Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong khám, chữa bệnh

09:04, 26/04/2016
Với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào công tác khám, chữa bệnh, những năm gần đây ngành Y tế tỉnh đã từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đã ứng dụng thành công nhiều công nghệ, kỹ thuật mới, hiện đại, nâng tỷ lệ những ca điều trị thành công lên cao hơn, giảm đau đớn cho bệnh nhân, đồng thời giảm chi phí và thời gian điều trị bệnh.
Chụp cắt lớp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Chụp cắt lớp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh, thực hiện Đề án 1816, Bệnh viện Phổi Trung ương đã giúp Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh triển khai thành công một số kỹ thuật mới như kỹ thuật nội soi phế quản, màng phổi ống mềm, kỹ thuật xét nghiệm khí máu động mạch. Ở kỹ thuật nội soi phế quản, qua máy soi, bác sĩ có thể nhìn thấy tổn thương phế quản phổi, từ đó lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm giúp chẩn đoán các bệnh hô hấp, nhất là u phổi. Kỹ thuật này đồng thời giúp khai thông đường thở, điều trị xẹp phổi do tắc, gắp dị vật đường thở, đặt stent khí phế quản, xác định nguyên nhân vị trí chảy máu ở phế quản phổi. Ở kỹ thuật nội soi màng phổi, bác sĩ thăm dò khoang màng phổi bằng cách đưa ống nội soi vào khoang màng phổi để khảo sát tình trạng của lá thành, lá tạng và cơ hoành. Kỹ thuật này vừa cho phép quan sát tổn thương, lấy bệnh phẩm chẩn đoán, đồng thời cũng để điều trị bằng các phương pháp như: đốt, gây dính, bơm thuốc điều trị… Ngoài ra, còn có kỹ thuật xét nghiệm khí máu động mạch cung cấp thông tin về tình trạng toan kiềm máu, ô xy hóa máu, điện giải đồ, giúp các bác sĩ xác định được các rối loạn thông khí máu, rối loạn thăng bằng toan kiềm, rối loạn điện giải..., từ đó tìm nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp ở những bệnh nhân suy hô hấp, suy tuần hoàn, các rối loạn điện giải, ô xy liệu pháp, thở máy... Việc triển khai các kỹ thuật mới này đã nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, giúp cứu chữa được một số ca bệnh hiểm nghèo ngay tại tuyến tỉnh. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, công tác đào tạo chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên được duy trì thường xuyên, nên đã có nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật khó được thực hiện như kỹ thuật thay khớp háng, khớp gối, phẫu thuật u não, cột sống, tán sỏi laser… Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu, các thầy thuốc đã đẩy mạnh nghiên cứu kết hợp với ứng dụng khoa học vào thực tiễn điều trị, trong đó triển khai nhiều kỹ thuật mới, như: Phẫu thuật kết hợp xương, cắt túi mật, lấy sỏi ống mật chủ, mổ lấy thai lần 2 trở lên, chụp cắt lớp, phẫu thuật nội soi tiêu hoá, chạy thận nhân tạo, xét nghiệm tìm tế bào ung thư, cấp cứu và điều trị có hiệu quả các bệnh như tai biến mạch máu não, ngộ độc cấp, chảy máu đường tiêu hoá nặng, cứu sống nhiều ca bệnh nặng, hiểm nghèo. Đặc biệt, được sự giúp đỡ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu đã triển khai phẫu thuật nội soi tiêu hoá và đã mổ được gần 2.000 ca an toàn. Bệnh viện cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện và đã hoàn thành quản lý đồng bộ từ khâu khám bệnh, xét nghiệm, cận lâm sàng, điều trị nội trú, cấp phát thuốc, thanh toán viện phí, hệ thống xếp hàng tự động tại khoa Khám bệnh, hệ thống camera giám sát và bảo vệ an ninh, trật tự, góp phần nâng cao chất lượng quản lý toàn diện các hoạt động. Tại Bệnh viện Nhi tỉnh đã ứng dụng phần mềm “Bệnh viện thông minh” vào công tác quản lý khám, chữa bệnh tại phòng khám và các khoa, phòng. Theo đó, bệnh nhân chỉ cần xếp hàng 1 lần tại 1 cửa là có thể thực hiện bất kỳ thủ tục hành chính nào (đăng ký khám, nộp tiền khám, nộp tiền cận lâm sàng, tạm ứng, thanh toán ra viện…) cho cả ngoại trú, nội trú, giúp giảm thiểu thời gian làm thủ tục hành chính. Bệnh viện cũng cài đặt phần mềm sử dụng máy đọc thẻ 2 chiều, mỗi bệnh nhân làm thủ tục đăng ký khám bệnh chưa đến 1 phút và in phiếu khám bệnh. Tại các phòng khám, phòng cận lâm sàng đều được lắp màn hình trước cửa để hiển thị danh sách bệnh nhân chờ khám, giúp giảm thời gian chờ đợi. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh được đầu tư Phòng xét nghiệm, được Bộ KH và CN cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025-2005. Hệ thống này giúp cho việc xét nghiệm phát hiện các loại vi khuẩn, vi-rút gây bệnh trên người nhanh chóng, chính xác, kịp thời. Các trang thiết bị tại Trung tâm cũng từng bước được đầu tư như máy quang phổ hấp thụ nguyên tử, máy siêu âm, máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học… cũng góp phần phát hiện dịch sớm, chống dịch kịp thời, hạn chế tử vong.
 
Việc ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ đang góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh tại cơ sở. Tuy nhiên, để sử dụng có hiệu quả các kỹ thuật cao, chuyên khoa sâu, đòi hỏi phải có sự đầu tư đồng bộ từ đội ngũ y, bác sĩ đến cơ sở vật chất và trang thiết bị. Bởi vậy, ngành Y tế tỉnh cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng, trong đó cùng với việc tuyển dụng bác sĩ, cần chú trọng đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác khám, chữa bệnh. Hằng năm ngành cần dành kinh phí mua sắm trang thiết bị kỹ thuật mới, đồng thời phát động sâu rộng phong trào nghiên cứu khoa học trong toàn ngành, góp phần nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com