Quản lý chặt chẽ nguồn thực phẩm "đầu vào" tại các bếp ăn trường học

09:11, 14/11/2017

Toàn tỉnh hiện có 266 trường mầm non; 292 trường tiểu học; 237 trường THCS, 57 trường THPT, trong đó có khoảng trên 500 bếp ăn tập thể thuộc các trường học ở các khối, bao gồm 100% trường mầm non, 30% số trường tiểu học và một số trường THCS chuyên của các huyện tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Trước thực trạng ngộ độc thực phẩm (NĐTP) xảy ra ở bếp ăn tập thể, thời gian qua công tác đảm bảo ATTP cho bữa ăn bán trú tại trường học đang đặt ra ngày một cấp thiết.

Bữa ăn bán trú của các cháu Trường Mầm non Thống Nhất (TP Nam Định).
Bữa ăn bán trú của các cháu Trường Mầm non Thống Nhất (TP Nam Định).

Hiện tại hầu hết các trường có tổ chức ăn bán trú trên địa bàn tỉnh đều tự thực hiện tất cả các khâu từ chọn mua thực phẩm, sơ chế, chế biến, nấu nướng và ăn uống… mà không sử dụng dịch vụ cung cấp suất ăn sẵn từ bên ngoài. Do vậy, để đảm bảo ATTP cho bữa ăn bán trú tại các trường học, vấn đề nguồn thực phẩm “đầu vào” rất quan trọng. Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý ATTP và ngành GD và ĐT, hiện nay việc chọn mua thực phẩm được các nhà trường ký hợp đồng mua thực phẩm từ các tổ chức, cá nhân có uy tín để hạn chế các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các nhà trường tuân thủ mua thực phẩm từ các cơ sở cung cấp thực phẩm đúng theo hợp đồng đã ký và giao ước với các tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm phải đảm bảo chất lượng an toàn theo đúng cam kết trong hợp đồng. Để làm được điều này, bên cạnh ý thức tự giác, trách nhiệm của cả hai bên, đòi hỏi cần phải có vai trò giám sát, kiểm tra tích cực, thường xuyên công tác bảo đảm ATTP của Ban giám hiệu các nhà trường. Năm học 2017-2018, Trường Mầm non Thống Nhất (TP Nam Định) có 1 nhóm lớp nhà trẻ gồm 35 cháu, 9 lớp mẫu giáo với tổng số 490 cháu. Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn, nhà trường ký hợp đồng với Cty TNHH Chế biến thực phẩm Nhân Hòa để cung cấp các loại thực phẩm như gạo, thịt, cá, lươn, tôm, cua, vừng, lạc, đỗ xanh, chim bồ câu, các loại rau, củ, quả… Cty này đã có giấy chứng nhận ATTP và có xác nhận mẫu test các thực phẩm đảm bảo an toàn. Để giám sát được chất lượng thực phẩm, định kỳ, trường tổ chức tham quan cơ sở sản xuất rau, trang trại nuôi lợn, gà, cá của Cty tại xã Hải Anh (Hải Hậu). Định kỳ, trường thực hiện test nhanh hóa chất BVTV, chất bảo quản, thuốc trừ sâu, foocmol… trong thực phẩm mà Cty cung cấp và tới nay chưa phát hiện sai phạm. Để đảm bảo quy trình chế biến thực phẩm, Ban giám hiệu nhà trường luôn nhắc nhở nhân viên chế biến phải tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP trong quá trình tiếp nhận thực phẩm, quá trình chế biến, chia thức ăn cho trẻ. Định kỳ 1 năm 2 lần, trường kiểm định mẫu nước sinh hoạt, nước uống của học sinh tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Nhiều năm nay trường là đơn vị thực hiện tốt công tác đảm bảo ATTP, không để xảy ra NĐTP. Tại Trường Mầm non Nam Đào, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực), cô Đoàn Thị Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2017-2018, nhà trường có 4 nhóm lớp nhà trẻ với tổng số 60 cháu, 13 nhóm lớp mẫu giáo với gần 400 cháu. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã ký hợp đồng với các cơ sở cung cấp thực phẩm rau, thịt, sữa… đã được cấp giấy chứng nhận đảm bảo ATTP. Sau khi tiếp nhận thực phẩm, nhà trường luôn nhắc nhở nhân viên chế biến thực phẩm phải tuân thủ các quy trình chế biến thực phẩm, nấu ăn, chia đồ ăn cho học sinh. Việc rửa dụng cụ bếp, khay ăn của học sinh cũng đều phải tuân thủ theo các quy định về ATTP. Vào các đợt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, trong quá trình nuôi ăn bán trú, nhà trường xây dựng thực đơn hạn chế nguồn thực phẩm không an toàn và chuyển thực đơn sang các nguồn thực phẩm thay thế khác để đảm bảo ATTP và dinh dưỡng cho học sinh.

