Để đạt mục tiêu nâng cao chất lượng dân số

07:06, 29/06/2017
Đến nay, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn một số chỉ tiêu không hoàn thành, ảnh hưởng đến mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.
 
Theo số liệu của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, năm 2016 tổng số trẻ sinh ra là 28.411 trẻ, giảm 312 trẻ so với cùng kỳ năm 2015; mức sinh giảm 0,26 o/ oo, hoàn thành vượt mức kế hoạch năm. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,79% so với năm 2015. Tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế và duy trì ở mức 115 trẻ trai/100 trẻ gái. Việc triển khai các mô hình, đề án về nâng cao chất lượng dân số trong toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh được triển khai và duy trì tại 229/229 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố; đã phát hiện sớm và điều trị một số bệnh, tật bẩm sinh, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng giống nòi. Toàn tỉnh có 6.563 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh và 7.951 trẻ em được sàng lọc sơ sinh. Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân được triển khai tại 33 xã với mục tiêu nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS/KHHGĐ) thông qua tư vấn và khám sức khỏe cho vị thành niên, thanh niên, từng bước góp phần nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần cho vị thành niên và thanh niên. Đề án kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển tỉnh triển khai tại 3 huyện ven biển (Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Giao Thủy) đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực về công tác dân số, người dân vùng biển được hưởng các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ một cách đồng bộ và có hiệu quả. Công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền về DS-KHHGĐ được nâng cao, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thái độ, hành vi của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân đối với việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ của Đảng, Nhà nước.
Hội Người cao tuổi Thị trấn Yên Định (Hải Hậu) tham gia các hoạt động TDTT, góp phần thực hiện tốt Đề án
Hội Người cao tuổi Thị trấn Yên Định (Hải Hậu) tham gia các hoạt động TDTT, góp phần thực hiện tốt Đề án "Chăm sóc Người cao tuổi dựa vào cộng đồng".
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác DS-KHHGĐ ở tỉnh ta vẫn còn một số chỉ tiêu không hoàn thành theo kế hoạch đề ra, như: Tổng tỷ suất sinh tăng (2,32 so với mục tiêu là 2,0); quy mô dân số tăng (1.983.631 người so với mục tiêu là không quá 1.950.000 người), chưa triển khai trên quy mô cộng đồng việc sàng lọc ung thư cổ tử cung và sàng lọc ung thư vú; sàng lọc trước sinh và sơ sinh mới chỉ dừng ở đối tượng được miễn phí. Việc thống kê các chỉ số về sức khỏe sinh sản ở hệ thống y tế tư nhân còn yếu, số liệu chưa phản ánh hết tình hình thực tế. Việc xã hội hóa các phương tiện tránh thai và dịch vụ DS-KHHGĐ, việc cải thiện sức khỏe sinh sản cho nhóm dân số đặc thù, chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng còn nhiều khó khăn, bất cập. Việc lồng ghép các biến số về dân số vào hoạch định chính sách và lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế. So với toàn quốc, tỷ số mất cân bằng giới tính ở tỉnh ta vẫn diễn biến phức tạp, còn ở mức cao. Một số huyện có tỷ số mất cân bằng giới tính cao là: Giao Thủy (119 nam/100 nữ); Mỹ Lộc (117 nam/100 nữ); Nam Trực (116 nam/100 nữ); Thành phố Nam Định (116 nam/100 nữ); Trực Ninh (114 nam/100 nữ) và Xuân Trường (113 nam/100 nữ). Bên cạnh đó, một số đề án nâng cao chất lượng dân số chưa đạt mục tiêu đề ra như: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh mới chỉ dừng ở đối tượng được miễn phí. Việc xã hội hóa các phương tiện tránh thai và dịch vụ DS-KHHGĐ, việc cải thiện sức khỏe sinh sản cho nhóm dân số đặc thù, chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng còn nhiều khó khăn, bất cập. Việc lồng ghép các biến số về dân số vào hoạch định chính sách và lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế. 
 
Để nâng cao chất lượng dân số nhằm đáp ứng tình hình mới, ngày 18-5-2017 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 48 về Kế hoạch hành động truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển tỉnh Nam Định giai đoạn 2017-2020. Theo đó, có 4 mục tiêu cơ bản là: Nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành của các nhóm đối tượng về sàng lọc trước sinh, sơ sinh; tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 80% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có kiến thức về sàng lọc trước sinh, sơ sinh; 85% người cao tuổi biết cách xử lý ban đầu về một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi; 95% nam giới, phụ nữ trong tuổi sinh đẻ đồng ý cam kết không lựa chọn giới tính khi sinh. Nâng cao kỹ năng, kiến thức các nhóm đối tượng về thực hiện hiệu quả KHHGĐ, giảm sự chênh lệch bất lợi về mức sinh giữa các địa phương, góp phần đạt mức sinh thay thế trong phạm vi toàn tỉnh. Đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu đạt 85% cấp ủy Đảng, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp hiểu được lợi thế và các biện pháp phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng; hiểu được thách thức và cách thích ứng với quá trình chuyển đổi nhân khẩu học. Để thực hiện các mục tiêu trên, các biện pháp trọng tâm đặt ra là: Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể về công tác dân số và phát triển. Triển khai mạnh mẽ và hiệu quả công tác truyền thông với nội dung, hình thức phù hợp từng vùng, từng đối tượng. Đa dạng hóa các nguồn lực tài chính nhằm đảm bảo nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị và phương tiện phục vụ công tác DS-KHHGĐ. Tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng việc triển khai các đề án, mô hình nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng công tác DS-KHHGĐ như: Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, Đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh, Đề án “kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển tỉnh Nam Định” mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái… Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) tại các cơ sở siêu âm, cơ sở sử dụng kỹ thuật cao hướng dẫn sinh con theo ý muốn, cơ sở nạo phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính thai nhi. Tiếp tục phát huy sự phối hợp hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số/SKSS/KHHGĐ để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chương trình./.
 
Bài và ảnh: Việt Thắng
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com