Xung quanh vấn đề áp dụng cách tính lương hưu từ ngày 1-1-2018

08:06, 20/06/2017
Tính đến ngày 1-6-2017, tại tỉnh ta, số người tham gia BHXH bắt buộc là 147.883 người; số người tham gia BHXH tự nguyện là 5.084 người; số người tham gia BHTN là 137.181 người. 6 tháng đầu năm 2017, số thu BHXH bắt buộc là 693 tỷ 690 triệu đồng; số thu BHXH tự nguyện là 11 tỷ 790 triệu đồng; số thu BHTN là 52 tỷ 538 triệu đồng. Tổng số chi các chế độ BHXH, BHYT, BHTN từ đầu năm đến kỳ báo cáo là 2.077 tỷ 104 triệu đồng. Trong đó, chi từ nguồn ngân sách Nhà nước là 702 tỷ 189 triệu đồng; chi từ nguồn quỹ BHXH là 1.040 tỷ 250 triệu đồng; chi BHTN là 16 tỷ 557 triệu đồng.
 
Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, những người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 1-1-2018 trở đi sẽ có sự thay đổi trong cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo hướng có lộ trình tăng dần thời gian đóng BHXH để đạt được tỷ lệ hưởng tối đa 75% từ 30 năm lên 35 năm đối với nam và từ 25 năm lên 30 năm đối với nữ. Với sự thay đổi này, vấn đề mà người lao động và dư luận xã hội quan tâm là người nghỉ hưu trước và sau thời điểm 1-1-2018 sẽ có gì khác nhau(?). Anh Bùi Hồng Đức, cán bộ Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở LĐ-TB và XH) cho biết: Đến ngày 1-1-2018, anh sẽ nghỉ chế độ BHXH. Đến thời điểm đó, anh đã đóng BHXH được 41 năm. Về trường hợp của anh Đức cũng như các vấn đề liên quan đến cách tính lương hưu trước năm 2018, lãnh đạo BHXH tỉnh cho biết: Trước tiên phải khẳng định không phải ai nghỉ hưu sớm trước năm 2018 cũng có lợi hơn và không phải cứ nghỉ hưu sau năm 2018 là thiệt hơn mà tùy theo điều kiện thực tiễn của từng người lao động sẽ có sự lựa chọn khác nhau. Để đạt tỷ lệ 75% lương hưu thì lao động nữ phải có đủ 30 năm đóng BHXH (nghỉ hưu trước năm 2018 thì lao động nữ có đủ 25 năm đóng BHXH được hưởng tỷ lệ 75%), những lao động nữ nghỉ hưu từ 1-1-2018 trở đi mà chưa đủ 30 năm đóng BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu không đạt mức 75%.
 
Về quy định đối với lao động nam nghỉ hưu từ 1-1-2018 trở đi thì cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu như sau: Năm 2018 quy định đủ 16 năm đóng BHXH bằng 45% sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% tối đa không quá 75% (đủ 31 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%). Năm 2019 quy định đủ 17 năm đóng BHXH bằng 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%, tối đa không quá 75% (đủ 32 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%). Năm 2020 quy định đủ 18 năm đóng BHXH bằng 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%, tối đa không quá 75% (đủ 33 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%). Năm 2021 quy định đủ 19 năm đóng BHXH bằng 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%, tối đa không quá 75% (đủ 34 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%). Từ năm 2022 trở đi quy định đủ 20 năm đóng BHXH bằng 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%, tối đa không quá 75% (đủ 35 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%). Theo đó, lao động nam nghỉ hưu trong năm 2018 phải có đủ 31 năm đóng BHXH thì mới đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%. Như vậy lao động nam nghỉ hưu trong năm 2018 mà có thời gian đóng BHXH chưa đủ 31 năm thì không đạt tỷ lệ 75%. Tương tự đối với các trường hợp lao động nam nghỉ hưu từ năm 2019, 2020, 2021 và 2022 trở đi.
Cty May Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) tạo việc làm cho hơn 30 lao động, thực hiện nghiêm túc đóng BHXH cho người lao động.
Cty May Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) tạo việc làm cho hơn 30 lao động, thực hiện nghiêm túc đóng BHXH cho người lao động.
Ngoài ra, Luật BHXH 2014 có một quy định sẽ có tác động đến lương hưu, cụ thể là: Từ ngày 1-1-2018 trở đi tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. Vì tiền lương đóng BHXH cao hơn nên lương hưu sẽ cao hơn. Trường hợp nếu nghỉ hưu mà chưa đủ tuổi đời theo quy định thì còn phải giảm trừ tỷ lệ % do nghỉ hưu trước tuổi (mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi trừ 2%). Ngoài ra, theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 55 Luật BHXH năm 2014 như sau: Từ ngày 1-1-2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó, mỗi năm tăng thêm 1 tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
 
Với cách tính lương hưu nêu trên thì đối với lao động nữ có thời gian đóng BHXH trên 30 năm sẽ không có sự khác nhau về tỷ lệ hưởng lương hưu của người nghỉ hưu năm 2017 hay 2018, đều được hưởng tối đa 75%. Có chăng chỉ khác nhau về mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu (mỗi năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được trợ cấp một lần bằng 0,5 tháng lương). Đối với người có dưới 30 năm đóng BHXH, nghỉ hưu trước năm 2018 thì tỷ lệ hưởng lương hưu được tính cao hơn so với nghỉ hưu từ năm 2018 nếu có cùng thời gian đóng nhưng mức lương hưu thực tế không chắc đã cao hơn, vì nếu người lao động không nghỉ hưu sớm mà tiếp tục đóng BHXH thì khi nghỉ hưu sẽ có thời gian đóng BHXH dài hơn (tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn). Cùng với việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng (mức lương cơ sở đối với khu vực Nhà nước) và quy định tiền lương tháng đóng BHXH từ năm 2018 bao gồm cả mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thì mặt bằng tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động sẽ cao hơn. Tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn, tiền lương tháng đóng BHXH cao hơn thì chắc chắn mức lương hưu của người lao động cũng sẽ cao hơn. Mặt khác, đối với những người nghỉ hưu trước tuổi (nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên) thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ phải trừ 2% tỷ lệ hưởng lương hưu.
 
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, có nhiều chính sách mới về BHXH, BHYT. Theo Nghị định 44/2017/NĐ-CP ngày 14-4-2017 của Chính phủ quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2017, người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 3, Điều 44 Luật An toàn, vệ sinh lao động với mức được điều chỉnh như sau: Giảm từ 1% xuống còn 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động được quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và h, Khoản 1, Điều 2 Luật BHXH 2014 (trừ đối tượng là người giúp việc). Giảm từ 1% xuống còn 0,5% trên lương cơ sở đối với người lao động quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 2 Luật BHXH 2014. Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng sẽ thực hiện quy định trên kể từ ngày 1-1-2018. Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 điều này (0,5%); phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần. 
 
Từ ngày 26-6-2017, Nghị định số 33/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân có hiệu lực. Theo đó, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng từ năm 2016 đến hết năm 2017, tỷ lệ hưởng lương hưu được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%./.
 
Bài và ảnh: Việt Thắng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com