Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế

07:01, 18/01/2018

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, từ năm 2016, Sở Y tế và BHXH tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý khám chữa bệnh (KCB) và thanh toán BHYT nhằm tăng cường quản lý cung ứng dịch vụ y tế, sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT và kiểm soát tốt việc thông tuyến. Việc ứng dụng CNTT giúp tăng cường năng lực hoạt động của cán bộ, giúp người quản lý nắm bắt thông tin nhanh, chính xác; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, loại bỏ bớt các hoạt động trung gian, tạo điều kiện cho hoạt động KCB BHYT nhanh chóng, thuận tiện.

Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động KCB và thanh toán BHYT trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Qua tìm hiểu thực tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ý Yên, chúng tôi được biết, từ ngày 7-2-2017, bệnh viện đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý KCB (HIS) vào phục vụ KCB và thanh toán BHYT. Việc ứng dụng phần mềm HIS đã đáp ứng yêu cầu các báo cáo của BHXH, cùng với việc gửi dữ liệu lên cổng giám định điện tử. Phần mềm quản lý KCB của nhà mạng VNPT chuyển tải kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện khi Bộ Y tế, BHXH Việt Nam có thay đổi, đội ngũ hỗ trợ kịp thời nhiệt tình nhanh nhẹn. Việc ứng dụng CNTT vào KCB và thanh toán BHYT đã rút ngắn thời gian chờ đợi khám bệnh của bệnh nhân, giúp quản lý được quỹ KCB BHYT do liên thông giữa bệnh viện và 32 trạm y tế khi sử dụng chung phần mềm HIS. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT cũng gặp không ít khó khăn như: Chưa có báo theo khoa, phòng đối với bệnh nhân không có thẻ BHYT; chưa thống kê được thuốc tồn đối với bệnh nhân đang điều trị tại các khoa lâm sàng ở thời điểm chốt tháng. Bệnh viện Tâm thần tỉnh thực hiện ứng dụng phần mềm HIS Gataway vào phục vụ KCB và thanh toán BHYT từ ngày 15-6-2017. Hằng ngày vào cuối ngày, bệnh viện tổng hợp bệnh nhân thuộc đối tượng bảo hiểm thanh toán với cổng gdbhyt.baohiemxahoi.gov.vn và trực tiếp đẩy lên cổng Bộ Y tế (phần mềm HIS Gataway). Việc triển khai ứng dụng phần mềm này có thuận lợi là để giám sát, theo dõi được bệnh nhân sử dụng thẻ bảo hiểm thanh toán không trùng lặp với các bệnh viện khác. Tuy nhiên việc ứng dụng cũng gặp khó khăn như: Khi phát hiện bệnh nhân sai, xóa trên cổng gdbhyt.baohiemxahoi.gov.vn và đẩy lại thì trên cổng (phần mềm HIS Gataway) vẫn tiếp nhận và không đè lên file bệnh nhân trùng, dẫn đến tổng số bệnh nhân tăng. Ví dụ, ngày 15-6-2017 có 8 bệnh nhân được đẩy lên thanh toán bảo hiểm ở cổng gdbhyt.baohiemxahoi.gov.vn phát hiện có 1 bệnh nhân sai và xóa đẩy lại thì trên cổng Bộ Y tế phần mềm HIS Gataway lại là 9 bệnh nhân... Ngoài ra qua phản ánh của một số cơ sở KCB khác trong tỉnh, hệ thống dữ liệu danh mục dùng chung của ngành y tế chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện do các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế thường xuyên bổ sung, thay đổi, dẫn đến khó khăn cho các đơn vị trong triển khai thực hiện thống nhất đồng bộ với các cơ sở khác. Một số văn bản hướng dẫn do BHXH Việt Nam ban hành chưa thống nhất với Bộ Y tế và chưa phù hợp với thực tiễn. Do đó, khi triển khai áp dụng gây lúng túng, khó khăn cho các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, về vấn đề cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các đơn vị y tế, máy tính được mua sắm ở nhiều thời điểm khác nhau nên vừa yếu về cấu hình, vừa thiếu về số lượng. Hệ thống mạng LAN trong cơ sở y tế chưa hoàn thiện, tốc độ đường truyền internet còn thấp, không ổn định, chưa có thiết bị để chia dải mạng LAN. Phần mềm HIS đang sử dụng tại các cơ sở KCB do nhiều doanh nghiệp CNTT cung cấp, nhiều phần mềm không được chỉnh sửa, cập nhật kịp thời để phù hợp với yêu cầu trích xuất dữ liệu quy định... Mặt khác, đội ngũ cán bộ y tế chủ yếu được đào tạo về chuyên môn y khoa nhưng ít được đào tạo về CNTT. Đặc biệt ở tuyến y tế cơ sở, nguồn nhân lực CNTT vừa yếu về thực hành CNTT và thiếu về số lượng, chưa đáp ứng trước yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT trong KCB và thanh toán BHYT…

