Xây dựng xã hội học tập từ cơ sở

07:04, 28/04/2016
Xây dựng xã hội học tập (XHHT) là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Nội dung cơ bản của chủ trương xây dựng XHHT là tổ chức một hệ thống các thiết chế giáo dục trong đó có sự kết nối hệ thống giáo dục ban đầu với hệ thống giáo dục tiếp tục, giáo dục chính quy và giáo dục không chính quy, giáo dục thế hệ trẻ và giáo dục người lớn, giáo dục học đường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Mục tiêu của việc xây dựng XHHT là làm cho ai cũng được học hành và được học tập suốt đời để thích ứng với thế giới đầy năng động trong xu thế phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, tạo ra dòng chảy toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Ngày 20-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 281/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”. Mục tiêu của Đề án là làm cho mỗi người dân trong xã hội phải trở thành người lao động có nghề, có năng suất lao động cao, có năng lực sáng tạo trong sản xuất để từ đó nâng cao mức sống, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của chính mình, của gia đình mình, góp phần vào việc phát triển xã hội.
 
Theo Luật Giáo dục năm 2005 của nước ta thì giáo dục trong nhà trường được xếp vào hệ thống giáo dục chính quy. Đối với cấp xã, phường, thị trấn, các tổ chức giáo dục chính quy gồm có: Nhà trẻ, trường lớp mẫu giáo, trường tiểu học và trường THCS. Toàn bộ các cơ sở GD và ĐT không thuộc giáo dục nhà trường được xếp vào hệ thống giáo dục không chính quy. Trong đó ở cấp xã có các thiết chế giáo dục chủ yếu là trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Ông Vi-tơ Oóc-đô-nê, Tổng Giám đốc UNESCO khu vực đã đánh giá: “TTHTCĐ có thể coi là phát minh quan trọng nhất mà bấy lâu nay thế giới đang tìm kiếm”. Cùng với TTHTCĐ còn có CLB khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, bưu điện văn hóa cấp xã, nhà văn hóa, CLB sức khỏe dưỡng sinh, thơ ca, văn nghệ…, các lớp dạy, truyền nghề truyền thống trong các cơ sở sản xuất, thư viện xã, tủ sách dòng họ, thôn, làng, học từ xa, internet…
 
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng XHHT, hệ thống giáo dục chính quy ở tỉnh ta từ lâu đã nổi tiếng, trở thành chiếc nôi của phong trào thi đua “hai tốt” và là tỉnh dẫn đầu cả nước về việc thực hiện phổ cập giáo dục. Trong đó năm học 2012-2013 Nam Định là một trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước được Bộ GD và ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, mức độ II. Tháng 10-2001 Nam Định là tỉnh thứ 8 trong toàn quốc được Bộ GD và ĐT công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục THCS và năm học 2013-2014 Nam Định là tỉnh thứ 12 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Hơn 10 năm qua quy mô và giáo dục THPT phát triển nhanh nhất, bình quân hiện nay cứ 3 xã, phường, thị trấn có một trường THPT hoặc TTGDTX. Năm học 2014-2015 là năm thứ 21 được Bộ GD và ĐT công nhận là tỉnh trong “tốp” dẫn đầu toàn quốc. Về hệ thống giáo dục không chính quy, tỉnh ta có nhiều thiết chế giáo dục và đạt được nhiều thành tích rực rỡ trong những năm qua. Trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng XHHT là nhiệm vụ trọng đại của giáo dục không chính quy, có sự “vào cuộc” của cả hệ thống chính trị; trong đó ngành GD và ĐT và Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh làm nhiệm vụ liên kết.
 
Các nước tiên tiến trên thế giới xây dựng XHHT từ các thành phố. Ở Việt Nam chúng ta chủ trương xây dựng XHHT từ cơ sở mà động lực không thể thiếu được là gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập. Cốt lõi của “Học tập suốt đời” và “XHHT” phải được xây dựng, phát triển và phát huy từ chính nhân tố gia đình, dòng họ, cộng đồng. Để cụ thể hóa và thống nhất trong cả nước chuẩn mực thực hiện đánh giá, Hội Khuyến học Việt Nam đã có Quyết định 448/QĐ-HKHVN hướng dẫn tổ chức đánh giá công nhận các mô hình trên. Trong đó đánh giá công nhận “Gia đình học tập” có 4 tiêu chí: Học tập của trẻ em trong gia đình; học tập của người lớn trong gia đình; điều kiện học tập của gia đình; tác động, hiệu quả học tập của các thành viên trong gia đình. Đối với “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”, mỗi tổ chức có 3 tiêu chí. Trong đó dòng họ học tập có các tiêu chí: Học tập của các gia đình trong dòng họ, Điều kiện học tập của dòng họ, Tác động hiệu quả học tập của các gia đình trong dòng họ…
 
