Đẩy mạnh việc dạy học theo chủ đề tích hợp và vận dụng kiến thức liên môn

08:07, 17/07/2017
Dạy học theo chủ đề tích hợp và vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các tình huống thực tiễn là phương pháp dạy học hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong việc cải cách chương trình sách giáo khoa ở nước ta. Đây cũng là vấn đề được ban giám hiệu và tổ chuyên môn trong các nhà trường ở các cấp học trong tỉnh quan tâm chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. 
 
Với sự kết hợp các nội dung kiến thức từ các môn học, các lĩnh vực học tập khác nhau vào nội dung một bài học, cùng sự phối hợp các tri thức có quan hệ mật thiết gần gũi với nhau trong thực tiễn để tạo nên một khối kiến thức tổng hợp, các tiết dạy theo chủ đề tích hợp, vận dụng kiến thức liên môn đã mang lại cho học sinh sự hứng thú, phát huy được tính tích cực, sáng tạo. Chẳng hạn, trong giảng dạy tích hợp môn Địa lý bậc THPT, học sinh có thể sử dụng kiến thức của một số môn học để giải quyết một số vấn đề như: tích hợp kiến thức môn Toán để hình thành kỹ năng tính toán, xử lý số liệu khi vẽ biểu đồ; kỹ thuật vẽ các dạng biểu đồ địa lý vừa chính xác về tỷ lệ, vừa đảm bảo các yêu cầu khoa học thẩm mỹ. Trong thực tế, các em có thể sử dụng bản đồ địa lý để tính độ dài quãng đường, xác định tọa độ địa lý của một điểm khi đi tham quan du lịch, hay có thể đo và tính toán chiều cao của các biểu đồ cột trong Atlat địa lý Việt Nam, từ đó có thể so sánh được sự khác nhau về giá trị sản lượng lúa, sản lượng thủy sản của các tỉnh… Đối với môn Ngữ văn ở bậc THCS, khi dạy về phần tục ngữ, thành ngữ, giáo viên có thể vận dụng những kiến thức khoa học, cụ thể mà các em đã được học làm cho học sinh cảm thấy yêu thích và hứng thú hơn khi học môn Văn. Ví dụ khi giải thích câu thành ngữ “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”, giáo viên có thể liên hệ vấn đề này ở phần kiến thức di truyền học ở chương trình sinh học để giải thích một cách khoa học cho các em. Để làm tốt dạy học theo chủ đề tích hợp và vận dụng kiến thức liên môn, Trường THCS Giao Tân (Giao Thủy) đã coi trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao nhận thức cho giáo viên để mỗi giáo viên đều có nhận thức đúng đắn về phương pháp này. Các tổ chuyên môn đã đưa nội dung tích hợp vào sinh hoạt chuyên môn của tổ, các tiết dạy được thực hiện nghiêm túc theo sự chỉ đạo chương trình chung của Bộ GD và ĐT. Hằng tuần, khi ký duyệt bài soạn của giáo viên, ban giám hiệu và tổ chuyên môn đều kiểm tra kỹ nội dung tích hợp thể hiện trong giáo án. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo từ khâu soạn bài nên nội dung tích hợp phong phú, sinh động, hấp dẫn không mang tính hình thức. Bên cạnh việc thực hiện tốt việc dạy và học theo nội dung này, các nhà trường còn khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn thông qua các cuộc thi và các hoạt động ngoài giờ. Sự nỗ lực của thầy và trò trong việc dạy học tích hợp và vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn cuộc sống đã thu được những kết quả ban đầu. Năm học 2016-2017, nhà trường đã có bài dự thi liên môn tích hợp với chủ đề “Luyện tập giải Toán bằng phương pháp lập trình” được Sở GD và ĐT đánh giá cao, được chọn dự thi ở cuộc thi cấp quốc gia và đã đoạt giải Nhất.
Cô và trò Trường THCS Trần Đăng Ninh (TP Nam Định) trong một giờ học.  Bài và ảnh: Hồng Minh
Cô và trò Trường THCS Trần Đăng Ninh (TP Nam Định) trong một giờ học. 
Từ nhiều năm nay, ngành GD và ĐT tỉnh đã chỉ đạo tích hợp nhiều nội dung giáo dục vào quá trình dạy học các môn học trong trường phổ thông như: Giáo dục đạo đức, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giáo dục pháp luật, giáo dục phòng chống tham nhũng, giáo dục chủ quyền quốc gia, tài nguyên và môi trường về biên giới, biển, đảo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bảo vệ môi trường; đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; giáo dục an toàn giao thông... Sở GD và ĐT đã tổ chức tập huấn cho giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, trong đó tập trung xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học và chủ đề tích hợp, liên môn phù hợp với phương pháp dạy học tích cực và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nhà trường. Đồng thời chỉ đạo các nhà trường nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn trong trường phổ thông, tập trung thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; đồng thời giúp cán bộ quản lý, giáo viên chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học và các chủ đề tích hợp, liên môn. Đặc biệt, trong 3 kỳ tuyển sinh vào lớp 10 gần đây, Sở GD và ĐT đã đổi mới căn bản theo hướng: Ngoài môn Toán, Ngữ văn, thí sinh phải làm bài thi tổng hợp (gồm 3 lĩnh vực: Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên và Ngoại ngữ). Đối với bài thi môn Toán, Ngữ văn, yêu cầu đề thi đảm bảo độ phân hóa, tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi, bài tập gắn với thực tiễn. Với bài thi tổng hợp, câu hỏi chủ yếu ở mức độ nhận biết, thông hiểu, đảm bảo kiến thức cơ bản theo chuẩn kiến thức kỹ năng, câu hỏi gắn với thực tiễn địa phương. Cách đổi mới ra đề thi đã thay đổi cách dạy của giáo viên và cách học của học sinh; trong nhà trường không có môn học nào được coi là môn phụ. Bởi vậy, muốn học sinh làm tốt bài thi tổng hợp trong các kỳ tuyển sinh tiếp theo, giáo viên phải nâng cao hiệu quả giảng dạy bộ môn qua từng bài học, tiết học trên lớp; học sinh chú tâm học tập và quan sát thực tiễn, vận dụng những kiến thức trong nhà trường vào cuộc sống.
 
