Bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa Nam Định để đẩy mạnh phát triển du lịch

08:12, 18/12/2017

Nam Định là tỉnh đồng bằng ven biển, có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng phong phú cùng với những điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội thuận lợi tạo nên yếu tố nguồn lực để phát triển du lịch với tốc độ nhanh, bền vững.

Nằm ở trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng, trong suốt quá trình hình thành và phát triển gắn liền với tiến trình lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, nơi đây đã hình thành kho tàng di sản văn hóa khá đồ sộ, đa dạng, phong phú vừa mang nét chung của văn hóa người Việt cổ, của nền văn minh lúa nước sông Hồng, vừa mang nét riêng của vùng đất tiếp giáp với biển cả, là nơi đầu tiên giao lưu với văn hóa ngoại lai.

Về di sản văn hóa vật thể, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 2.300 di tích lịch sử văn hoá cách mạng, trong đó 349 di tích đã được Nhà nước xếp hạng gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt, 81 di tích quốc gia và 266 di tích cấp tỉnh. Nhiều quần thể di tích có giá trị lịch sử, văn hoá và kiến trúc có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như: quần thể di tích văn hoá Trần, Phủ Dầy, Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Chùa Cổ Lễ, Chùa Keo Hành Thiện, Cầu Ngói, Chùa Lương… Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có hơn 400 nhà thờ Thiên Chúa giáo, tập trung chủ yếu ở các huyện phía nam tỉnh (Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng) vừa đa dạng về quy mô vừa độc đáo về kiểu dáng kiến trúc tạo nét đẹp thanh bình cho làng quê được du khách trong nước và quốc tế rất thích thú mỗi khi có dịp đến tham quan. Bên cạnh các di tích danh thắng, tỉnh Nam Định còn có gần 100 làng nghề với các ngành nghề truyền thống lâu đời trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng như đúc đồng Tống Xá, sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên, ươm tơ Cổ Chất, dệt Cự Trữ, cây cảnh Vị Khê, kèn đồng Xuân Tiến, Hải Minh… Một số làng nghề đã trở thành điểm đến tham quan hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Đồng chí Khúc Mạnh Kiên (hàng đầu, thứ hai từ phải sang),Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH, TT và DL tỉnh Nam Định tiếp đoàn khách du lịch tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần Chùa Phổ Minh. Ảnh: Đăng Khoa
Đồng chí Khúc Mạnh Kiên (hàng đầu, thứ hai từ phải sang),Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH, TT và DL tỉnh Nam Định tiếp đoàn khách du lịch tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần Chùa Phổ Minh. Ảnh: Đăng Khoa

Di sản văn hóa phi vật thể được lưu giữ, bảo tồn trên vùng đất Nam Định cho đến nay bao gồm các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian, lễ hội truyền thống, các làng nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trò chơi dân gian… Có thể liệt kê các di sản văn hóa tiêu biểu của Nam Định về nghệ thuật diễn xướng gồm các loại hình dân ca, dân vũ: hát chèo, hát văn, nghệ thuật múa rối nước, rối đầu gỗ,, nhạc kèn... Về lễ hội có các lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội văn hóa, lễ hội làng nghề. Hằng năm, tại các địa phương trong tỉnh diễn ra hơn một trăm lễ hội tổ chức vào dịp nông nhàn đầu xuân, cuối thu. Nhiều lễ hội có quy mô lớn được tổ chức với các nghi lễ trang trọng và phần hội mang đậm bản sắc truyền thống địa phương thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách tham gia như lễ hội Đền Trần, lễ hội Phủ Dầy, Hội chợ Viềng Xuân, lễ hội Chùa Cổ Lễ, Chùa Keo Hành Thiện, Chùa Lương (Hải Hậu), Đền Gin, Hội làng cây cảnh Vị Khê (Nam Trực). Các trò chơi dân gian có thi bơi chải, thả diều sáo, Hoa trượng hội, đánh cờ người, cờ đèn dưới nước, thổi cơm thi, thi cọ lửa, thi bắt vịt, đi cà kheo… thường được tổ chức trong các lễ hội.

Trong kho tàng di sản văn hóa Nam Định không thể không nhắc đến văn hóa ẩm thực mang nét đặc trưng của người Thành Nam: Đó là phở bò Nam Định, bún đũa đã được sách kỷ lục Việt Nam đưa vào Top 100 món ăn đặc sản tiêu biểu của cả nước, bánh cuốn Làng Kênh, nem nắm Giao Thủy, kẹo lạc Sìu Châu, bánh nhãn Hải Hậu, gạo tám Xuân Đài… được thực khách rất ưa chuộng.

Tập trung bảo tồn, khai thác phát huy giá trị tài nguyên du lịch nhân văn là một hướng quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Nam Định. Với định hướng đó, trong những năm qua, ngành VH, TT và DL Nam Định đã tập trung khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa để hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng phục vụ du khách. Các khu du lịch văn hóa lịch sử Đền Trần, Chùa Phổ Minh, Phủ Dầy, Đền Bảo Lộc, Chùa Cổ Lễ, Chùa Keo Hành Thiện, làng cây cảnh Vị Khê, làng nghề đúc đồng Tống Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên đã được quy hoạch thành điểm du lịch quốc gia, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh Nam Định trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của cả nước và của tỉnh. Ngoài việc tuyên truyền quảng bá cho các sản phẩm du lịch văn hóa, ngành còn làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, các bộ, ngành Trung ương đầu tư, tu bổ, tôn tạo bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Ngành đã tiến hành kiểm kê các di sản văn hóa, lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH, TT và DL cấp Bằng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích lịch sử văn hóa Đền Trần - Chùa Phổ Minh, kiến trúc Chùa Keo Hành Thiện; công nhận Nghi lễ hát văn của người Việt và Lễ hội Phủ Dầy là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Di sản “Thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” do tỉnh Nam Định đại diện xây dựng, trình đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2016. Đây là niềm vinh dự lớn đối với ngành VH, TT và DL Nam Định và cả nước bởi vì các di sản văn hóa của Việt Nam sau khi được thế giới công nhận luôn được đánh giá cao và được định hướng khai thác để phát triển trở thành các khu, điểm du lịch có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, làm động lực cho sự phát triển du lịch của cả nước và của các địa phương có di sản.