Nói đến XHHT là nói tới vấn đề con người và nói đến học tập là nói tới việc học của từng cá nhân tiếp thu lĩnh hội, sử dụng tri thức. Trong XHHT, học tập là một bộ phận cấu thành con người, một phẩm chất vốn có hình thành nên cuộc sống đa dạng của con người. Con người trong XHHT lấy lẽ sống là học tập suốt đời với mục đích “Học để biết”, “Học để làm”, “Học để cùng chung sống” và “Học để làm người”. Ở thế kỷ XXI con người thành công nhất, chắc chắn phải là con người phát triển toàn diện, giàu tri thức, có năng lực tìm tòi, sáng tạo. Những ai biết thường xuyên tự học tập, tự làm giàu kiến thức của mình, tư duy linh hoạt, mềm dẻo trong một xã hội chuyển đổi, phát triển mạnh mẽ sẽ là những người thành công. Từ cá nhân học tập chúng ta mới có gia đình học tập. Từ các gia đình học tập chúng ta mới có được dòng học tập và có các dòng họ học tập thì mới có cộng đồng học tập ở thôn, tổ dân phố và từ đó mới có cộng đồng học tập cấp xã và các tổ chức đó lại tác động ngược lại khuyến khích cá nhân học tập.
 
Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TU ngày 27-6-2012 của Ban TVTU về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT” và Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 5-6-2013 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020 tỉnh Nam Định” trong hai năm qua, tỉnh ta đã triển khai thí điểm các mô hình “Gia đình học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”… Các gia đình, dòng họ, cộng đồng đơn vị được chọn làm điểm đều hồ hởi đón nhận và ý thức được việc học là cho chính mình, vừa lợi nhà vừa lợi nước và phấn đấu đạt và vượt các tiêu chí đã đề ra. Thực tế qua hội thảo xây dựng dòng họ học tập do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và UBND tỉnh Nam Định đồng chủ trì (tháng 5-2015), báo cáo tham luận của 17 dòng họ tỉnh ta trong đó có 1/2 số dòng họ không được chọn thí điểm cũng đã khẳng định các tiêu chí đề ra là vừa sức.
 
Với trách nhiệm của tổ chức xã hội đặc thù, qua hai năm chỉ đạo Hội Khuyến học tỉnh đề xuất một số khuyến nghị về giải pháp chủ yếu để xây dựng XHHT ở các địa bàn trong tỉnh như sau:
 
- Trước hết cần đổi mới tư duy về giáo dục theo Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4-11-2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” và văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Coi trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về mục đích ý nghĩa, sự cần thiết, những yêu cầu xây dựng XHHT, nâng cao nhận thức về trách nhiệm chất lượng, tạo điều kiện và tự giác học tập tới các cấp, các ngành, các tổ chức, các tầng lớp nhân dân.
 
- Tiếp tục khơi dậy truyền thống, tôn vinh sự học, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phát huy mạnh mẽ các tiềm lực hiện có để đẩy mạnh xây dựng XHHT từ gia đình, dòng họ, cộng đồng, tiến tới hình thành “Văn hoá học tập” của mọi người.
 
- Xây dựng XHHT là một nhiệm vụ lớn lao, lâu dài có nhiều thuận lợi song khó khăn cũng không nhỏ như: Tâm lý ngại học, tự ti, chỉ chăm lo học tập cho thế hệ trẻ, thiếu tính kiên nhẫn, thiếu điều kiện học tập, đối tượng học đa dạng rộng lớn khoảng 2/3 dân số có nhiều áp lực công việc hằng ngày… nên việc phối kết hợp các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội là rất quan trọng để động viên, tạo điều kiện tôn vinh, khen thưởng, làm cho mọi người có thêm động lực học tập.
 
- Các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả hơn nữa cả biện pháp chỉ đạo đến đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, sơ tổng kết… cho giáo dục không chính quy. Có như vậy chúng ta mới từng bước xây dựng được XHHT góp phần vào xây dựng NTM và đô thị văn minh.
 
Ý thức được trách nhiệm của mình, Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh tiếp tục khắc phục khó khăn, thực hiện đạt kết quả cao nhiệm vụ xây dựng XHHT từ cơ sở. Chúng ta tin tưởng các mô hình học tập giai đoạn 2016-2020 ở tỉnh ta sẽ đạt kết quả tốt đẹp, góp phần xây dựng cả tỉnh trở thành một XHHT./.
 
Nguyễn Phú Hậu
Uỷ viên BCH Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam,
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com