Nghị lực của một thanh niên

05:05, 13/05/2017
Về làng Bịch, xã Minh Thuận (Vụ Bản), chúng tôi được giới thiệu tới thăm cơ sở sản xuất cá cảnh của anh Trần Trung Hoàng. Vừa bận rộn chỉ dẫn cách chăm sóc cá cho khách hàng, anh Hoàng vừa vui vẻ tiếp chuyện và chia sẻ với chúng tôi về chặng đường lập nghiệp đầy gian nan cũng như lý do anh “bén duyên” với nghề nuôi cá cảnh.
Anh Trần Trung Hoàng, làng Bịch, xã Minh Thuận (Vụ Bản) đang vệ sinh lại bể nuôi cá chép Koi.
Anh Trần Trung Hoàng, làng Bịch, xã Minh Thuận (Vụ Bản) đang vệ sinh lại bể nuôi cá chép Koi.
Anh Trần Trung Hoàng sinh năm 1985, từng đỗ vào Trường Đại học Luật Hà Nội, nhưng học được 1 năm, cảm thấy nghề không phù hợp nên đã thi lại vào Trường Đại học Thủy sản Nha Trang. Lại nghĩ bản thân xuất thân trong một gia đình thuần nông nên anh Hoàng muốn trau dồi thêm những kiến thức về nông nghiệp với mong muốn có thể phát triển làm giàu trên mảnh đất quê hương, sau khi tốt nghiệp, tân kỹ sư thủy sản lại một lần nữa đi thi và đỗ vào Trường Đại học Nông Nghiệp Hà Nội. Với 2 tấm bằng đại học, là một người có năng lực, anh được Doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung (Giao Thủy) mời làm việc, đảm trách vị trí kỹ sư nhân giống các đối tượng thủy sản nuôi. Công việc chính của anh Hoàng lúc ấy là nhân giống tu hài, ngao, cá bống bớp… trong môi trường nhân tạo. Là một người có kỹ năng chuyên môn tốt, anh Hoàng đã đạt mức lương 38 triệu đồng/tháng. Nhưng tuổi trẻ ưa “bay nhảy” thử sức năng động, anh Hoàng lại thay đổi ngành nghề, lên Hà Nội làm chuyên viên của Ban quản lý dự án Khu đô thị Hà Nội. Rủi thay, năm 2010, sau một vụ tai nạn lao động, phải nằm viện điều trị suốt 1 tháng, ra viện anh Hoàng đã không thể tiếp tục công việc của mình. Hai tay của anh bị tổn thương nặng, tay phải bị di chứng nặng hơn, co quắp, không thể cầm những vật nặng. “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”(!). Nhìn đôi tay của anh Hoàng, chúng tôi cảm nhận được nỗi đau cả thể xác và tinh thần của anh như thế nào. Trở về quê nhà, ý chí của một thanh niên năng động, nhiệt huyết không cho phép bản thân anh chùn bước trước khó khăn. Cầm trong tay 2 bằng đại học, lại có thêm kinh nghiệm thực tế khi làm cho doanh nghiệp Cửu Dung “chả nhẽ lại chịu ngồi không”. Anh Hoàng bắt đầu trăn trở, suy nghĩ, tìm cách lập nghiệp “để không phải ngồi không, ăn bám”. Sau khi tìm hiểu kỹ thị trường, anh Hoàng nhận thấy nghề nuôi cá cảnh ở địa phương chưa phát triển nhiều mà nhu cầu chơi cá cảnh của khách hàng thì ngày càng tăng. Anh quyết định chọn “lối đi nhỏ” trong nghề “canh trì” đã rất phổ biến ở địa phương. Với số vốn ít ỏi ban đầu, anh bắt đầu đi mua cá Koi (cá chép Nhật), cá chép dài, cá ba đuôi về nuôi và cho đẻ. Từng chút, từng chút một, anh thuê thêm nhân công và dần mở rộng mô hình nuôi cá cảnh và sản xuất giống. Vận dụng mọi kinh nghiệm tích lũy được ngoài kỹ thuật nuôi cá, anh Hoàng còn rất quan tâm tìm hiểu, phát triển thị trường nên việc tiêu thụ sản phẩm của anh rất ổn định. Anh còn cấp cá giống và thức ăn cho các bạn hàng tại các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… sau đó thu mua lại cá cảnh thương phẩm để xuất khẩu, chủ yếu sang Lào và Căm-pu-chia. Ngày nào cũng luôn chân luôn tay cùng đàn cá, anh Hoàng cho biết, mỗi tháng, trừ chi phí, anh thu được khoảng 70 triệu đồng. Chia sẻ về kinh nghiệm để có được những thành công trên, anh Hoàng nói: “Ông trời không lấy hết của ai bao giờ. Tôi đã không còn khả năng lao động như trước kia, nhưng bù lại, tôi có tinh thần, có nhiệt huyết và đặc biệt không bao giờ tôi chịu đầu hàng số phận. Để có được thành công như ngày hôm nay, tôi luôn chú trọng trong việc phòng bệnh cho đàn cá, kiểm tra, theo dõi tình hình sức khỏe cũng như bảo đảm nguồn nước phải luôn sạch; đặc biệt phải luôn chú ý vệ sinh cho cá và bể cá rồi mới cho cá đẻ. Phải tạo được môi trường trong lành, thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để sắp xếp thời gian phù hợp cho cá đẻ. Khi môi trường nước đảm bảo và thời tiết thuận lợi sẽ có nhiều ô-xy để cá có thể nở tốt và đạt tỷ lệ sống cao”. Thường thì dịp cuối năm là dịp anh đạt thu nhập cao nhất vì nhu cầu chơi cá cảnh của khách hàng khi đó cũng tăng cao. Anh Hoàng cho biết, những ngày cuối năm và ngày Tết, số lượng cá xuất đi nhiều gấp 4 lần ngày thường. Anh phải thuê thêm 4, 5 người làm. Chia sẻ niềm vui về những thành công trên con đường làm giàu của con trai, mẹ anh Hoàng nói: “Ngày con trai tôi bị tai nạn, cả gia đình ai cũng lo lắng vì khi đó con đường công danh đang rộng mở. Chúng tôi từng bi quan tưởng chừng chẳng có lối thoát khi Hoàng còn quá trẻ. Rất may với khát vọng của tuổi trẻ, dám nghĩ dám làm nên Hoàng vẫn quyết tâm, cố gắng vươn lên tìm cách làm giàu. Vì thương con nên tôi luôn ủng hộ và tin tưởng mọi quyết định của con trai mình. Hiện tại, việc làm ăn của Hoàng cũng khấm khá nên tôi yên tâm. Sự thành công của con cũng chính là niềm tự hào của người làm mẹ như tôi”. Bằng sự đam mê, sự tận tụy, nghị lực vượt khó và niềm tin vào chính bản thân mình, anh Hoàng đã trở thành một “ông chủ” có tiếng trong giới kinh doanh cá cảnh, đặc biệt là cá chép Koi.
 
Chiều tắt nắng, chia tay anh Trần Trung Hoàng, chúng tôi cứ ấn tượng mãi về một tấm gương không đầu hàng số phận, đầy hoài bão, quyết tâm và khát vọng. Những gương sáng tiêu biểu như anh Hoàng sẽ góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
 
Bài và ảnh: Thanh Hoa


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com