Nâng cao hiệu quả điều trị bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV

09:01, 12/01/2018

Thực hiện Quyết định 2188/QĐ-TTg ngày 15-11-2016 quy định về việc thanh toán thuốc ARV từ BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng vi-rút HIV, các ngành chức năng của tỉnh đã tích cực vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT. Đến nay, tỷ lệ tham gia BHYT của bệnh nhân điều trị ARV trên địa bàn tỉnh là 87,4%.

BHYT được xác định là giải pháp bền vững cho việc đảm bảo điều trị HIV/AIDS nói chung và điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV nói riêng. Theo quy định hiện hành, thuốc ARV nằm trong danh mục thuốc được BHYT chi trả cho người nhiễm HIV khi đi khám bệnh. Theo đó, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo... được BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Người nhiễm HIV chỉ phải chi trả tối đa là 20% tiền chữa bệnh. Người nhiễm HIV khi mua BHYT sẽ được hưởng nhiều lợi ích trong nhiều dịch vụ y tế như khám bệnh, làm xét nghiệm HIV, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con (bao gồm cả tiền thuốc và chi phí xét nghiệm) và các dịch vụ kỹ thuật khác thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT. Do đó, nếu không tham gia BHYT, người nhiễm HIV rất khó có đủ khả năng để chi trả bởi nếu không có thẻ BHYT, một người nhiễm HIV phải chi trả hàng chục triệu đồng mỗi năm cho các chi phí thuốc ARV, xét nghiệm…

Bệnh nhân HIV làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT tại Phòng khám Chuyên khoa HIV/AIDS và Điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.
Bệnh nhân HIV làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT tại Phòng khám Chuyên khoa HIV/AIDS và Điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

Tại Phòng khám Chuyên khoa HIV/AIDS và Điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, có 646 bệnh nhân nhiễm HIV đang được quản lý, theo dõi điều trị, trong đó 602 bệnh nhân có thẻ BHYT. Từ tháng 4-2017 đến nay, Phòng khám đã triển khai thanh toán phí khám, chữa bệnh cho 1.112 lượt bệnh nhân có HIV qua thẻ BHYT. Phòng khám cũng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quá trình khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân, cán bộ được tập huấn bài bản, nhiệt tình trong công việc. Tuy nhiên, từ thực tiễn khám, chữa bệnh khó khăn đặt ra là nhiều bệnh nhân đi làm ăn xa nên khó có thể tái khám đúng lịch hẹn để thanh toán thuốc và các dịch vụ y tế qua thẻ BHYT. Một số người bị bắt vào trại giam, trại tạm giam nên khó khăn trong việc hỗ trợ tuân thủ điều trị và các thủ tục để tiếp tục thanh toán chi phí điều trị qua quỹ BHYT. Phần lớn bệnh nhân khi phát hiện mắc HIV đều mắc nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội nặng phải nằm điều trị nội trú tại các cơ sở y tế chuyên khoa, gây khó khăn khi đến kỳ tái khám, cấp thuốc theo BHYT tại cơ sở điều trị HIV/AIDS... Với những bệnh nhân làm việc cho các doanh nghiệp thì thẻ BHYT thường cấp muộn nên cũng khó khăn cho việc thanh quyết toán BHYT... Bên cạnh đó, việc kiện toàn các cơ sở y tế điều trị HIV/AIDS để thuận lợi cho việc ký hợp đồng và thanh toán các chi phí điều trị cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT qua quỹ BHYT cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều cơ sở điều trị HIV/AIDS trước đây thuộc hệ thống y tế dự phòng nên cán bộ y tế chưa có chứng chỉ hành nghề riêng về điều trị HIV. Một số cơ sở điều trị HIV/AIDS tại bệnh viện (trước khi chưa sáp nhập) hoạt động theo dự án, khi chuyển sang khám, chữa bệnh BHYT phải được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ, bổ sung hợp đồng khám, chữa bệnh HIV/AIDS mới đủ điều kiện thanh toán BHYT… Đặc biệt, độ bao phủ BHYT cho đối tượng này cũng gặp khó khăn do tâm lý sợ lộ thông tin của người bị bệnh. Nhiều người nhiễm HIV/AIDS sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên không muốn cung cấp thông tin để tham gia BHYT, một số bệnh nhân tuy có thẻ BHYT nhưng sẵn sàng bỏ tiền ra khám, chữa bệnh hoặc đến nơi không được hưởng BHYT để che giấu tình trạng bệnh. Ngoài ra, nhiều người nhiễm HIV chưa sẵn sàng mua thẻ BHYT do còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các dự án. Với 12,6% bệnh nhân có HIV trên toàn tỉnh đang điều trị ARV tại các cơ sở y tế chưa có thẻ BHYT, khi các dự án ngừng viện trợ vào năm 2018 sẽ không có điều kiện tiếp tục được điều trị ARV. Như vậy, khi không còn nguồn tài trợ quốc tế, BHYT sẽ giúp người nhiễm HIV được tiếp tục điều trị ARV. Vì vậy, người nhiễm HIV cần chủ động tham gia BHYT để tự bảo vệ tính mạng và sức khỏe chính mình.

Năm 2018, với mục tiêu đặt ra là 95% người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với dịch vụ khám, chữa bệnh HIV/AIDS thông qua BHYT. Để đảm bảo chất lượng điều trị người nhiễm HIV/AIDS, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cần mua sắm, nâng cấp trang thiết bị y tế tại Phòng khám Chuyên khoa HIV/AIDS và Điều trị nghiện chất theo danh mục phân tuyến kỹ thuật Bộ Y tế quy định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT để tăng tỷ lệ người nhiễm HIV được chi trả thông qua BHYT. Vận động nguồn kinh phí hỗ trợ mua thẻ BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS đảm bảo 100% người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT theo chỉ đạo của Chính phủ./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com