Khắc phục những bất cập trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế y học cổ truyền

09:11, 06/11/2017

Thực trạng tại các bệnh viện y học cổ truyền (YHCT) tuyến tỉnh, thành phố hiện nay là công tác thu dung, điều trị ngoại trú cho bệnh nhân có thẻ BHYT gặp khó khăn do phải có giấy chuyển từ tuyến dưới hoặc tuyến ngang theo Thông tư 40/2015/TT-BYT của Bộ Y tế… Tìm hiểu thực tế tại Trạm Y tế xã Hải Vân (Hải Hậu), tỷ lệ KCB YHCT và YHCT kết hợp y học hiện đại (YHHĐ) chiếm khoảng trên 30% tổng số lượt KCB. Trạm y tế xã có y sĩ YHCT, có phòng đông y, do vậy đã thực hiện được các kỹ thuật như châm cứu, điện châm, bấm huyệt, dùng tia hồng ngoại… Tuy nhiên, do cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đủ nên trạm y tế xã chưa đáp ứng yêu cầu KCB BHYT YHCT của người dân. Tại Trạm Y tế xã Quang Trung (Vụ Bản), tỷ lệ KCB YHCT, YHCT kết hợp YHHĐ chiếm 25-26% tổng số lượt KCB tại trạm. Hiện tại trạm y tế xã đã thực hiện được một số thủ thuật như xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu… Khó khăn trong KCB BHYT YHCT tại trạm y tế xã là trang thiết bị thiếu thốn dẫn đến thủ thuật sơ sài, định mức trần chi trả đối với YHCT thấp… nên tâm lý của bệnh nhân là muốn chuyển lên tuyến trên.

Bệnh nhân tập phục hồi chức năng tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.
Bệnh nhân tập phục hồi chức năng tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho hệ thống bệnh viện YHCT phát triển, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 6358/BYT-BH, theo đó người bệnh có thẻ BHYT sẽ được chuyển tuyến thẳng từ nơi KCB ban đầu đến khám và điều trị tại Bệnh viện YHCT tỉnh. Ví dụ, người bệnh đăng ký KCB ban đầu là trạm y tế xã sẽ được chuyển viện thẳng từ trạm lên Bệnh viện YHCT tỉnh mà không cần qua bệnh viện đa khoa tuyến huyện, thành phố. Tuy nhiên, do nhiều người dân và các cơ sở KCB tuyến cơ sở chưa nắm được công văn chỉ đạo của Bộ Y tế dẫn đến làm chưa đúng. Một phần do công tác tuyên truyền chưa được tích cực, mặt khác tuyến cơ sở muốn “giữ chân” người bệnh ở lại, trong khi KCB bằng phương pháp YHCT tại cơ sở chủ yếu là những phương pháp đơn giản không dùng thuốc nên chưa tạo được độ tin cậy cao với nhân dân. Bên cạnh đó, còn nhiều bất cập trong KCB BHYT YHCT. Ở các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, cán bộ chuyên môn làm công tác KCB bằng YHCT chủ yếu là y sĩ nên chất lượng điều trị chưa cao. Ở các trạm y tế cơ sở, cán bộ được đào tạo về YHCT thiếu, đa phần là cán bộ kiêm nhiệm nên không đáp ứng được nhu cầu KCB của nhân dân. Nguồn nhân lực thiếu hụt, không có cơ chế chính sách tuyển dụng đối với đội ngũ lương y, lương dược, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu phòng làm việc và trang thiết bị phục vụ cho công tác KCB YHCT. Một số trạm y tế ở khu vực Thành phố Nam Định không có đất để làm vườn thuốc mẫu. Trong KCB BHYT YHCT, việc thực hiện và thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật YHCT, nhiều cơ sở KCB YHCT chỉ định rộng rãi dịch vụ kỹ thuật; chỉ định đồng thời nhiều dịch vụ kỹ thuật có cùng cơ chế tác dụng trên bệnh nhân; thực hiện dịch vụ kỹ thuật không bảo đảm quy trình kỹ thuật. Có nơi tách các dịch vụ kỹ thuật để thanh toán, kéo dài ngày điều trị nội trú hay đưa bệnh nhân vào điệu trị nội trú khi chưa cần thiết. Chất lượng thuốc YHCT chưa được giám sát chặt chẽ, khó quản lý về giá thuốc dược liệu trôi nổi chưa có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ. Một số cơ sở y tế chỉ định đồng thời cả thuốc tây y theo phác đồ điều trị với thuốc thang, thuốc chế phẩm YHCT không hợp lý… Bên cạnh đó, còn nhiều bất cập khi triển khai KCB BHYT YHCT như: một đơn vị khi thực hiện danh mục kỹ thuật ở một chuyên khoa thì chuyên khoa khác làm không được thanh toán. Các hướng dẫn cụ thể bệnh mãn tính, bệnh cấp tính để BHXH thanh toán chưa cụ thể, một số nơi BHXH áp bệnh mãn tính là bệnh điều trị dài ngày. Mặt khác, hệ số để tính trần thanh toán thấp. Khi thực hiện trần thanh toán, bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong khi bệnh nhân đến chữa bệnh về YHCT phần nhiều là đa bệnh lý, bệnh mãn tính và cần điều trị dài ngày, trong khi Bộ Y tế mới chỉ có quy định tương đương kỹ thuật của một số chuyên khoa...

