Thực hiện quy định phân loại đô thị vì sự phát triển bền vững

08:01, 04/01/2017
Những năm qua, tốc độ phát triển đô thị ở tỉnh ta có nhiều bước tiến đáng kể, nhất là sau khi Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt. Trong đó, định hướng về hình thành và phân loại các đô thị từng giai đoạn được xác định rõ ràng, có chiều sâu, phát huy được thế mạnh của địa phương, đồng thời có sự giám sát thực hiện chặt chẽ của cơ quan Nhà nước. Có thể nói, phân loại và định hướng phát triển đô thị có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy hệ thống đô thị tỉnh ta tăng trưởng bền vững.
Đường trục xã Xuân Tiến (Xuân Trường) được bê tông hóa phục vụ giao thông thuận tiện.
Đường trục xã Xuân Tiến (Xuân Trường) được bê tông hóa phục vụ giao thông thuận tiện.
Theo quy hoạch, giai đoạn 2016-2020, dự kiến tỉnh ta có 20 đô thị, gồm 1 đô thị loại I (TP Nam Định), 3 đô thị loại IV (Thị xã Thịnh Long, Thị xã Quất Lâm, Thị xã Rạng Đông), 16 đô thị loại V (gồm Gôi, Lâm, Liễu Đề, Quỹ Nhất, Nam Giang, Cổ Lễ, Cát Thành, Xuân Trường, Ngô Đồng, Yên Định, Cồn, Yên Bằng và 4 đô thị xây dựng mới là Ninh Cường, Xuân Ninh, Đại Đồng, Trung Thành). Tiếp đó, giai đoạn 2021-2030, tỉnh ta sẽ có 23 đô thị gồm 1 đô thị loại I (TP Nam Định), 1 đô thị loại III (TP Thịnh Long - Rạng Đông), 2 đô thị loại IV (Thị xã Quất Lâm và Thị xã Yên Bằng); 19 đô thị loại V (bổ sung thêm 4 đô thị mới là Bo, Đồng Sơn, Hải Phú, Xuân Hồng). Đến năm 2050, xây dựng Thành phố Thịnh Long - Rạng Đông trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Đến nay, tỉnh ta đã hoàn thành đưa Thị trấn Thịnh Long trở thành đô thị loại IV, đang tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch các đô thị mới như quy hoạch nâng cấp các đô thị Quất Lâm, Rạng Đông thành đô thị loại IV, quy hoạch chung khu đô thị mới thuộc địa phận 4 xã: Yên Bằng, Yên Quang, Yên Tiến, Yên Hồng (Ý Yên) đến năm 2035, tiến hành khởi công xây dựng các khu đô thị mới tại trung tâm các thị trấn… Các đô thị dần được đưa vào quy hoạch sẽ trở thành “hạt nhân” thúc đẩy nâng cao nhận thức của người dân về ý thức xây dựng đô thị mới, tạo nếp sống văn minh hơn, đồng thời thu hút được đầu tư về hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững thông qua chương trình nâng cấp đô thị của tỉnh. Bên cạnh đó, các bộ, ngành chức năng Trung ương cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về phân loại đô thị nhằm đảm bảo phát triển đô thị có chiều sâu, có định hướng rõ ràng, cân bằng giữa số lượng đô thị được nâng cấp tương xứng với chất lượng của đô thị, có sự quản lý và kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy hoạch, kế hoạch. Cụ thể, trước đây, việc phân loại đô thị được thực hiện theo Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 7-5-2009 của Chính phủ. Và gần đây nhất, ngày 25-5-2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị. Theo Sở Xây dựng, tiêu chí phân loại đô thị như hiện nay đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới mà thực tiễn đặt ra, cũng như hạn chế nhiều tiêu cực phát sinh trong thực hiện kịch bản phát triển đô thị trên thực tế. Theo đó, thay vì 6 tiêu chuẩn phân loại đô thị cũ được quy định tại Nghị định số 42, điểm mới trong Nghị quyết 1210 chỉ đưa ra 5 tiêu chí cơ bản với 59 tiêu chuẩn để đánh giá phân loại đô thị gồm: Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; Quy mô dân số; Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị. Nghị