Nghĩa Hưng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển, đảo

07:06, 08/06/2017
Huyện Nghĩa Hưng có 14km bờ biển thuộc 5 xã, thị trấn ven biển. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về tuyên truyền biển, đảo, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Nghĩa Hưng đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển, đảo trong cán bộ, công chức, viên chức, học sinh và nhân dân trên địa bàn huyện; gắn việc khai thác, phát triển kinh tế biển với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cụm pa-nô tuyên truyền về biển, đảo tại Thị trấn Liễu Đề.
Cụm pa-nô tuyên truyền về biển, đảo tại Thị trấn Liễu Đề.
Hằng năm, Thường trực Huyện ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện uỷ, UBND huyện, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện xây dựng kế hoạch hướng dẫn công tác tuyên truyền biển, đảo cho các địa phương, đơn vị trong huyện. Đồng thời sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền như: tổ chức các hội nghị, nói chuyện chuyên đề, thi tìm hiểu pháp luật và tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh; trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí, tư vấn pháp luật, hòa giải cơ sở và tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo... để người dân được tiếp cận với pháp luật về biển, đảo. Qua đó giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo. Nội dung tuyên truyền tập trung vào định hướng Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 161, Nghị định số 71/2015/NĐ-CP, ngày 3-9-2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ và các văn bản liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh… UBND huyện đã phối hợp với Sở TT và TT, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Sở VH, TT và DL tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” để giới thiệu trực quan tới công chúng những hình ảnh, tư liệu tiêu biểu về biển, đảo. Qua đó, người dân trong huyện đã có cơ hội tiếp cận với các tư liệu quý khẳng định chủ quyền biển, đảo như: Văn bản do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX, khẳng định Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Bộ sưu tập châu bản của Vương triều Nguyễn, có niên đại từ triều Minh Mạng (1820-1841) đến triều Bảo Đại (1925-1945) phản ánh quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền một cách liên tục dưới triều Nguyễn; Bộ sưu tập các bản đồ, tư liệu, hình ảnh; nhiều ấn phẩm xuất bản ở các nước phương Tây từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, có những thông tin liên quan đến 2 quần Hoàng Sa và Trường Sa và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này; những hình ảnh tư liệu về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng hòa...; hình ảnh về đời sống sinh hoạt của quân và dân ở huyện đảo Trường Sa hiện nay; những công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam và quốc tế khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; bộ sưu tập những hình ảnh về công cuộc thực thi chủ quyền và đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của quân và dân ta; những hiện vật, tư liệu của quân và dân tỉnh ta trong các hoạt động tham gia xây dựng và bảo vệ biển đảo, xây dựng, bảo vệ chủ quyền tại Trường Sa… Triển lãm đã thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ, học sinh và nhân dân trong huyện đến tham quan, tìm hiểu những tư liệu, hiện vật được công bố, trưng bày, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nhất là người dân ở khu vực biên giới biển. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị của huyện đã tích cực tham gia tuyên truyền về biển, đảo như: Đồn Biên phòng Ngọc Lâm, Ban CHQS huyện cùng các phòng: Tư pháp, GD và ĐT, VH-TT; Ủy ban MTTQ huyện và các đoàn thể. Trong đó, Phòng Tư pháp huyện phối hợp với Hội CCB, Hội Phụ nữ, Chi nhánh trợ giúp pháp lý huyện tiến hành tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động về biển, đảo cho nhân dân các xã, thị trấn khu vực biên giới biển với các nội dung liên quan đến các chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước cho nhân dân các xã vùng biên giới biển, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Đồn Biên phòng Ngọc Lâm đã phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển. Đơn vị đã thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật về biển, đảo thông qua việc lồng ghép với các hoạt động của các tổ chức đoàn thể các xã ven biển. Nhiều mô hình CLB đã đi vào hoạt động hiệu quả như: CLB “Phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển”, CLB “Bến đậu tàu thuyền an toàn, tổ tàu thuyền an toàn”. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn đến trực tiếp từng hộ dân ở các thôn, các bến đậu tàu thuyền để tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các hiệp định, quy chế khu vực biên giới và những quy định liên quan đến quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia cũng như công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới biển… Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân khu vực biên phòng tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển của tỉnh. Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với chủ quyền biên giới biển, đảo, Phòng GD và ĐT, Huyện Đoàn Nghĩa Hưng thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác giáo dục về biển, đảo ở các trường phổ thông và trong đoàn viên, thanh niên. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động phong phú hướng về biển, đảo để giáo dục cho học sinh, nhất là triển khai các cuộc thi tìm hiểu “Biển, đảo Tổ quốc em”; “50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển”; tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ với chủ đề ca ngợi biển, đảo; chương trình đạp xe xuyên Việt “Hướng về biển đảo quê hương”. Tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện tại các xã ven biển như: Trồng cây xanh chắn sóng; phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, tổ chức lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nước sạch, vệ sinh môi trường…; thăm, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con nhân dân. Những hoạt động mang ý nghĩa thiết thực trên đã giúp đoàn viên, thanh niên, học sinh trong huyện hiểu thêm về chủ quyền biển, đảo và bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. 
 
Từ đầu năm đến nay, các ngành, các địa phương trong huyện đã tổ chức gần 100 hội nghị lồng ghép tuyên truyền về biển, đảo; 30 cuộc nói chuyện thời sự, chiếu phim về lịch sử, truyền thống đấu tranh và bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; tổ chức 6 buổi trợ giúp pháp lý; cấp phát 10 nghìn tài liệu, tờ gấp pháp luật về biển, đảo tới cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong huyện. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong huyện đối với việc bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
 
Bài và ảnh: Văn Trọng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com