Việc dạy học theo quan điểm tích hợp đã mang lại cho học sinh sự hứng thú, phát huy được tính tích cực, sáng tạo, giúp các em gắn kết kiến thức lý thuyết với thực hành. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều giáo viên, mức độ áp dụng trong dạy học chủ yếu mới dừng lại ở việc lồng ghép, đưa thêm nội dung cần học tương tự với môn học chính như: lồng ghép giáo dục môi trường, giáo dục dân số, giáo dục tệ nạn xã hội, giáo dục pháp luật vào các bộ môn giáo dục công dân, ngữ văn, địa lý… chứ chưa vận dụng được nhiều kiến thức của các phân môn và lĩnh vực khác nhau. Để việc dạy học theo chủ đề tích hợp và vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các tình huống thực tiễn năm học 2017-2018, Sở GD và ĐT cần yêu cầu các nhà trường, tổ bộ môn chỉ đạo giáo viên xây dựng chương trình tích hợp đảm bảo sự tích hợp về nội dung, đa dạng về phương pháp dạy học và chú trọng vào sự tham gia tích cực của học sinh. Đánh giá kết quả học tập cần nhấn mạnh vào quá trình tiến bộ của học sinh và tài liệu dạy học không bị bó hẹp trong tài liệu sách giáo khoa. Việc lựa chọn nội dung cũng chú ý hơn đến tính ứng dụng, thực tiễn, phù hợp và gần gũi hơn với cuộc sống của học sinh. Việc xử lý vấn đề tích hợp cũng cần phù hợp với điều kiện, năng lực dạy học của giáo viên, để mang lại hiệu quả cao trong dạy và học./. 
 
Bài và ảnh:  Hồng Minh
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com