Kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi ở Xuân Trường

06:05, 21/05/2016
Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, từ nhiều năm qua, trên địa bàn huyện Xuân Trường còn tồn đọng nhiều vi phạm trong lĩnh vực quản lý đê điều, công trình thủy lợi như: làm nhà ở, lán tạm, chuồng trại chăn nuôi trong hành lang bảo vệ đê, công trình thủy lợi; giao đất, cho thuê đất làm bãi sản xuất, kinh doanh vật liệu không đúng thẩm quyền hoặc sử dụng đất trái phép; đào ao, đầm nuôi trồng thủy sản trong hành lang bảo vệ đê, dựng lều vó, đăng đó, ngâm tre, luồng, đổ phế thải, rơm, rạ xuống lòng sông, kênh làm cản trở việc tiêu thoát nước của công trình. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ năm 2014 đến nay, huyện đã tích cực xử lý, giải tỏa dứt điểm nhiều trường hợp vi phạm trên địa bàn.
 
Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 25-6-2014 của UBND tỉnh về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi, UBND huyện Xuân Trường đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) và tổ công tác xử lý vi phạm công trình thủy lợi, đê điều; xây dựng và ban hành kế hoạch xử lý, giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi, đê điều có lộ trình cụ thể. Tháng 7-2014, tổ công tác xử lý vi phạm công trình thủy lợi, đê điều phối hợp với các xã, thị trấn đã hoàn tất công tác kiểm tra, rà soát và tổng hợp, phân loại các vi phạm. Trong năm 2014, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, tập trung xử lý, giải tỏa các vi phạm có ảnh hưởng lớn đến dòng chảy như: lều quán, lều vó, bãi vật liệu… và các trường hợp vi phạm xây dựng trong phạm vi 5m tính từ chân đê trở ra. Từ năm 2015 đến nay, các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tập trung xử lý các trường hợp vi phạm đã thống kê, đồng thời thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các phát sinh mới. Đồng chí Vũ Tuấn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường cho biết: Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 14 của UBND tỉnh, huyện thường xuyên coi trọng công tác quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghiêm túc pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Đảng, chính quyền các cấp về quản lý, bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi tới đội ngũ cán bộ huyện và cán bộ các xã, thị trấn, tạo chuyển biến tích cực trong chính quyền các địa phương. Do vậy nhiều địa phương trên địa bàn huyện tích cực vào cuộc thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND, điển hình là các xã Xuân Thành, Xuân Tân, Xuân Hồng, Xuân Phú, Xuân Phương… Đến nay, toàn huyện Xuân Trường đã giải tỏa dứt điểm được 55 hạng mục công trình xây dựng trong phạm vi 5m tính từ chân đê trở ra (cơ bản là chuồng trại chăn nuôi và lán tạm); 1 hạng mục công trình xây dựng trong hành lang bảo vệ đê điều trên 5m xây dựng trước năm 2007. Đã thiết lập hồ sơ vi phạm, yêu cầu các chủ hộ giữ nguyên hiện trạng các công trình xây dựng trên bãi sông thuộc hành lang bảo vệ đê điều. Ngoài ra, huyện đã giải tỏa được trên 60 trường hợp xây dựng nhà tạm, chuồng trại chăn nuôi vùng bãi sông để thực hiện Dự án nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn Vingroup. Trong số các trường hợp vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi đã thống kê, huyện đã giải tỏa được 11 nhà ở; 60 lều quán; 475m 2 bãi vật liệu; 14 đăng, 124 lều vó; 882 nghìn m 2 bèo rác và 139 vi phạm khác. Công tác quản lý Nhà nước về đê điều, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi của huyện đã dần từng bước đi vào nề nếp, giảm đáng kể số vi phạm mới, góp phần quan trọng trong công tác PCLB, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Với những kết quả đạt được, Xuân Trường là huyện duy nhất được UBND tỉnh tặng Bằng khen trong thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND. 
Cán bộ Hạt quản lý đê Xuân Trường xem xét xử lý vi phạm về đê điều tại xã Xuân Tân.
Cán bộ Hạt quản lý đê Xuân Trường xem xét xử lý vi phạm về đê điều tại xã Xuân Tân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xử lý vi phạm đê điều, công trình thủy lợi ở Xuân Trường vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi tới đội ngũ, cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân ở địa phương còn chưa thường xuyên, sâu rộng. Một bộ phận cán bộ và nhân dân nhận thức chưa đúng, đủ các quy định pháp luật về bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi do vậy chưa tự giác chấp hành và còn cố tình vi phạm, tái vi phạm. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa nhận thức đúng, đầy đủ quy định của pháp luật về đê điều, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; chưa thực hiện đúng, đủ thẩm quyền, trách nhiệm, không kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm. Một số địa phương giao đất, cho thuê đất không đúng thẩm quyền hoặc buông lỏng quản lý để người dân sử dụng đất xây dựng nhà ở trái phép, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng… trong phạm vi bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi. Nhiều địa phương lúng túng trong việc phối hợp; chỉ đạo lập hồ sơ vi phạm không đúng quy trình, quy định của pháp luật, không đủ căn cứ để xử lý vi phạm; chưa thực hiện trách nhiệm, thẩm quyền của mình trong việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và giải tỏa vi phạm; chưa quan tâm chỉ đạo lực lượng quản lý đê nhân dân tăng cường trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, báo cáo và tham mưu xử lý vi phạm ngay từ đầu… dẫn đến các vi phạm kéo dài có xu hướng phức tạp, khó xử lý. Công tác tham mưu, nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan còn hạn chế, lúng túng, thiếu chủ động, kịp thời dẫn đến tiến độ, chất lượng xử lý các vi phạm còn chậm. Trong thời gian tới, huyện Xuân Trường tiếp tục kiểm tra, rà soát, thiết lập hồ sơ, đẩy mạnh việc xử lý, giải tỏa các vi phạm đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định pháp luật, Chỉ thị 14 của UBND tỉnh và kế hoạch của UBND huyện. Tiếp tục tổ chức thanh tra việc chấp hành pháp luật về đê điều, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn hoàn thiện đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ của hồ sơ vi phạm và hồ sơ xử lý vi phạm. Xử lý các trường hợp giao đất, cho thuê đất không đúng thẩm quyền hoặc sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều. Xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định pháp luật về quản lý đê điều, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Thường xuyên củng cố, tăng cường và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức các cơ quan chuyên môn, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực hiện Chỉ thị số 14./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com