Tăng cường quản lý an toàn xây dựng công trình tôn giáo, tín ngưỡng

08:11, 06/11/2017

Việc xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng có yêu cầu cao về an toàn cộng đồng nên có những yêu cầu đặc thù trong thi công cần được đặc biệt quan tâm. Qua thống kê sơ bộ của ngành Xây dựng, đến nay toàn tỉnh có hơn 1.000 công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Là nơi tập trung đông người thường sử dụng các vật liệu xây dựng là những loại dễ gây cháy, nổ nên loại công trình này càng đòi hỏi yêu cầu cao về an toàn thi công và phòng chống cháy nổ.

Đầu tháng 8-2017, nhà thờ xứ Trung Lao xã Trung Đông (Trực Ninh) với tuổi đời hơn 130 năm, có thiết kế độc đáo với hệ thống khung cột hoàn toàn làm bằng gỗ bất ngờ cháy rụi giữa đêm khuya. Mọi nỗ lực dập lửa cứu công trình đều không thành. Rất may thời điểm cháy vào đêm nên không gây thương vong về người. Vụ việc tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn xây dựng và phòng chống cháy nổ của các công trình tôn giáo trên địa bàn tỉnh ta. Để tăng cường kiểm soát chất lượng của các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, phòng ngừa sự cố xảy ra trong quá trình thi công, khai thác và sử dụng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương phối hợp tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá thực hiện các quy định về quản lý đầu tư xây dựng và chất lượng các công trình này. 9 tháng đầu năm 2017, Sở Xây dựng đã tiến hành tiếp nhận và cấp giấy phép xây dựng cho 8 công trình tôn giáo như nhà thờ giáo họ Tân Khai tại xã Giao Hải (Giao Thủy) với tổng diện tích 530m2; di tích chùa Trà Lũ Trung tại xã Xuân Bắc (Xuân Trường); ngôi chính điện chùa Hàn Sơn, phường Thống Nhất (TP Nam Định)... Hồ sơ xin phép xây dựng đã được rà soát thẩm định kỹ các nội dung theo đúng quy định hiện hành gồm: đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo mẫu; giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo; hai bộ bản vẽ thiết kế được trích từ bản vẽ thiết kế thi công có xác nhận của tổ chức, cá nhân thiết kế; bản vẽ các mặt bằng, các mặt đứng và mặt cắt chủ yếu của công trình, tỷ lệ 1/50-1/200; bản vẽ mặt bằng móng tỷ lệ 1/100-1/200 và mặt cắt móng tỷ lệ 1/50, các bản vẽ kết cấu chịu lực chính tỷ lệ 1/100-1/200, kèm theo sơ đồ đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật về giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, tỷ lệ 1/50-1/200; bản vẽ hệ thống PCCC tỷ lệ 1/50-1/200, được đóng dấu thẩm duyệt của cơ quan chức năng; chứng nhận năng lực của đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thẩm tra thiết kế. Bên cạnh đó, riêng về công tác PCCC trong các công trình tôn giáo, Sở cũng hướng dẫn các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo phụ lục II và IV kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31-7-2014 của Chính phủ. Theo đó, danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ được xác định là các công trình có hạng mục hay bộ phận chính nếu xảy ra cháy nổ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn bộ cơ sở, công trình. Hoặc cơ sở có tổng diện tích hay khối tích của hạng mục, bộ phận chiếm từ 25% tổng diện tích trở lên hoặc khối tích của toàn bộ cơ sở, công trình mà các hạng mục hay bộ phận đó trong quá trình hoạt động thường xuyên có số lượng chất nguy hiểm cháy, nổ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn...

Mặc dù vậy, công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng an toàn các công trình tôn giáo, tín ngưỡng còn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc khó kiểm soát do thiếu thống nhất giữa văn bản hướng dẫn của các ngành liên quan. Trên thực tế, không ít chủ đầu tư công trình bỏ qua khâu xin cấp phép xây dựng ở Sở Xây dựng mà chỉ trình xin ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo để được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Sở dĩ có tình trạng này là do các công trình tôn giáo, tín ngưỡng đều sử dụng nguồn vốn xã hội hóa nên việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng khi phát hiện xây dựng không phép hầu như không có hiệu lực. Cũng do không xin cấp phép xây dựng nên không có sự tham gia của cơ quan chuyên môn xây dựng vào việc thẩm định đánh giá hồ sơ thiết kế, năng lực nhà thầu… không được thực hiện theo các tiêu chuẩn quy định. Không cấp phép, không quyết định đầu tư nên cơ quan quản lý Nhà nước cũng khó tham gia kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng. Công tác quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình chưa được kiểm soát chặt chẽ do nhóm công trình tôn giáo, tín ngưỡng không có trong danh mục công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng quy định tại phụ lục 2 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện tại, đối với công trình có xin giấy phép xây dựng, cơ quan chuyên môn về xây dựng cũng mới chỉ kiểm soát được chất lượng các công trình này trong bước thiết kế.

 Thời gian tới, nhằm tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng và đảm bảo an toàn trong vận hành, sử dụng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, Sở Xây dựng tham mưu với UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố phải tăng cường kiểm tra, rà soát, bắt buộc chủ đầu tư thực hiện nghiêm các quy định về cấp phép xây dựng, an toàn thi công, phòng chống cháy nổ với các công trình tôn giáo tín ngưỡng. Các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, thanh tra, phổ biến hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện các quy định về Luật Xây dựng, Luật PCCC… đảm bảo các công trình đáp ứng tốt về thiết kế, mỹ thuật an toàn thực sự đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân./.

Đức Toàn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com