Tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân

07:08, 31/08/2017

Hiện tại, hệ thống khám chữa bệnh (KCB) ngoài công lập trên địa bàn tỉnh gồm: 1 bệnh viện, 18 phòng khám đa khoa, hơn 90 phòng khám chuyên khoa, trên 400 phòng chẩn trị y học cổ truyền (YHCT). Thời gian qua, các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn tỉnh đã đóng góp tích cực vào công tác KCB, y tế dự phòng, góp phần giảm tải cho các cơ sở KCB công lập. Trong quá trình hoạt động, các cơ sở KCB tư nhân đều thực hiện tốt các quy định của Nhà nước trong công tác KCB; tham dự các lớp tập huấn về chuyên môn, được cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới về KCB; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; hoàn thiện sổ sách theo dõi trong quá trình hành nghề. Các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, phòng chẩn trị YHCT đều đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề. Một số cơ sở KCB như Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định, Phòng khám Đa khoa Sông Hồng, Phòng khám Đa khoa 108, Phòng khám Đa khoa Việt - Mỹ (TP Nam Định)… đã đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám, chẩn đoán bệnh.

Chuẩn bị khám chữa bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định.
Chuẩn bị khám chữa bệnh cho bệnh nhân
tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định.

Để các cơ sở y tế tư nhân hoạt động KCB theo đúng các quy định của pháp luật, hằng năm, Sở Y tế đều tiến hành thẩm định các cơ sở KCB, cấp giấy phép hành nghề; tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở hành nghề y tư nhân. Mới đây (trong tháng 4 và tháng 5-2017), Sở Y tế đã tổ chức 1 đợt thanh tra, kiểm tra 35 cơ sở, trong đó có 13 phòng khám đa khoa, 11 phòng khám chuyên khoa, 11 phòng chẩn trị YHCT. Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy nhìn chung các cơ sở đã chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về hành nghề y tư nhân; có đủ các thủ tục pháp lý theo quy định; đảm bảo về nhân lực để tiến hành hoạt động KCB. Hầu hết các cơ sở đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với phạm vi hoạt động đã đăng ký; các phòng khám đa khoa đã bố trí nơi tiếp đón, nơi chờ, ghế chờ, các phòng khám bệnh của các chuyên khoa, phòng cấp cứu, phòng lưu bệnh nhân, phòng siêu âm, phòng xét nghiệm, khu vực xử lý dụng cụ và hấp sấy... Các phòng khám đa khoa đã trang bị các thiết bị, máy móc phục vụ cho công tác KCB như: máy siêu âm, máy X.quang, máy xét nghiệm, điện tim... Các phòng khám chuyên khoa đảm bảo phòng làm việc, trang thiết bị, thuốc cấp cứu phục vụ KCB. Các phòng chẩn trị YHCT đảm bảo diện tích, có đủ bàn quầy, tủ đựng thuốc, hộp đựng thuốc; các cơ sở hành nghề KCB có tủ thuốc cấp cứu và danh mục thuốc cấp cứu; hộp thuốc chống sốc, có đủ cơ số thuốc theo quy định, không có thuốc hết hạn; có bảng giá dịch vụ KCB được niêm yết công khai. Bên cạnh những ưu điểm, quá trình kiểm tra cũng phát hiện nhiều tồn tại như: Một số cơ sở bố trí, sắp xếp chưa được khoa học, hợp lý, bệnh nhân được tiếp cận khám, làm cận lâm sàng chưa thuận lợi; một số cơ sở chưa kịp thời báo cáo việc thay đổi nhân sự với Sở Y tế, chưa hoàn thiện hồ sơ cá nhân; danh mục thuốc cấp cứu của tủ thuốc chưa được phê duyệt của trưởng phòng khám; việc xây dựng và ban hành các quy trình chuyên môn chưa đầy đủ; có cơ sở chưa đảm bảo cơ sở vật chất, chưa đảm bảo nhân lực thực hiện hoạt động chuyên môn. Cụ thể, quá trình thanh tra, kiểm tra, phát hiện cơ sở chăm sóc răng miệng Đức Long, huyện Xuân Trường đã ngừng hoạt động nhưng vẫn mở cửa, có biển hiệu; đoàn thanh tra đã yêu cầu cơ sở ngừng hoạt động, bỏ biển hiệu. Đoàn thanh tra cũng phát hiện cơ sở Nha khoa Ngọc Hà (TP Nam Định) chưa có giấy phép hoạt động và đã yêu cầu cơ sở ngừng hoạt động. Ngoài ra, quá trình thanh tra còn phát hiện Phòng chẩn trị YHCT của lương y Vũ Chí Công, xã Lộc An (TP Nam Định) không đủ bàn quầy, tủ đựng thuốc theo quy định; Phòng khám Đa khoa Hà Nội - Xuân Trường tại xã Xuân Kiên (Xuân Trường) và Phòng khám Đa khoa Liên Cơ, phường Năng Tĩnh (TP Nam Định) không đảm bảo nhân lực thực hiện hoạt động chuyên môn. Đoàn thanh tra đã yêu cầu các cơ sở này thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về hành nghề KCB tư nhân, đảm bảo về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, phạm vi hoạt động chuyên môn, các quy trình chuyên môn, khắc phục kịp thời những tồn tại đã nêu cụ thể đối với từng cơ sở và phải có biện pháp cụ thể cam kết không để xảy ra thiếu sót, vi phạm. Qua thanh tra, kiểm tra, có 2 cơ sở bị đình chỉ hoạt động là Nha khoa Ngọc Hà và cơ sở chăm sóc răng miệng Đức Long; 3 cơ sở bị phạt hành chính là Phòng chẩn trị YHCT của lương y Vũ Chí Công, Phòng khám Đa khoa Hà Nội - Xuân Trường và Phòng khám Đa khoa Liên Cơ.

Việc tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở hành nghề y tư nhân thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị và sự bình đẳng giữa các cơ sở hành nghề y tư nhân, giúp tăng cường pháp chế, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành nghề y tư nhân trên địa bàn tỉnh, thời gian tới Thanh tra các phòng chức năng của Sở Y tế cần phối hợp chặt chẽ với Phòng Y tế các huyện, thành phố trong công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở hành nghề y tế tư nhân trên địa bàn. Chú trọng phát triển các phòng khám đa khoa tư nhân, các cơ sở KCB tư nhân thực sự chất lượng. Phối hợp chặt chẽ trong quản lý hành nghề y tư nhân, cụ thể là giữa Phòng Y tế tuyến huyện, thành phố với các phòng chức năng của Sở Y tế trong việc khảo sát, thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com