Đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

07:08, 21/08/2017
Thời gian qua, công tác hỗ trợ pháp lý (HTPL) cho doanh nghiệp được UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo thực hiện với nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả. Qua đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người quản lý doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, hỗ trợ đắc lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Sản xuất bánh kẹo tại Cty TNHH Thương mại Hoà Bình, CCN An Xá (Tp Nam Định).
Sản xuất bánh kẹo tại Cty TNHH Thương mại Hoà Bình, CCN An Xá (TP Nam Định).
Hằng năm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển. UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh; là đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định; tổ chức các hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để tuyên truyền, phổ biến về chính sách pháp luật, trao đổi, giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp, đồng thời ghi nhận những kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp để chỉ đạo tổ chức thực hiện cho phù hợp với thực tế và đảm bảo quy định của pháp luật. Các cấp, các ngành trong tỉnh cũng đã rà soát, tập trung thực hiện các giải pháp để nâng cao điểm số của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (Par Index), nhất là những chỉ số thành phần có điểm số còn thấp như tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, thiết chế pháp lý... Đặc biệt, triển khai các hình thức HTPL cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng, duy trì, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của ngành và doanh nghiệp trong đó chú trọng văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó, UBND tỉnh đã công bố thủ tục hành chính “Chấp thuận chủ trương đầu tư trong trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư không thông qua đấu giá, đấu thầu” theo hướng liên thông đối với các dự án doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh giao Sở Tư pháp tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá 9 nhóm thủ tục hành chính với 279 thủ tục, kết quả giữ nguyên 136 thủ tục hành chính; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương sửa đổi, bổ sung 91 thủ tục hành chính. Các thủ tục sau khi công bố đều được công khai tại nơi thực hiện và được đăng tải trên trang thông tin điện tử của UBND tỉnh và của sở, ngành; tạo điều kiện cho doanh nghiệp cập nhật dễ dàng, chủ động nắm bắt những quy định, hướng dẫn của ngành tại địa phương để hoạt động thuận lợi hơn. Cùng với việc rà soát, cập nhật công bố công khai các thủ tục hành chính, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh đã chủ động phối hợp tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai các văn bản luật và dưới luật liên quan đến doanh nghiệp. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho các doanh nghiệp và cán bộ làm công tác pháp chế của doanh nghiệp. Thường xuyên giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp và tiếp nhận kiến nghị cho doanh nghiệp thông qua công tác HTPL cho doanh nghiệp, hoạt động tư vấn, giải đáp pháp luật với các nội dung liên quan đến các lĩnh vực pháp luật về thuế, lao động, BHXH, BHYT, đầu tư, thủ tục hành chính... Đối với những trường hợp doanh nghiệp có nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp, tổ chức giải đáp bằng văn bản gửi các doanh nghiệp hoặc giải đáp trực tiếp. Việc tiếp nhận, giải đáp pháp luật kịp thời, chính xác đã giúp doanh nghiệp trong việc quản lý, điều hành doanh nghiệp và quyết định đầu tư. Ngoài ra, UBND tỉnh còn chỉ đạo Sở KH và ĐT, Sở GTVT, Sở Công thương, Ban quản lý các KCN tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp điều tra, khảo sát nhu cầu HTPL của doanh nghiệp; phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình HTPL cho doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức đại diện của doanh nghiệp, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia tỉnh và các tổ chức, cá nhân có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý tham gia thực hiện các hoạt động HTPL cho doanh nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 122 hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đối thoại với trên 10 nghìn lượt người tham dự; biên soạn, biên tập, phát hành gần 200 nghìn tờ rơi, tờ gấp; 15 nghìn tập đề cương; 6.000 cuốn “Bản tin Tư pháp” trong đó có nội dung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; tiếp nhận và giải đáp hàng nghìn lượt câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp. Các hoạt động HTPL cho doanh nghiệp thời gian qua đã tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp.
 
Tuy nhiên, việc triển khai chương trình HTPL cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn tồn tại những khó khăn. Một số sở, ngành chưa bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách. Đội ngũ luật sư, luật gia và các chuyên gia tư vấn pháp luật còn mỏng, chưa xây dựng được mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp. Chưa có nguồn kinh phí riêng phục vụ cho hoạt động HTPL cho doanh nghiệp nên chưa chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh; tọa đàm chuyên đề pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp… Về phía doanh nghiệp, nhận thức của nhiều chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp về việc thực hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp chưa có thói quen sử dụng tư vấn pháp luật trong hoạt động để phòng, chống rủi ro trong kinh doanh. Hầu hết doanh nghiệp chưa bố trí người làm công tác pháp chế doanh nghiệp, chỉ khi trong quá trình thực hiện có vướng mắc về thủ tục hoặc có tranh chấp phát sinh, các doanh nghiệp mới tìm đến cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức luật sư để được tư vấn, giải đáp và đề nghị được cung cấp văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động HTPL cho doanh nghiệp, thời gian tới cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước được giao nhiệm vụ HTPL cho doanh nghiệp với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tham gia thực hiện công tác. Thường xuyên mở rộng các hình thức đối thoại, trao đổi trực tiếp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, người có thẩm quyền với doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển và nâng cao kiến thức pháp luật. Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hạn chế tối đa sự chồng chéo và giảm khó khăn cho quá trình áp dụng và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường và phát triển đội ngũ cán bộ pháp chế chuyên trách, đội ngũ luật sư, luật gia và các chuyên gia tư vấn pháp luật nhằm xây dựng được mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp. Quan tâm bố trí, đảm bảo nguồn kinh phí riêng trong hoạt động HTPL cho doanh nghiệp./. 
 
Bài và ảnh: Văn Trọng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com