quyết được ban hành đã siết chặt nhiều quy định cơ bản, góp phần giảm thiểu tồn tại trong phân loại, thẩm định nâng cấp đô thị như tình trạng nhiều đô thị được xem xét để công nhận hoặc nâng loại còn phải linh hoạt cho nợ các tiêu chí như: tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, chất lượng cơ sở hạ tầng… nhưng sau đó chưa có chế tài kiểm tra, giám sát việc khắc phục “trả nợ” tiêu chí. Hay tình trạng trong các tiêu chí để xem xét có tiêu chí chưa được định lượng như về kiến trúc cảnh quan, về cơ sở hạ tầng hoặc xác định giới hạn tính toán chỉ tiêu theo ranh giới đô thị (gồm nội đô hay cả ngoại thành, ngoại thị). Phân loại đô thị chưa gắn với quy định cấp quản lý hành chính để phù hợp với quy định về tổ chức chính quyền địa phương, nhất là với việc mở rộng đô thị hiện hữu. Qua đối chiếu các tiêu chí theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 với hiện trạng, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) còn 5/59 tiêu chuẩn chưa đạt là thu nhập bình quân đầu người năm so với cả nước, tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt khu vực nội thị, số nhà tang lễ, tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị. Nhằm tiến tới trở thành đô thị loại IV trong năm 2017, UBND Thị trấn Quất Lâm đã đề ra các giải pháp đồng bộ như tập trung xây dựng, cải tạo, sắp xếp lại cơ sở thương mại và thu hút tiểu thương vào kinh doanh tại chợ thủy sản, chợ Quất Lâm; xây dựng cơ sở hạ tầng CCN Thịnh Lâm, CCN Giao Thịnh để thu hút các nhà đầu tư phát triển vào lĩnh vực công nghiệp, tiếp tục đầu tư phát triển đánh bắt, nuôi trồng thủy sản… tăng thu nhập cho người dân. Từ năm 2017-2020, UBND thị trấn sẽ phối hợp với các sở, ngành tiến hành đầu tư xây dựng tuyến ống cấp 1 dẫn nước từ Nhà máy nước Giao Thủy về trạm bơm tăng áp đặt tại xã Giao Thịnh để cấp nước cho đô thị Quất Lâm, từng bước triển khai lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng và đưa vào sử dụng nhà tang lễ trong Bệnh viện đa khoa của thị trấn. Xây dựng các chương trình kế hoạch quản lý giữ gìn trật tự cảnh quan môi trường đô thị, tăng cường kiểm tra, xử lý việc xây dựng trái phép, không phép trên địa bàn thị trấn. Tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định về tuyến phố văn minh và nhân rộng mô hình ra toàn thị trấn. Cùng với đó, Sở Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các thị trấn, xã thuộc quy hoạch đô thị trong giai đoạn 2016-2020 tập trung đối chiếu với các tiêu chí, tiêu chuẩn của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 xây dựng chương trình, dự án ưu tiên đầu tư theo từng giai đoạn, trọng tâm là các tiêu chuẩn khó như về quy mô dân số toàn đô thị, thu nhập bình quân trên đầu người, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội… nhằm đảm bảo các điều kiện tối ưu khi xét duyệt thẩm định đề án nâng cấp đô thị của tỉnh trong thời gian tới.
 
Có thể khẳng định, công tác quản lý, phát triển đô thị của tỉnh trong nhiều năm qua đã được định hướng với mục tiêu rõ nét góp phần tạo nên bản sắc đô thị của trung tâm vùng phía Nam đồng bằng sông Hồng. Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo công tác tham mưu định hướng và kiểm soát sự phát triển đô thị, góp phần cung cấp đầy đủ, kịp thời các cơ sở dữ liệu để phân tích đánh giá chất lượng phát triển đô thị theo hướng bền vững về kinh tế - xã hội./.
 
Bài và ảnh: Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com