Bác sĩ của những "bệnh nhân đặc biệt"

05:12, 16/12/2017

Tốt nghiệp Trường Đại học Y Thái Bình, bác sĩ Nguyễn Quang Trung về công tác tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Do yêu cầu công việc, năm 2009, anh chuyển về làm tại Khoa Quản lý điều trị, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. Đầu năm 2016, anh được điều chuyển về Phòng khám Chuyên khoa HIV/AIDS và Điều trị nghiện chất của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh và được phân công trực tiếp thăm khám, chẩn đoán, điều trị, tư vấn cho bệnh nhân điều trị HIV/AIDS và điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

Bác sĩ Nguyễn Quang Trung khám bệnh cho bệnh nhân HIV.
Bác sĩ Nguyễn Quang Trung khám bệnh cho bệnh nhân HIV.

Phòng khám Chuyên khoa HIV/AIDS và Điều trị nghiện chất hiện đang quản lý điều trị cho 250 bệnh nhân HIV/AIDS và 680 bệnh nhân điều trị Methadone. Trung bình mỗi ngày, anh và đồng nghiệp khám cho 20-30 bệnh nhân HIV/AIDS. Với áp lực công việc, anh luôn tự nhủ phải học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp với người bệnh. Đặc biệt, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS thường là những đối tượng phức tạp, đủ mọi thành phần, từ người nghiện chích ma túy, dân “anh chị”, người mới ra tù, người hành nghề mại dâm…; mỗi bệnh nhân là một mảnh đời có hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung nhất ở họ là sự mặc cảm, nỗi lo sợ bị kỳ thị, xa lánh của cộng đồng nên khi vào điều trị, họ đều phải che dấu thân phận. Tiếp xúc với những bệnh nhân “đặc biệt” đó, các anh gặp không ít khó khăn. Có bệnh nhân là dân “anh chị”, yêu cầu bác sĩ cho khám trước chứ không muốn xếp hàng để khám. Khi yêu cầu không được đáp ứng, họ vô cớ nổi cáu, chửi mắng; thậm chí có trường hợp bệnh nhân đập mũ bảo hiểm vào đầu, ném chìa khóa vào mặt bác sĩ… Có bệnh nhân khi biết được bệnh tình của mình thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng, thân thể lở loét do bị nhiễm trùng cơ hội, và lúc đó, chính những người thân trong gia đình bệnh nhân lại ghẻ lạnh, xa lánh họ... Còn có trường hợp khi biết mình bị nhiễm HIV thì rất bi quan, chán nản và nhiều lần tìm đến cái chết. Trường hợp khác như một phụ nữ lớn tuổi ở Ý Yên bị nhiễm HIV từ chồng (đã mất do nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS) nhưng không hề biết bởi bản thân là người thật thà, chất phác, cả đời chỉ quanh quẩn với việc bếp núc, đồng áng. Để tránh cho mẹ bị sốc về tâm lý, những người con đã đưa bà lên chữa trị và đã chủ động trao đổi để bác sĩ hợp tác trong quá trình điều trị và giấu bệnh không cho mẹ biết. Cũng có trường hợp cán bộ y tế do tai nạn nghề nghiệp đã bị nhiễm HIV trong quá trình cấp cứu bệnh nhân; có trường hợp bị nhiễm HIV do cứu giúp người bị tai nạn mà không biết họ bị nhiễm HIV… Còn rất nhiều hoàn cảnh nhiễm HIV khác nhau nhưng nhìn chung khi biết bệnh tình của mình, họ đều có tâm lý chán nản, có người tỏ ra bất cần; nhiều người không tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra, không tuân theo quy trình khám, đến khám không đúng lịch hẹn…

Với những trường hợp trên, bác sĩ Trung luôn tự nhủ bệnh nhân cư xử như vậy do không ổn định tâm lý, nguyên nhân là do tình trạng bệnh lý, từ đó anh luôn nhắc nhở đồng nghiệp phải biết kiềm chế, đặt mình vào nỗi đau và tình trạng bệnh của họ để cảm thông, từ đó ân cần thăm hỏi, động viên, an ủi để giúp họ điều trị. Theo bác sĩ Trung, với những áp lực đó, người cán bộ y tế phải thực sự tâm huyết, yêu nghề mới trụ lại được ở môi trường phức tạp như vậy. Và để bệnh nhân cởi mở, bộc bạch hoàn cảnh của bản thân, từ đó hợp tác trong quá trình điều trị, người thầy thuốc phải ân cần thăm hỏi, động viên, kết hợp điều trị bằng thuốc và cả bằng liệu pháp tâm lý để vừa có thể điều trị cho bệnh nhân, vừa tư vấn cho họ cách phòng tránh lây nhiễm HIV cho người khác. Trong quá trình điều trị, bác sĩ Trung nhận thấy đa số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đều có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn trong khi đó lại phải điều trị lâu dài, nên anh luôn nhắc nhở bệnh nhân tham gia BHYT để giảm chi phí điều trị. Đến nay, tại phòng khám do anh quản lý, đã có 190/250 bệnh nhân HIV/AIDS tham gia BHYT (đạt tỷ lệ 76%). Trong công việc, bác sĩ Trung luôn được bệnh nhân và người nhà người bệnh tin tưởng, quý mến, đồng nghiệp ghi nhận. Và anh mong muốn cộng đồng hãy nhìn nhận đúng mực về những người có HIV và cùng chung tay góp sức giúp cho cuộc sống của họ bớt đi mặc cảm, đau đớn và cùng tuyên truyền để nâng cao ý thức trách nhiệm của người bị nhiễm HIV/AIDS trong việc phòng tránh lây nhiễm cho người thân và cộng đồng.

 Công việc khó khăn vất vả, nguy cơ lây nhiễm cao trong quá trình thăm khám cho bệnh nhân nhưng bác sĩ Nguyễn Quang Trung và đồng nghiệp luôn tận tâm, hết lòng với công việc. Bên cạnh việc trực tiếp thăm khám, chẩn đoán, điều trị, tư vấn định kỳ cho những bệnh nhân đang được quản lý, theo dõi điều trị tại phòng khám, với chức năng, nhiệm vụ được giao, anh còn chủ trì, phối hợp với khoa, phòng khác của Trung tâm lập kế hoạch chuyển tiếp điều trị sang cơ sở cấp phát tại Trung tâm Y tế Thành phố Nam Định cho các bệnh nhân đang duy trì liều điều trị Methadone; hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật cho cơ sở cấp phát Methadone; phối hợp với Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh sàng lọc, phát hiện mắc bệnh lao cho các bệnh nhân nghiện chất dạng thuốc phiện hiện đang quản lý, theo dõi điều trị tại phòng khám để phát hiện bệnh nhân mắc bệnh lao đưa vào chương trình điều trị lao nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm lao trong cộng đồng. Anh còn tham gia công tác đào tạo, nâng cao năng lực và nghiên cứu khoa học như: Hướng dẫn sinh viên Đại học Y, Dược Thái Bình thực tập về công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Trung tâm; tham gia giảng các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS; tham gia nghiên cứu đề tài về “Đánh giá sự tuân thủ điều trị HIV/AIDS của bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại Phòng khám Ngoại trú Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định”...

Với những nỗ lực trong công việc, bác sĩ Nguyễn Quang Trung đã thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ, nhân viên y tế “Lương y phải như từ mẫu”, điều trị bệnh nhân, người nhiễm HIV với thái độ hòa nhã, tôn trọng. Anh và đồng nghiệp đã góp phần xây dựng môi trường làm việc của ngành y thân thiện, hướng tới sự hài lòng của người bệnh./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com