Nâng cao chất lượng dân số vùng biển

07:05, 19/05/2016
Là vùng ven biển, do sản xuất phân tán nên công tác Dân số - KHHGĐ ở huyện Giao Thủy gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều thách thức và nguy cơ gia tăng dân số, tỷ lệ mất cân bằng giới tính và tỷ lệ sinh con thứ 3 có diễn biến phức tạp. Được tiếp nhận và triển khai Đề án Kiểm soát dân số vùng biển đảo, ven biển, Ban chỉ đạo Dân số - KHHGĐ huyện được thành lập, xây dựng kế hoạch triển khai công tác tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ cho các xã ven biển. Công tác truyền thông nâng cao nhận thức kỹ năng cho đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ về CSSKSS/KHHGĐ được đẩy mạnh. Tại 9 xã: Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Thiện, Giao Hải, Giao Long, Giao Phong, Bạch Long, Thị trấn Quất Lâm, các nội dung của đề án được triển khai và phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua các buổi sinh hoạt đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng. Đài phát thanh huyện và đài truyền thanh các xã, thị trấn xây dựng các chương trình truyền thông dân số, mở chuyên mục mới và đưa tin về công tác tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ cho đối tượng lao động vùng cồn Lu - cồn Ngạn, nêu những gương điển hình tiên tiến trong việc thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ. Triển khai hoạt động tư vấn, khám sức khỏe và cung cấp các dịch vụ CSSK, Đội y tế lưu động của huyện tiến hành khám, siêu âm, xét nghiệm, miễn phí cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ…, tư vấn, kê đơn và hướng dẫn điều trị cho các trường hợp bị viêm nhiễm đường sinh sản. Trong đó, phát hiện và điều trị viêm nhiễm đường sinh sản cho 1.371/2.888 lượt phụ nữ khám viêm nhiễm đường sinh sản; siêu âm miễn phí cho 1.745 người; làm phiến đồ âm đạo miễn phí là 698 người và đặt dụng cụ tử cung cho 260 người. Đội ngũ cộng tác viên dân số, tuyên truyền viên tại các bãi bồi, đầm phá đã tham gia cấp phát miễn phí trên 2.000 bao cao su và 517 vỉ thuốc tránh thai cho các đối tượng. Các ban, ngành, đoàn thể và các ngành hữu quan trong huyện tổ chức tuyên truyền và cung cấp các kiến thức về nuôi dạy con, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho 24.920 bà mẹ có con dưới 16 tuổi, cung cấp, hướng dẫn kiến thức về nuôi dạy con tốt, quản lý con em trong gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trong gia đình…, góp phần giảm tỷ lệ trẻ em mang thai sớm và nạo phá thai ngoài ý muốn ở trẻ em gái vị thành niên, hạn chế tình trạng trẻ em ở tuổi vị thành niên vi phạm đạo đức, pháp luật. Trong 5 năm qua, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tỷ lệ giảm sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của huyện có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2015 giảm 0,33 0/ 00 so với năm 2014 (chỉ tiêu giao 0,23 0/ 00); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm so với năm 2014 là 2,10%. 
Cán bộ quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh cấp thuốc cho nhân dân Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng).
Cán bộ quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh cấp thuốc cho nhân dân Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng).
Đồng chí Trần Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Tỉnh ta có 18 xã, thị trấn ven biển, thuộc 3 huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng với dân số khoảng 150 nghìn người; trong đó đồng bào theo đạo Thiên chúa chiếm 43,6%. Dọc 72km bờ biển có 30 khu vực vừa là bến đậu tàu thuyền vừa là nơi thu mua thuỷ hải sản; có 14.900ha đầm bãi, trên khu vực này có trên 1.000 chòi canh với hàng nghìn lao động làm nghề nuôi trồng thuỷ hải sản. Thực tế những năm qua, tỷ lệ sinh con thứ 3 tại các huyện ven biển thường cao hơn mức bình quân của cả tỉnh; tỷ lệ người mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, số trẻ sinh ra bị dị tật, dị dạng và bị thiểu năng trí tuệ cũng cao. Nguyên nhân do đa số phụ nữ chuẩn bị kết hôn, phụ nữ mang thai chưa được tư vấn khám để ngăn ngừa những yếu tố chứa nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự mang thai và chất lượng thai nhi. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, mạng lưới cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ ở cấp xã còn yếu, chưa phù hợp với môi trường khí hậu biển. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2009-2020. Để góp phần hoàn thành mục tiêu chương trình dân số - KHHGĐ về nâng cao chất lượng dân số vùng biển, thời gian qua, ngành Dân số - KHHGĐ phối hợp với các ban, ngành hữu quan triển khai đồng bộ các nội dung của Đề án. Cụ thể, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp cùng ngành Dân số - KHHGĐ đẩy mạnh hoạt động truyền thông Dân số - KHHGĐ và CSSKSS và đã chủ động tham gia vào một số hoạt động truyền thông trên địa bàn tuyến biển. Trên cơ sở khảo sát mô hình “BĐBP giúp dân” tại xóm 10, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng), Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã xây dựng kế hoạch làm điểm mô hình “BĐBP đẩy mạnh công tác Dân số - KHHGĐ” trên khu vực biên giới biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2010-2015. Việc triển khai thực hiện mô hình với mục đích nâng cao nhận thức và thực hiện tốt chính sách về Dân số - KHHGĐ nói chung, kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển nói riêng cho cán bộ và nhân dân khu vực biên giới biển của tỉnh; kết hợp thực hiện mô hình với việc phát động phong trào quần chúng tham gia giữ gìn, bảo vệ an ninh biên giới biển. Trong đó, tập trung vào các đối tượng còn nằm trong độ tuổi sinh đẻ là ngư dân, bà con giáo dân, hội viên, đoàn viên, thành viên các tổ tự quản ở các khu vực đầm, bãi; đặc biệt chú trọng đối tượng là giáo dân và số ngư dân trên các phương tiện thường xuyên cư trú tại các bến neo đậu tàu thuyền và số lao động đến khu vực vùng biên phòng làm thuê vào các mùa khai thác hải sản. Hằng năm, phòng khám quân - dân y kết hợp của BĐBP tỉnh phối hợp với ngành Dân số và chính quyền các xã ven biển khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe cho trên 2.400 lượt người/năm. Phối hợp với Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho trên 150 lượt người/năm tại các xã trên địa bàn biên phòng. Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo, ven biển, ngoài vai trò tích cực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số, có sự tham gia tích cực của các ban, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội với những phong trào và hoạt động thiết thực như: CLB “Nam nông dân chủ hộ gia đình thực hiện KHHGĐ” của Hội Nông dân; “CLB tiền hôn nhân” của Đoàn Thanh niên; “CLB gia đình hạnh phúc”, “CLB phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển” của Hội Phụ nữ. Thời gian qua, ngành Dân số - KHHGĐ phối hợp với các cấp Hội Phụ nữ tại 3 huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng dân số tại các xã ven biển. Cụ thể, hằng năm, các cấp Hội Phụ nữ thường xuyên phối hợp với các ban, ngành tuyên truyền tới 100% cán bộ, hội viên về nội dung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, những kiến thức CSSKSS phụ nữ, trẻ em, dân số - KHHGĐ, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, HIV/AIDS, phòng, chống mua bán người…; cấp phát tới 18 xã, thị trấn ven biển hơn 1.000 cuốn sách phổ biến kiến thức về gia đình, bình đẳng giới và đĩa CD tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Phối hợp với ngành Dân số - KHHGĐ vận động và lồng ghép dịch vụ CSSKSS, KHHGĐ, gắn với tổ chức chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em; vận động ủng hộ giúp đỡ trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động các loại hình CLB tại 18 xã ven biển như: CLB “Phụ nữ với pháp luật”; CLB “Gia đình không có người vi phạm trật tự ATGT”; CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, CLB “Nuôi con bằng sữa mẹ”, CLB “Các bà mẹ có con tuổi vị thành niên”. Thông qua mô hình, các thành viên được trang bị kiến thức, cung cấp nhiều thông tin cần thiết như: CSSKSS, phương pháp nuôi dạy con theo khoa học, góp phần làm giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thực hiện có hiệu quả các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số.
 
