Tăng cường quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ

08:06, 28/06/2016
Để bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, những năm qua, công tác quản lý, bảo trì, nâng cao tuổi thọ các công trình giao thông đã được chú trọng. Tuy nhiên, do công tác quản lý của một số đơn vị quản lý đường bộ, cấp chính quyền, các ngành còn hạn chế nên hiệu quả quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ còn nhiều bất cập. Chưa giải quyết, xử lý triệt để các công trình xây dựng trong hành lang an toàn đường bộ, hay tình trạng để vật liệu xây dựng, biển quảng cáo trên lòng, lề đường, đất của đường bộ và hành lang an toàn đường bộ. Tình hình lấn chiếm, vi phạm hành lang ATGT để kinh doanh vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng xe quá tải lưu thông trên các tuyến giao thông nông thôn vẫn tái diễn; bà con nông dân vẫn đốt rơm rạ trên đường giao thông vào vụ thu hoạch nông sản, gây ảnh hưởng hư hại chất lượng công trình. Ngành GTVT và các địa phương chưa siết chặt công tác nghiệm thu, đánh giá chất lượng duy tu, bảo trì hạ tầng đường bộ theo quy định của Bộ GTVT. Tại nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí hợp lý hoặc sử dụng không hiệu quả nguồn kinh phí cho công tác bảo dưỡng đường GTNT, mới chỉ chú trọng đến nâng cấp, cải tạo, đầu tư làm mới các tuyến đường.  
Cắt cỏ, bạt lề đường bảo vệ hành lang đường bộ, đường sắt trên địa phận xã Lộc An (TP Nam Định).
Cắt cỏ, bạt lề đường bảo vệ hành lang đường bộ, đường sắt trên địa phận xã Lộc An (TP Nam Định).
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT đã tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan, các phòng chức năng của các địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ GTVT, của tỉnh và Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong công tác bảo trì và bảo vệ hành lang ATGT đường bộ. Hiện, Sở GTVT đã giao Ban Quản lý dự án GTNT3 triển khai đấu thầu, lựa chọn được 2 nhà thầu có năng lực thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến quốc lộ Bộ GTVT ủy thác gồm: 37B, 38B, 21B. Đồng thời chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, các tuần kiểm viên chuyên trách theo dõi, giám sát kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của nhân viên tuần đường và của đơn vị bảo trì đường bộ; xử lý hoặc phối hợp xử lý các hành vi xâm phạm công trình đường bộ. Hằng tháng, Ban Quản lý dự án GTNT3 đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn thuộc Sở GTVT, các Cty quản lý công trình kiểm tra chất lượng, nghiệm thu thực tế hiện trường; xác định khối lượng công việc bạt lề đường, cắt cỏ, vét rãnh kín, vệ sinh mặt đường, nắn sửa cọc tiêu biển báo... đã thực hiện làm căn cứ thanh toán cho đơn vị. Để nâng cao chất lượng công tác đánh giá, nghiệm thu, Ban Quản lý dự án GTNT3 bám sát các quy chuẩn, những hạng mục không thực hiện hoặc thực hiện không đạt tiêu chí bị trừ điểm làm cơ sở thanh toán cho nhà thầu theo quy định. Tại 10 tuyến tỉnh lộ, Sở GTVT ủy thác 9 tuyến cho UBND các huyện trên tuyến trực tiếp quản lý; đường đô thị ủy thác cho UBND Thành phố Nam Định quản lý; riêng tuyến tỉnh lộ 490C giao cho Cty CP Quản lý và xây dựng cầu đường Nam Định quản lý. Phòng Công thương các huyện, Phòng Quản lý đô thị Thành phố Nam Định chủ động tham mưu cho UBND các huyện, thành phố triển khai, ký hợp đồng thuê đơn vị duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến tỉnh lộ được ủy thác; đồng thời trực tiếp chủ trì, nghiệm thu, thanh toán cho đơn vị thi công theo số lượng, chất lượng công trình đã thực hiện. Đối với hệ thống đường GTNT đã phân cấp cho UBND các huyện, thành phố quản lý, các địa phương đã căn cứ tình hình thực tế phân cấp cho UBND cấp xã tổ chức quản lý, duy tu bảo dưỡng; Sở GTVT hướng dẫn và thực hiện kiểm tra hệ thống cầu đường GTNT toàn tỉnh. Để lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, Sở GTVT phối hợp với Văn phòng Ban ATGT tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền dưới các hình thức hội nghị, sử dụng xe tuyên truyền lưu động để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, văn hóa khi tham gia giao thông, các quy định về trật tự hành lang an toàn đường bộ. Sở GTVT còn xác định các vị trí nút giao, điểm đen, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT do hạn chế tầm nhìn, từ đó có phương án, lộ trình khắc phục, xử lý. Để ngăn chặn vi phạm phương tiện chở quá khổ, quá tải gây hư hỏng hạ tầng giao thông, ngành GTVT đã phối hợp với ngành Công an tăng cường theo dõi, nắm quy luật hoạt động của toàn bộ đối tượng, lượng xe vi phạm, đưa ra phương án giải quyết, xử lý; phối hợp bố trí hợp lý các điểm kiểm tra tải trọng lưu động, tập trung kiểm soát, xử lý ngay tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng biển, cảng thủy nội địa, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết xếp hàng hóa lên xe ô tô và xử lý vi phạm về kích thước thùng xe.
 
Nhờ sự nỗ lực của ngành chức năng và các địa phương nên đến nay hệ thống các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn được duy tu, bảo trì kịp thời, góp phần nâng cao tuổi thọ khai thác và hiệu quả nguồn vốn đầu tư các công trình giao thông. Các lực lượng chức năng cũng đã tăng cường trách nhiệm, tích cực phối hợp kiểm tra, xử lý nhiều vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Thời gian tới, để công tác quản lý chất lượng hạ tầng giao thông đạt kết quả cao, UBND tỉnh đã yêu cầu ngành chức năng phải rà soát, đề xuất rõ quy định về mức độ trách nhiệm của ngành chức năng và các địa phương trong công tác quản lý, xử lý vi phạm hành lang ATGT, xe quá khổ, quá tải áp dụng nghiêm chế tài xử lý nếu các đơn vị, địa phương chưa thực hiện đủ trách nhiệm đã phân cấp. Tăng cường phối hợp, nâng cao chất lượng công tác quản lý tải trọng phương tiện và triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 12-10-2015 về lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2015-2020./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thuý
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com