Để đảm bảo nguồn thực phẩm “đầu vào”, theo cán bộ Chi cục ATVSTP tỉnh, việc kiểm tra, kiểm duyệt nguồn gốc xuất xứ thực phẩm tại các trường phải được xem xét dựa trên các căn cứ: Tất cả các loại thực phẩm sử dụng trong nhà trường phải được mua từ các tổ chức, cá nhân ký hợp đồng với nhà trường. Các tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm này phải chấp hành đầy đủ các quy định hiện hành về ATTP. Các thực phẩm cung cấp phải đảm bảo chất lượng an toàn và được cơ quan quản lý ATTP cấp các giấy chứng nhận về ATTP tương ứng trong quá trình nuôi, trồng, thu hoạch, giết mổ, bảo quản. Thực phẩm cung cấp cho nhà trường phải có hóa đơn chứng từ hợp lệ hoặc sổ sách giao nhận thực phẩm cụ thể giữa người cung cấp và nhà trường. Thực phẩm phải được kiểm tra trước khi nhập, trước khi chế biến, trước khi ăn và ghi chép đầy đủ các thông tin trong sổ kiểm thực ba bước của nhà trường. Trong những năm qua, tại các bếp ăn tập thể trong trường học đã xảy ra một số trường hợp liên quan đến nguồn gốc, chất lượng an toàn của sản phẩm thực phẩm. Trong năm 2012 đã có 2 vụ NĐTP xảy ra tại 2 trường học có tổ chức ăn bán trú đều trên địa bàn huyện Xuân Trường. Đầu năm 2014 xảy ra 1 vụ ngộ độc sữa tại Trường Tiểu học Mỹ Tân (Mỹ Lộc). Năm 2015 xảy ra 1 vụ NĐTP bếp ăn tập thể trường học… Trước thực trạng trên, ngành Y tế và ngành GD và ĐT đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng chống NĐTP tại các trường học trên địa bàn. Đặc biệt, sữa là sản phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của học sinh trong các nhà trường, nhất là học sinh bậc học mầm non. Tuy nhiên việc mua sữa hiện nay do các nhà trường tự ký hợp đồng mua của các đại lý, nhà phân phối hoặc doanh nghiệp thông qua vai trò môi giới, chào hàng của các nhân viên tiếp thị. Mặt khác, trước thực trạng gần đây nhiều cơ sở giáo dục trên toàn quốc đã xảy ra tình trạng NĐTP, đặc biệt là từ Chương trình Sữa học đường miễn phí, ngày 6-11-2017, Sở GD và ĐT đã ban hành công văn về việc đảm bảo ATTP tại các cơ sở giáo dục, gửi Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc. Theo đó, Sở GD và ĐT yêu cầu các đơn vị kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm nhập vào các bếp ăn tập thể; thực hiện việc lưu mẫu thức ăn theo quy định. Đối với các tổ chức, cá nhân đến các cơ sở giáo dục để liên hệ về vấn đề thực phẩm, đặc biệt là Chương trình Sữa học đường miễn phí thì phải qua kiểm định về đảm bảo vệ sinh ATTP của Chi cục ATVSTP (Sở Y tế). Đồng thời với việc ban hành công văn chỉ đạo, định kỳ, Sở GD và ĐT, Sở Y tế phối hợp thanh tra, kiểm tra một số bếp ăn trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Qua thanh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm và xử lý, chấn chỉnh kịp thời. Ngoài ra, Sở Y tế thường xuyên phối hợp với Sở GD và ĐT, Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo đối với các trường có tổ chức bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống trong trường về trách nhiệm của Ban giám hiệu, của mỗi học sinh, giáo viên, cán bộ và nhân viên trong việc thực hiện theo các quy định hiện hành liên quan đến ATTP. Duy trì đảm bảo điều kiện vệ sinh chung, điều kiện về trang thiết bị dụng cụ theo quy định. Không để cơ sở không đủ điều kiện ATTP tham gia cung ứng các dịch vụ ăn uống trong các trường học. Hướng dẫn các trường có tổ chức bếp ăn tập thể chủ động liên hệ với các trạm y tế xã, Trung tâm Y tế huyện xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng ngừa, khắc phục NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm. Trong đó chú trọng khâu kiểm soát nguyên liệu thực phẩm, quá trình chế biến, bảo quản, lưu mẫu thực phẩm theo quy định. Đảm bảo vệ sinh môi trường, có đủ nước sạch để chế biến, rửa tay cho người chế biến, học sinh trước khi ăn./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com