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Kiểm soát và nâng cao chất lượng công tác dân số tuyến biển ở tỉnh ta nói riêng và thực hiện Chiến lược nâng cao chất lượng dân số giai đoạn 2016-2020 của tỉnh nói chung, ngành Dân số - KHHGĐ phối hợp với các ngành hữu quan triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng, chú trọng khu vực khó khăn, đối tượng khó tiếp cận; mở rộng giáo dục về Dân số - SKSS, phòng ngừa HIV, giới và bình đẳng giới, sức khỏe tình dục trong và ngoài nhà trường. Tăng cường sự tham gia của đối tượng và cộng đồng trong việc lập kế hoạch, thực hiện, giám sát và phản hồi về các hoạt động giáo dục và truyền thông. Nâng cao chất lượng dịch vụ dân số và CSSKSS; tổ chức cung cấp các dịch vụ sàng lọc bệnh tật trước sinh và sơ sinh; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ SKSS và KHHGĐ, đặc biệt là các gói dịch vụ thiết yếu, đảm bảo quyền sinh sản và đáp ứng nguyện vọng của mọi đối tượng. Huy động, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, cá nhân, các tổ chức vào cung cấp dịch vụ dân số - SKSS. Chú trọng đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ dân số - SKSS theo hướng chuyên nghiệp hóa; nâng cao năng lực và tổ chức thực hiện các nghiên cứu khoa học về dân số - SKSS. Tăng cường năng lực giám sát, đánh giá, phân tích và dự báo về dân số - SKSS giúp cho việc chỉ đạo, thực hiện các giải pháp về công tác Dân số - SKSS được kịp thời./.
 
Bài và ảnh:  Việt Thắng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com