Nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên cơ sở

07:11, 30/11/2017

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Từ đó giải quyết kịp thời các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân, góp phần không nhỏ trong việc ổn định tình hình chính trị, giữ vững an ninh trật tự, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Cán bộ hòa giải thôn Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) tuyên truyền pháp luật về an ninh trật tự cho nhân dân.
Cán bộ hòa giải thôn Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) tuyên truyền pháp luật về an ninh trật tự cho nhân dân.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên, Sở Tư pháp đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18-11-2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, ngành Tư pháp đã phối hợp với Uỷ ban MTTQ các cấp trong tỉnh tham mưu với UBND cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3.650 tổ hòa giải/3.690 thôn, xóm, tổ dân phố với tổng số 21.571 hòa giải viên. Một số khu dân cư có 2 tổ hòa giải, mỗi tổ hòa giải có từ 5-7 hòa giải viên là những người có uy tín, có kinh nghiệm, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân. Tổ trưởng tổ hòa giải thường là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc bí thư chi bộ. Các thành viên tổ hòa giải ở cơ sở bao gồm đại diện Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội CCB, Hội Nông dân… Song song với đó, hằng năm, ngành Tư pháp, Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể từ cấp tỉnh đến cấp huyện đều mở các lớp tập huấn, bồi dường nghiệp vụ cho hòa giải viên cơ sở. Từ năm 2016 đến nay, cấp tỉnh đã tổ chức được 9 lớp tập huấn, cấp huyện trung bình mỗi năm có từ 2-3 lớp tập huấn cho hòa giải viên cơ sở. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã tổ chức biên soạn, in ấn các loại tài liệu tuyên truyền cung cấp cho đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải ở cơ sở như sổ tay nghiệp vụ hòa giải; tờ gấp pháp luật về dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, khiếu nại, tố cáo. Tăng cường các chuyên mục, chuyên đề liên quan đến công tác hòa giải trên Bản tin tư pháp, Đài phát thanh cơ sở, trên website của Sở... Qua đó nhằm chuyển tải kịp thời những chính sách, văn bản pháp luật mới đến các hòa giải viên, cung cấp thêm nhiều kiến thức, kỹ năng và đáp ứng phần nào nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các hòa giải viên trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2016 đến nay đã biên soạn phát hành 8.200 tờ rơi pháp luật về Bộ luật Dân sự, 4.600 tờ rơi pháp luật về Luật Hộ tịch, 5.000 tờ rơi pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, 4.500 tờ rơi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội, 4.560 tờ rơi pháp luật về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và 5.500 tờ rơi pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; biên soạn và phát hành 4.500 bản tin tư pháp cấp phát cho các tổ hòa giải ở cơ sở. Cùng với việc tăng cường tập huấn, cấp phát tài liệu, ngành Tư pháp còn thường xuyên tiến hành kiểm tra, chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở nhằm kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo những khó khăn vướng mắc phát sinh. Bên cạnh việc tổ chức các hội nghị tập huấn, cung cấp tài liệu, ngành Tư pháp cũng đã chú trọng tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hòa giải viên giỏi để các hoà giải viên được giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải... Đồng chí Bùi Tiến Hùng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Hải Hậu cho biết: “Để góp phần nâng cao kỹ năng hòa giải và kiến thức pháp luật cho hòa giải viên, hằng năm, Phòng Tư pháp và Ủy ban MTTQ huyện thường xuyên phối hợp tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải. Tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hoà giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi; cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ hoà giải viên. Đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật xã, thị trấn, kệ sách tại thôn, xóm, tổ dân phố để có nguồn văn bản cho các hoà giải viên tham khảo. Các biện pháp trên đã giúp các hòa giải viên nắm bắt kịp thời kiến thức pháp luật, kinh nghiệm và kỹ năng hòa giải, từ đó đưa công tác hòa giải ngày càng phát huy thế mạnh, có tính thuyết phục cao hơn trong cộng đồng dân cư. Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn huyện đã tiếp nhận 150 vụ, việc; đã tiến hành hòa giải thành 126 vụ, số còn lại đang tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật”.

Với việc thực hiện các giải pháp tích cực, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải ở cơ sở không ngừng được nâng cao, góp phần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, không để việc nhỏ phát sinh thành việc lớn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, làm phát sinh điểm nóng và đơn thư, khiếu kiện trong nhân dân. Trong năm 2017, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận trên 4.000 vụ, việc và giải quyết thành công 86% vụ, việc. Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ hòa giải ở cơ sở vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải thường kiêm nhiệm nhiều công việc nên chưa dành nhiều thời gian cho việc tiếp cận đối tượng để hòa giải; kỹ năng hòa giải và kiến thức pháp luật của một số thành viên tổ hòa giải còn hạn chế, công tác tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ chưa thường xuyên; kinh phí bồi dưỡng cho các vụ, việc hòa giải thành công còn hạn chế; chế độ đãi ngộ cho các thành viên tổ hòa giải chưa tương xứng với công sức, trách nhiệm và sự nhiệt tình nên chưa động viên được các thành viên tổ hòa giải... Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật có thể tổ chức định kỳ mỗi năm ít nhất 1 lần hoặc tổ chức theo chuyên đề để cập nhật kịp thời những văn bản pháp luật mới vừa được ban hành, liên quan chặt chẽ đến đời sống nhân dân địa phương. Nội dung tập huấn phù hợp với đặc thù công tác hoà giải ở địa phương, kết hợp giữa tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ hoà giải và phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với những vụ việc hòa giải cụ thể đã và đang diễn ra ở cơ sở để các hòa giải viên có cơ hội giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong công tác hòa giải. Cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ hoà giải viên bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với địa phương như: Đề cương tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; Sổ tay nghiệp vụ hoà giải; báo chí về pháp luật; Sách hỏi - đáp pháp luật phổ thông; tờ rơi, tờ gấp và các tài liệu cần thiết khác. Đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý, bổ sung các đầu sách pháp luật mới cho tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn để có nguồn văn bản cho các hoà giải viên tham khảo. Tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hoà giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi tạo điều kiện để các hoà giải viên trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác hoà giải. Bên cạnh đó tỉnh cần có chính sách hỗ trợ hợp lý đối với lực lượng hòa giải viên trên cơ sở điều kiện của địa phương. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác hòa giải./.

Bài và ảnh: Văn Trọng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com