Bên cạnh đó, để phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch, ngành VH, TT và DL  Nam Định cũng luôn quan tâm tăng cường công tác quản lý, tổ chức các lễ hội theo đúng thuần phong mỹ tục, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Trong những năm qua, ngành VH, TT và DL đã phối hợp với UBND Thành phố Nam Định triển khai Đề án tổ chức Lễ hội Đền Trần đạt kết quả tốt, khắc phục được tình trạng chen lấn, xô đẩy gây phản cảm, bức xúc trong dư luận xã hội. Ngành cũng đã tạo điều kiện cho các loại hình văn hóa ở cơ sở, các trò chơi dân gian được khôi phục, phát triển phục vụ nhu cầu thưởng thức của khách du lịch. Từ năm 2009 đã chỉ đạo, phối hợp tổ chức 5 hội thi diều sáo các tỉnh đồng bằng sông Hồng kết hợp trình diễn nghệ thuật diều Huế, diều quốc tế. Đặc biệt Hội thi Diều sáo các tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2013 tổ chức tại khu du lịch biển Quất Lâm với sự tham gia của 19 đội diều sáo đến từ 11 tỉnh, thành phố trong khu vực là điểm nhấn trong chương trình Năm Du lịch quốc gia. Trong nhiều năm gần đây, ngành đã chỉ đạo tổ chức các hoạt động trưng bày, đấu giá cổ vật vừa tạo cơ hội giao lưu, trao đổi cho những người có cùng thú chơi và đam mê cổ vật vừa tạo ra sản phẩm du lịch mới phục vụ khách du lịch đến Nam Định vào các dịp đầu xuân, năm mới.

Với những nỗ lực, cố gắng trong việc khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch trong đó có sản phẩm du lịch văn hóa của ngành VH, TT và DL, trong những năm qua lượng khách du lịch đến Nam Định đều duy trì mức tăng trưởng bình quân trên 10% năm và ước đạt hơn 2,4 triệu lượt vào năm 2017. Lượng khách du lịch văn hóa tâm linh đến Nam Định bình quân mỗi năm đạt trên 1,5 triệu lượt, thuộc nhóm các tỉnh có lượng du khách tham quan du lịch lễ hội lớn trong cả nước.

Để du lịch văn hóa tiếp tục phát triển đem lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động du lịch của tỉnh góp phần thỏa mãn nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và du khách nhiệm vụ đặt ra đối với ngành VH, TT và DL trong thời gian tới là:

- Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch, đảm bảo thực hiện đúng các quan điểm phát triển du lịch văn hóa đặc biệt du lịch văn hóa tâm linh mang lại những giá trị tinh thần tiến bộ cho xã hội, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững; Tập trung tuyên truyền thực hiện tốt Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và các chương trình hành động của Bộ VH, TT và DL.

- Tăng cường công tác quản lý lễ hội theo các văn bản quy định của Nhà nước đã ban hành. Thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý và tổ chức lễ hội của Bộ VH, TT và DL và chỉ đạo của UBND tỉnh hằng năm về “Tăng cường công tác quản lý và tổ chức các hoạt động lễ hội”;

- Tập trung nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa để huy động nguồn lực đầu tư vào các khu, điểm du lịch tâm linh. Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tâm linh, đặc biệt về tín ngưỡng, tôn giáo và những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với điểm tâm linh tạo ra yếu tố hấp dẫn đặc sắc mang tính đặc trưng để thu hút khách du lịch;

- Đầu tư nâng cấp, phát triển hệ thống cơ sở dịch vụ đảm bảo chất lượng, tiện nghi, hài hòa với không gian và tính chất khu, điểm du lịch văn hóa, tổ chức cung cấp dịch vụ tại điểm du lịch tâm linh và tăng cường quản lý điểm du lịch tâm linh;

- Tích cực xúc tiến quảng bá loại hình du lịch văn hóa tâm linh trong mối liên kết phát triển với các loại hình du lịch khác;

- Thực hiện chương trình liên kết phát triển du lịch giữa các điểm du lịch văn hóa của các tỉnh Quảng Ninh - Hải Dương - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình - Hà Nội;

- Phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, mang lại sự hưởng lợi tối đa cho cộng đồng dân cư tại điểm du lịch tâm linh. Phổ biến kiến thức, kinh nghiệm cho cộng đồng dân cư các địa phương có các khu, điểm du lịch tâm linh trong việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với điểm du lịch tâm linh.

Phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các giá trị di sản văn hóa là phát huy các giá trị văn hoá tinh thần mang bản sắc văn hóa của mọi vùng, miền, địa phương phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu, học tập, giao lưu trao đổi của khách du lịch trong nước và quốc tế. Nói cách khác là phát triển du lịch vì mục tiêu văn hoá đồng thời phát huy giá trị di sản văn hóa hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành du lịch Nam Định theo hướng bền vững./.

Khúc Mạnh Kiên
TUV, Giám đốc Sở VH, TT và DL tỉnh Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com