Nâng cao năng lực giám sát cho cán bộ Hội Nông dân các cấp

08:09, 12/09/2017

Thực hiện chương trình giám sát, phản biện xã hội trong giám sát chấp hành thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, 3 năm qua (2015-2017), Hội Nông dân (HND) các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan có nhiều giải pháp tăng cường công tác giám sát, quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Cán bộ HND tỉnh hướng dẫn nông dân xã Giao Phong (Giao Thủy) kiểm tra việc sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản.
Cán bộ HND tỉnh hướng dẫn nông dân xã Giao Phong (Giao Thủy) kiểm tra việc sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản.

Nhằm tăng cường vai trò, nhiệm vụ của các cấp Hội, từ năm 2015 đến nay, HND tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân về giám sát quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp, tuyên truyền, phổ biến những sản phẩm vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu… bảo đảm về tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn cho nông dân sản xuất; đồng thời xây dựng các mô hình điểm về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của HND tỉnh, hiện nay, các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có ưu điểm tác dụng nhanh, dễ sử dụng, tiêu diệt triệt để đối tượng gây hại cho cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện tình trạng người nông dân lạm dụng thuốc BVTV đem đến nhiều hệ lụy tác hại cho sản xuất, môi trường, sức khỏe cộng đồng, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp. Vì vậy, tăng cường việc quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV là một yêu cầu cấp bách hiện nay. Đặc biệt, từ năm 2014, thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, HND Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn số 637-HD/HNDTW ngày 14-7-2014 của Ban Thường vụ Trung ương HND Việt Nam về việc thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội trong hệ thống HND Việt Nam. Đồng thời, để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp giả, thức ăn chăn nuôi kém chất lượng, sử dụng phụ gia không đúng quy chuẩn... Trên cơ sở đó, HND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tập trung tuyên truyền để cán bộ, hội viên quán triệt sâu sắc Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Hướng dẫn của Trung ương Hội về việc thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội trong hệ thống HND Việt Nam để cán bộ, hội viên nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác giám sát. Vận động, khuyến khích hội viên nông dân tham gia phát hiện, tố giác những cơ sở sản xuất, kinh doanh và những hộ nông dân có vi phạm về kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp để giúp cho chính quyền kiểm tra, xử lý. HND tỉnh cùng với Ủy ban MTTQ, Sở NN và PTNT, Sở Công Thương ký kết Chương trình phối hợp về giám sát việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2016-2020. HND các cấp trong tỉnh đã tổ chức tập huấn cho trên 7.000 lượt cán bộ HND cơ sở về kỹ năng giám sát và phản biện xã hội; giám sát vật tư nông nghiệp; vận động, hướng dẫn người dân tham gia giám sát và kịp thời phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng; cách thức sử dụng phân bón an toàn, hiệu quả, bảo vệ môi trường và phương pháp nhận biết phân bón giả, kém chất lượng. Phối hợp với Sở NN và PTNT phát động phong trào ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đến nay, toàn tỉnh đã có 7.751 hộ chăn nuôi, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi thuộc 210 xã, thị trấn ký cam kết. Từ năm 2016 đến nay, thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành, các cơ quan chức năng đã thành lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm tại các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; chợ buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh. Các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra trên 300 cơ sở chăn nuôi, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y, cơ sở giết mổ lợn. Qua đó, lấy mẫu, sử dụng test nhanh để kiểm tra phát hiện chất cấm. Qua kiểm tra trong năm 2016 đã phát hiện 2 mẫu nước tiểu của lợn ở 2 hộ chăn nuôi thuộc 2 xã Hoành Sơn và Giao Phong có phản ứng dương tính với Salbutamol (một dạng chất cấm trong chăn nuôi). Cả 2 hộ chăn nuôi đều sử dụng thức ăn chăn nuôi của Cty CP Thức ăn chăn nuôi Hưng Thịnh có địa chỉ tại thôn Phú Cốc, xã Minh Thuận (Vụ Bản). Chi cục cũng lấy 2 mẫu thức ăn chăn nuôi của nhà cung cấp cho 2 hộ chăn nuôi này gửi đi kiểm tra, kết quả trong mẫu thức ăn chăn nuôi có chứa Salbutamol. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã hoàn tất thủ tục chuyển hồ sơ cho Thanh tra Sở NN và PTNT, đồng thời tham mưu biện pháp xử phạt hành chính Cty CP Thức ăn chăn nuôi Hưng Thịnh theo quy định của pháp luật. UBND tỉnh đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty này với mức phạt 140 triệu đồng, đình chỉ hoạt động sản xuất gia công và kinh doanh thức ăn chăn nuôi đối với Cty trong thời gian 1 tháng. Buộc Cty thu hồi toàn bộ lô thức ăn chăn nuôi còn lại tại 2 hộ chăn nuôi Cty đã cung ứng và tổ chức tiêu hủy theo quy định.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động giám sát của HND các cấp về vật tư nông nghiệp nói chung và thuốc BVTV nói riêng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia giám sát, phát hiện và tố giác những vi phạm trong kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp còn khó khăn. Nguyên nhân là đội ngũ cán bộ Hội các cấp còn lúng túng trong phương pháp giám sát; trình độ hiểu biết về lĩnh vực vật tư nông nghiệp còn hạn chế. Hoạt động giám sát về lĩnh vực vật tư nông nghiệp ở cấp huyện và cơ sở còn thụ động, chưa tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy nội dung giám sát việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp tại địa phương. Để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát việc sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân về vai trò, nhiệm vụ và các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của HND. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên nông dân về phương pháp thực hiện giám sát, phản biện xã hội; phương pháp giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp để nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân và chủ động sử dụng vật tư nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bảo vệ môi trường xung quanh. Tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng như: Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở NN và PTNT, Sở Công thương và cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để phát huy tối đa vai trò của mỗi tổ chức trong việc thực hiện nội dung của Chương trình phối hợp về giám sát việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2016-2020./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com