Cẩn trọng khi mua sắm trực tuyến

08:05, 19/05/2017
Hiện nay, việc mua bán hàng qua mạng trở thành xu thế và phát triển rộng khắp. Hoạt động giao thương diễn ra nhanh chóng, tiện lợi cho người mua và người bán. Tuy nhiên, việc giao dịch trực tuyến cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và người tiêu dùng luôn “nhận” phần thiệt về mình.
 
Một trong những ưu điểm của hình thức mua bán hàng qua mạng là người bán hàng chỉ cần đăng ký dịch vụ với các trang web thương mại sau đó lập website độc lập hoặc tự xây dựng gian hàng thông qua các trang mạng xã hội như facebook, twitter, không phải lo mặt bằng mà vẫn cung cấp thông tin đầy đủ về sản phẩm cho người mua. Về phía người tiêu dùng chỉ cần máy tính hoặc điện thoại được kết nối internet là có thể truy cập vào các trang mua sắm để lựa chọn các mặt hàng từ quần áo, mĩ phẩm, đồ điện, đồ gia dụng, thức ăn, thực phẩm chức năng... Đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hiện nay phần lớn các cửa hàng buôn bán đều có trang web hay trang facebook cá nhân để giới thiệu mặt hàng qua mạng và nhận giao hàng tận nhà. Một số cửa hàng còn tuyển cả đội ngũ cộng tác viên để sẵn sàng tư vấn các sản phẩm online. Dạo một lượt trên các trang mua sắm trực tuyến như: Chotot, Rongbay, Raovatnamdinh và các fanpage facebook mua sắm quần áo, mĩ phẩm..., người mua có thể chọn nhiều mặt hàng và dễ dàng so sánh giá bán ở từng cửa hàng. Chị Mai Linh, chuyên bán các sản phẩm handmade (sản phẩm làm thủ công) ở Thành phố Nam Định chia sẻ: “Hiện tôi đang bán các sản phẩm son môi, dầu dừa, bột nghệ... thông qua mạng xã hội. Việc bán hàng không tốn nhiều chi phí đầu tư, không cần mặt bằng. Khi khách hàng đặt, người bán chỉ cần thông tin số điện thoại, địa chỉ, nếu trong nội thành sẽ miễn phí giao hàng tận nhà, nếu ở xa hàng sẽ được chuyển qua bưu điện bằng hình thức COD”. Chị Minh ở huyện Mỹ Lộc chuyên cung cấp các sản phẩm nước hoa xách tay, giày dép thời trang có fanpage facebook giới thiệu sản phẩm thu hút nhiều khách hàng lựa chọn mua sắm cho biết: “Chị bán hàng trực tuyến đã hơn 2 năm nay. Để thu hút khách hàng, người bán cần giữ uy tín, chất lượng sản phẩm phải chuẩn và giá cả niêm yết trên sản phẩm đảm bảo không phát sinh khi đến tay khách hàng. Bên cạnh đó người bán cần nhiệt tình tư vấn, đảm bảo thời gian giao hàng cho khách đúng hẹn...”.
Mua sắm trực tuyến đã trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng.
Mua sắm trực tuyến đã trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng.
Bên cạnh những tiện ích mua sắm và các cửa hàng trực tuyến uy tín, người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến cũng gặp nhiều rủi ro như hàng kém chất lượng, sản phẩm thực tế khác với hình ảnh quảng cáo ở website, từ chối chăm sóc khách hàng khi sản phẩm xảy ra sự cố. Chị Hoàng Thị Phượng, nhân viên văn phòng của một Cty đóng trên địa bàn Thành phố Nam Định là một “tín đồ” mua sắm trực tuyến. Chị thường vào các trang web mua sắm “săn” hàng giảm giá, khuyến mãi. Vừa qua khi vào một trang web bán hàng thời trang, chị đã bị thu hút ngay bởi dòng quảng cáo “Khuyến mãi sốc một ngày duy nhất, giảm 50% khi mua các sản phẩm túi da...”. Loay hoay chọn chiếc túi da ưa thích với giá ghi trên web là 3,4 triệu đồng được giảm giá 50% còn 1,7 triệu đồng, chị nhanh chóng đặt hàng vì nghĩ mua được món hời. Khi nhận được hàng, khoe với đồng nghiệp ở Cty, chị mới “tá hỏa” khi biết cũng túi xách y chang hãng này, đồng nghiệp mua trực tiếp của một cửa hàng ở Thành phố Nam Định chỉ có giá gần 1,4 triệu đồng. Trường hợp khác là anh Sơn, thợ chụp ảnh cưới ở Thành phố Nam Định do cần mua balo đựng được cả máy tính và máy ảnh, anh đã lướt web để tìm hiểu các gian hàng bán balo và tìm được địa chỉ có giá bán hợp lý ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vốn là người cẩn thận, anh gọi điện thoại trực tiếp cho cửa hàng hỏi về sản phẩm balo Nestle giá bán gần 2 triệu đồng và được biết hình trên web là hình thực tế của sản phẩm. Sau khi đặt hàng, nhân viên cửa hàng liên hệ báo với anh nếu chuyển hàng về Nam Định phải mất thêm 200 nghìn đồng phí chuyển phát. Hai ngày sau nhân viên bưu điện liên hệ giao hàng, do buổi trưa muộn nên anh ngại bóc thùng để kiểm tra hàng trước khi thanh toán. Khệ nệ bê thùng hàng vào nhà anh mới tá hỏa vì kích thước balo quá lớn so với nhu cầu sử dụng. Liên hệ với cửa hàng để xin đổi sản phẩm thì anh chỉ nhận được câu trả lời, “cửa hàng chỉ đổi những sản phẩm lỗi do nhà sản xuất...” rồi cúp máy. Trường hợp anh Lưu ở huyện Mỹ Lộc là người đam mê loa cổ, đồng hồ cổ. Anh hay vào những trang web như “chotot”, “thegioidoco”, “rongbay”... để tìm kiếm sản phẩm ưng ý. Anh chọn mua sản phẩm Amly Denon 1500R II và đầu CD Denon 1290 có giá gần 9 triệu đồng với hình ảnh sản phẩm bắt mắt và lời quảng cáo “chất lượng còn 98%, chất âm miễn bàn ở 1 cửa hàng trực tuyến mà người bán ở Hải Phòng. Theo thỏa thuận giữa người mua và người bán, anh được kiểm tra hàng trước khi trả tiền theo hình thức “COD” qua bưu điện. Tuy nhiên khi nhận hàng, anh chỉ kiểm tra hình thức bên ngoài rồi thanh toán tiền. Chỉ sau 10 ngày, chiếc đầu CD của anh có dấu hiệu trục trặc như kén đĩa, kẹt đĩa... Trực tiếp mang đầu đĩa đi sửa anh mới phát hiện chiếc đầu đĩa bị câu mạch và đã bị thay một số linh kiện. Về nhà kiểm tra Amly Denon mua cùng đầu CD, anh phát hiện nhiều mối hàn do sửa chữa. Liên hệ với người bán, anh nhận được câu trả lời “Hàng chỉ được bảo hành 1 đổi 1 trong tuần đầu tiên sử dụng...”. Không chỉ nhận “ấm ức” khi mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng khi mua hàng qua mạng có thể bị lừa bởi nhiều thủ đoạn tinh vi. Nhiều kẻ lừa đảo lập ra một trang mạng, trang facebook bán hàng có hình thức và nội dung bắt chước y nguyên trang bán hàng uy tín khác. Các ảnh sản phẩm trên các trang giả đều đề giá rẻ với chiêu thức “nếu người mua trả tiền trước nhận hàng sau được giảm 60% giá gốc sản phẩm”. Người tiêu dùng nếu bỏ qua khâu xác minh sẽ dễ dàng tin đó là trang bán hàng uy tín và chuyển khoản 100% tiền mua sản phẩm. Về vấn đề an toàn cung cấp thông tin cá nhân trong giao dịch trực tuyến, nhiều khách hàng sau khi đăng ký thông tin cá nhân để dùng thử sản phẩm sữa, kem dưỡng da của một số gian hàng online đã nhận nhiều phiền toái. Chị Dung (Nam Trực) với kinh nghiệm nhiều năm bán hàng trực tuyến vừa qua vẫn bức xúc vì chót đăng ký để nhận sữa dùng thử. Chị cho biết: Chị đăng ký thông tin cá nhân như số tài khoản, số điện thoại, địa chỉ, độ tuổi con trai, chia sẻ quảng cáo của Cty bán sữa ở chế độ công khai trên trang facebook cá nhân để hưởng chế độ dùng thử miễn phí… Nhưng chỉ một thời gian sau chị phát phiền vì điện thoại luôn nhận được những cuộc gọi, tin nhắn xin ý kiến đánh giá khách hàng, chào mời mua sữa; thậm chí nhiều Cty và trung tâm khác cũng có số điện thoại cá nhân của chị để tư vấn những sản phẩm quần áo, đồ chơi trẻ em, học bổng, chương trình đào tạo kỹ năng sống… Còn tài khoản facebook của chị cũng liên tục được mời vào các nhóm mua hàng, tự động gửi tin nhắn đến danh sách bạn bè click vào đường link quảng cáo mua sắm của các Cty khác khiến việc bán hàng qua mạng của chị bị ảnh hưởng... 
 
