèo được vay vốn với số dư 180 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Do thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát nên hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Cùng với việc vay vốn, hộ nghèo được tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, gần 500 lao động thuộc hộ nghèo được dạy nghề miễn phí với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng; hàng nghìn lượt lao động thuộc hộ nghèo được tập huấn, hướng dẫn cách làm ăn và xây dựng mô hình trình diễn qua các chương trình, dự án. Đối với chính sách hỗ trợ GD và ĐT, toàn tỉnh đã thực hiện miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 18.020 học sinh, sinh viên (HS, SV) thuộc hộ nghèo với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng; có 3.151 HS, SV thuộc hộ nghèo được vay vốn để đi học với tổng dư nợ gần 16 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 164.400 người nghèo và cận nghèo được cấp thẻ BHYT với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng. Các hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện với tổng kinh phí trên 11 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được quan tâm, trong đó từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” trong năm qua đã hỗ trợ xây mới nhà ở cho 35 hộ nghèo với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, từ việc phối hợp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo với Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, dạy nghề, năm 2017, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 30 nghìn lao động, trong đó ưu tiên cho lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo, giúp người lao động có cơ hội việc làm, thu nhập ổn định. Các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Hiện Quỹ quốc gia giải quyết việc làm tỉnh cho vay 2.500 khách hàng với tổng dư nợ ước đạt 80 tỷ đồng, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các hộ có vốn đầu tư mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm mới, thu nhập ổn định cho 2.450 lao động. Với các biện pháp đồng bộ, triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, năm 2017, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 31 nghìn lao động, có thu nhập ổn định; trong đó có nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, giúp họ vươn lên thoát nghèo. Từ những hoạt động hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, năm 2017 ước tính toàn tỉnh có 5.470 hộ thoát nghèo, giảm số hộ nghèo còn 18 nghìn hộ, chiếm 2,9% tổng số hộ.

Bên cạnh kết quả đạt được, công cuộc xóa nghèo của tỉnh vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa bền vững. Một số hộ nghèo còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ, bảo trợ xã hội của Nhà nước. Vẫn còn nhiều hộ tái nghèo và số hộ cận nghèo còn cao; việc lồng ghép các chương trình, dự án về xóa đói giảm nghèo chưa hiệu quả, nguồn huy động giúp đỡ lẫn nhau tại cộng đồng chưa thực sự phát huy. Nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo với lãi suất ưu đãi còn hạn chế... Để tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền đồng thời tập trung thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng giảm nghèo và giảm nghèo bền vững. Trong đó, chú trọng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; tranh thủ mọi nguồn vốn của Nhà nước và xã hội để đầu tư cho các dự án, mô hình giảm nghèo; áp dụng cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án, chế độ, chính sách, phong trào giảm nghèo ở từng địa phương đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, đem lại hiệu quả thiết thực./.

Bài và ảnh: Minh Tân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com