Nhân rộng mô hình đội thanh niên tình nguyện tiếp sức người bệnh

07:11, 30/11/2017

Trong các bệnh viện, ngoài công tác điều trị, việc hỗ trợ các dịch vụ cho người bệnh có vai trò quan trọng, góp phần làm cho quá trình chữa trị đạt hiệu quả cao hơn. Thực tế cho thấy, nhiều bệnh viện trong tỉnh luôn trong tình trạng “quá tải” nên việc chăm sóc người bệnh ngoài nhân viên y tế còn cần có sự hỗ trợ phần lớn từ người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên tại các bệnh viện, vẫn còn nhiều bệnh nhân neo đơn, già yếu, không nơi nương tựa…

Đội thanh niên tình nguyện tiếp sức người bệnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh hỗ trợ nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân.
Đội thanh niên tình nguyện tiếp sức người bệnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh hỗ trợ nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân.

Để “tiếp sức người bệnh” từ năm 2015, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện trong tỉnh thành lập mô hình đội thanh niên tình nguyện tiếp sức người bệnh. Đến nay, nhiều bệnh viện đã có đội thanh niên tình nguyện hoạt động tích cực. Tiêu biểu như Đội thanh niên tình nguyện tiếp sức người bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh được thành lập năm 2015, gồm 100 đoàn viên thanh niên là sinh viên đang học tại Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đến thực tập. Ngoài thời gian thực tập, các thành viên của đội mặc áo xanh tình nguyện thay phiên nhau, mỗi buổi từ 6-10 người, hoạt động từ đầu giờ sáng đến cuối giờ chiều, hướng dẫn người bệnh quy trình, thủ tục khám bệnh. Do cơ sở vật chất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh không được xây dựng đồng bộ; các phòng, khoa được bố trí khá phức tạp nên bệnh nhân lần đầu đến sẽ mất rất nhiều thời gian để tìm nơi khám bệnh. Đội tiếp sức người bệnh chịu trách nhiệm hỗ trợ, chỉ dẫn bệnh nhân đến nơi khám, chữa bệnh; đồng thời trực tiếp hướng dẫn, giải đáp mọi thắc mắc trong quá trình khám, chữa bệnh khi bệnh nhân có nhu cầu. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghĩa Hưng, mỗi ngày bệnh viện đón khoảng 250-350 bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Vào những ngày đông bệnh nhân, đội thanh niên tình nguyện tiếp sức người bệnh của bệnh viện có mặt tại Khoa Khám bệnh và các khoa điều trị để hướng dẫn người bệnh làm thủ tục nhập viện; hỗ trợ, giúp đỡ những người già yếu, tàn tật, neo đơn di chuyển tới các khoa, phòng; nhắc nhở người bệnh và người nhà người bệnh thực hiện các nội quy, quy định của bệnh viện… Đội thanh niên tình nguyện tiếp sức người bệnh của Bệnh viện Đa khoa Giao Thủy được thành lập đầu năm 2017, gồm nhân viên trẻ được các khoa, phòng luân phiên cử ra Khoa Khám bệnh để hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn mọi mặt cho người bệnh. Chị Phan Thị Hợi, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa huyện Giao Thủy cho biết: Sau gần 1 năm đội thanh niên tình nguyện tiếp sức người bệnh đi vào hoạt động, các quy trình khám chữa bệnh tại bệnh viện được thực hiện nhanh hơn. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 350-400 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị, ngày cao điểm lên tới 500 bệnh nhân. Bệnh nhân đông, nhưng nhờ có đội tình nguyện tiếp sức người bệnh, các bác sĩ cũng phần nào giảm bớt được áp lực, thực hiện tốt hơn công tác khám, chữa bệnh. Ngoài việc giúp đỡ người bệnh, các tình nguyện viên còn tham gia giữ gìn an ninh trật tự, nhắc nhở người nhà bệnh nhân không hút thuốc lá, xây dựng văn hóa xếp hàng, cách ứng xử văn minh...

Hoạt động của các đội thanh niên tình nguyện tiếp sức người bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Tham gia đội thanh niên tình nguyện tiếp sức người bệnh là các đoàn viên, sinh viên, sinh viên các trường y, dược có tinh thần trách nhiệm cao, ý thức, kỷ luật tốt do bệnh viện trực tiếp quản lý, hướng dẫn. Bước đầu mô hình này đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, khắc phục được tình trạng mất trật tự trong thời điểm bệnh viện quá tải, từng bước xây dựng hình ảnh bệnh viện thân thiện hơn đối với bệnh nhân. Đến nay, các đội tình nguyện tiếp sức người bệnh tại các bệnh viện trong tỉnh đã huy động được trên 250 đoàn viên, thanh niên là cán bộ, nhân viên y tế trẻ tuổi tình nguyện tham gia. Tại các bệnh viện, các tình nguyện viên được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 2-4 người hoặc từ 6-10 người tùy theo số lượng bệnh nhân trong ngày, tham gia tiếp sức người bệnh tất cả các ngày trong tuần. Những vị trí tham gia tình nguyện là khu vực thường tập trung đông bệnh nhân như các khoa: Khám bệnh, Xét nghiệm, Hồi sức cấp cứu... Trước đó, các tình nguyện viên đều được hướng dẫn sơ đồ bệnh viện, quy trình khám bệnh, kỹ năng giao tiếp, tư vấn cho bệnh nhân. Các đội thanh niên tình nguyện sẽ hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh và người nhà bệnh nhân tới khám và điều trị ngay từ Khoa Khám bệnh hoặc Khoa Cấp cứu của bệnh viện để được khám chữa bệnh thuận lợi, nhanh chóng. Các quy trình gồm: Hướng dẫn bệnh nhân và người nhà đến các điểm thu viện phí trong bệnh viện để làm các thủ tục khám bệnh, nhập viện, xuất viện; hướng dẫn người nhà người bệnh sử dụng các dịch vụ hiện có trong bệnh viện; nhắc nhở bệnh nhân và người nhà thực hiện các nội quy trong bệnh viện: không hút thuốc lá, vứt xả rác; dừng, đỗ, gửi xe đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường bệnh viện, nằm ngồi đúng chỗ, không ảnh hưởng đến cảnh quan bệnh viện... Tại một số bệnh viện, đội thanh niên tình nguyện tiếp sức người bệnh còn tổ chức các hoạt động từ thiện cho những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện như “Nồi cháo yêu thương”, “Bát cơm nghĩa tình”; xây dựng thùng quyên góp từ thiện gây quỹ giúp đỡ các bệnh nhân neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn… Mô hình đội thanh niên tình nguyện đã được đông đảo bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ghi nhận. Ông Trần Văn Biên ở xã Nghĩa Sơn đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghĩa Hưng cho biết: “Từ khi bệnh viện có đội tiếp sức người bệnh, tôi cảm thấy yên tâm và hài lòng hơn khi điều trị tại đây vì các thủ tục được hướng dẫn thực hiện nhanh chóng”.

Mô hình đội thanh niên tình nguyện tiếp sức người bệnh đã phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của các thầy thuốc, các điều dưỡng trẻ, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng. Mô hình này cần được tiếp tục nhân rộng để có thêm nhiều người bệnh được giúp đỡ, đồng thời qua đó góp phần đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com