Để tháo gỡ những vướng mắc, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT, ngày 23-8-2016, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 6358/BYT-BH hướng dẫn thực hiện Thông tư 40/2015/TT-BYT đối với KCB YHCT. Thông tư 40 quy định việc chuyển tuyến KCB BHYT được thực hiện theo Thông tư số 14/2014/TT-BYT Bộ Y tế quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở KCB. Theo đó, người bệnh được chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên liền kề theo trình tự từ tuyến 4 lên tuyến 3, tuyến 3 lên tuyến 2, tuyến 2 lên tuyến 1. Chuyển từ trạm y tế xã (tuyến 4 về chuyên môn kỹ thuật) lên bệnh viện YHCT tỉnh hạng III (tuyến 3 về chuyên môn kỹ thuật); Chuyển từ trạm y tế xã (tuyến 4 về chuyên môn kỹ thuật) lên bệnh viện YHCT tỉnh hạng II, hạng I trong trường hợp bệnh viện huyện không có khoa YHCT. Như vậy từ trạm y tế xã, bệnh nhân có thể chuyển thẳng lên Bệnh viện YHCT tỉnh. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng KCB BHYT YHCT, ngành BHXH và ngành Y tế cần sớm rà soát lại quy trình thực hiện dịch vụ kỹ thuật để điều chỉnh định mức kinh phí kỹ thuật, nhân lực và thời gian phù hợp. Tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng vị thuốc YHCT; hướng dẫn việc kết hợp thuốc thang với thuốc thành phẩm, thuốc tân dược với thuốc thang và thành phẩm. Kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp cung ứng thuốc trong quá trình đấu thầu, cung cấp thuốc để tránh trường hợp đưa các dược liệu, vị thuốc không bảo đảm chất lượng sử dụng cho bệnh nhân BHYT. Nâng định mức trần chi trả tại trạm y tế đối với YHCT. Bổ sung tiêu chí chất lượng cho các dược liệu, đặc biệt là thuốc nam. Xây dựng, bổ sung quy trình điều trị kết hợp YHCT với YHHĐ đủ để áp dụng cho các loại bệnh thường gặp tại bệnh viện. Để đẩy mạnh hoạt động KCB BHYT YHCT tại tuyến huyện, xã, ngành Y tế và các địa phương cần tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo nhân lực YHCT; xây dựng, ban hành các chế độ khuyến khích thầy thuốc, lương y tại cơ sở cống hiến và phát huy những bài thuốc hay, những kinh nghiệm phòng và chữa bệnh bằng YHCT; mở rộng các hình thức tuyên truyền KCB BHYT YHCT để người dân nắm rõ hơn những ưu thế và các tiềm năng của YHCT trong KCB./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com