Ngày 12-10-2017, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4210/QĐ-BYT quy định “chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý và giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT” giúp các cơ sở KCB chỉ phải áp dụng và thực hiện theo một chuẩn duy nhất. Đồng thời, các cổng tiếp nhận dữ liệu cũng đã xây dựng và đăng tải tài liệu hướng dẫn kỹ thuật để các cơ sở KCB trích xuất dữ liệu KCB BHYT theo chuẩn định dạng dữ liệu mới để chuyển lên Cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế và Cổng tiếp nhận dữ liệu thuộc hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam. Ngày 30-10-2017, Bộ Y tế đã ban hành công văn gửi các cơ sở KCB trong toàn quốc đề nghị các đơn vị kiểm thử gửi dữ liệu lên các cổng tiếp nhận của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sau khi cập nhật, điều chỉnh phần mềm HIS theo chuẩn mới, qua đó rút kinh nghiệm để hoàn thiện phần mềm và cổng tiếp nhận. Đến nay, hầu hết các đơn vị KCB ký hợp đồng KCB BHYT trên địa bàn tỉnh (gồm trên 30 cơ sở y tế tuyến tỉnh, 11 cơ sở y tế tuyến huyện, 229 trạm y tế xã, phường, thị trấn có tổ chức KCB BHYT ban đầu) đều đã triển khai hạ tầng CNTT, phần mềm kết nối liên thông dữ liệu KCB thanh toán BHYT và đã cập nhật thành công dữ liệu KCB thanh toán BHYT lên cổng tiếp nhận của các cơ quan chức năng, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ tại cơ sở y tế, nâng cao ý thức của cán bộ, nhân viên y tế trong thực hiện các quy chế chuyên môn. Đặc biệt, các đơn vị đã tích cực ứng dụng CNTT để cùng xây dựng một hệ thống kết nối liên thông KCB BHYT trong toàn quốc. Hiện tại, các cơ sở y tế đang tiếp tục cập nhật, hoàn thiện phần mềm theo chuẩn quy định để đảm bảo dữ liệu trích xuất và kết nối giữa cơ sở KCB với Bộ Y tế và với cơ quan BHXH đạt kết quả cao nhất. Tỷ lệ kết nối liên thông và thực hiện giám định điện tử trong toàn tỉnh đạt 100% ở các cơ sở KCB đã ký hợp đồng KCB BHYT.

Để tiếp tục giải quyết những vướng mắc, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm (lạm dụng kỹ thuật, trục lợi) và xử lý vi phạm nếu cơ quan BHXH từ chối thanh toán hợp lý của bệnh nhân và bệnh viện. Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động y tế cơ sở để tăng cường việc phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu và chữa các bệnh thông thường, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như: cao huyết áp, tiểu đường… để người dân có thể lấy thuốc ngay tại trạm y tế cơ sở mà không phải lên tuyến trên. Quan tâm đầu tư, ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành lĩnh vực KCB. Vận dụng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, xây dựng Đề án phát triển và ứng dụng CNTT trong ngành y tế trong giai đoạn tới. Tuyển dụng cán bộ, tăng cường đào tạo bồi dưỡng nâng cao về kiến thức CNTT cho cán bộ, hoàn chỉnh về mặt tổ chức bộ phận có vị trí việc làm về CNTT trong các đơn vị KCB./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com