Thực tế còn nhiều trường hợp khác mua hớ khi giao dịch trực tuyến, tuy nhiên phần lớn chọn giải pháp im lặng. Mặt khác, tâm lý của những khách hàng đặt mua sản phẩm giá rẻ, giảm giá… càng không muốn nhiều người biết bởi sợ mang tiếng ham rẻ, không hiểu biết nên mới bị lừa. Một số người thông báo lên mạng để mọi người cùng tẩy chay kẻ lừa đảo nhưng vẫn chấp nhận mất tiền oan bởi khoảng cách về địa lý và ngại va chạm thủ tục kiện cáo rườm rà, mất thời gian.
 
Để mua được sản phẩm ưng ý, chất lượng, đảm bảo tính an toàn trong giao dịch, người tiêu dùng nên chọn những trang mua, bán hàng trực tuyến uy tín bằng cách xem lịch sử của trang hoặc người bán; tham khảo nhận xét, phản hồi của những khách hàng đã từng mua sản phẩm của người bán qua mạng. Ngoài ra, những trang bán hàng uy tín thường để thông tin liên lạc rõ ràng, địa chỉ cụ thể, cam kết thực hiện chế độ bảo hành khi xảy ra sự cố...; khách hàng nên xem xét những thông tin này trước khi quyết định mua. Nếu không thực sự tin tưởng, khách hàng có thể lựa chọn hình thức thanh toán trả tiền sau khi nhận hàng (COD). Khi chọn hình thức này, khách hàng nên kiểm tra sản phẩm ngay sau khi nhận với nhân viên giao hàng, đảm bảo sản phẩm đúng theo thông tin ban đầu thì mới thanh toán./.
 
Bài và ảnh: Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com