Vụ Bản làm tốt công tác vệ sinh nông thôn, góp phần phòng chống dịch bệnh

09:03, 28/03/2016
Trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện Vụ Bản đã tập trung chỉ đạo triển khai các hoạt động cải thiện điều kiện vệ sinh nông thôn, góp phần phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe nhân dân. Toàn huyện hiện có 5 lò đốt rác thải tập trung; ở 18 xã, thị trấn đều tổ chức thu gom, xử lý rác thải tập trung; 30.537/37.305 hộ gia đình (đạt 81%) có nhà tiêu hợp vệ sinh; 18 trạm y tế xã, thị trấn đều có công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh. Toàn huyện hiện có 11 trạm cung cấp nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho 18 xã, thị trấn. Năm 2015, tỷ lệ hộ gia đình trên địa bàn huyện sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 88%.
 
Có được kết quả trên, huyện Vụ Bản đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về việc giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn là bảo vệ cuộc sống của chính mình và các thế hệ sau này. Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức như: cổ động trực quan bằng băng rôn, khẩu hiệu hoặc lồng ghép vào nội dung sinh hoạt của các hội, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB, Đoàn Thanh niên, MTTQ... Đặc biệt, đội ngũ truyền thông trực tiếp là cán bộ y tế hằng ngày gắn bó với cộng đồng tuyên truyền vận động người dân nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường như không vứt rác, đổ chất thải bừa bãi, sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, bảo đảm ATTP bằng cách sử dụng nguồn thực phẩm, rau quả chất lượng, bảo vệ nguồn nước, thực hiện các thói quen hợp vệ sinh. Các xóm nếu có người vi phạm vệ sinh môi trường, đổ rác thải không đúng chỗ đều bị nhắc nhở kịp thời. Hằng năm, huyện chỉ đạo các xã kiện toàn Ban Chỉ đạo VSATTP tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác ATTP, tổ chức cho các hộ kinh doanh ăn uống, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn ký cam kết thực hiện ATTP… Năm 2015, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chọn xã Hợp Hưng triển khai thí điểm “Mô hình vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom quản lý và xử lý rác thải”. Mô hình được triển khai đã huy động sự “vào cuộc” của các ban, ngành, đoàn thể, sự tham gia tích cực của người dân trong việc cải thiện các điều kiện vệ sinh môi trường kết hợp với vệ sinh cá nhân; nâng cao nhận thức trong việc vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh môi trường, ATTP, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng nước máy, không dùng phân tươi bón cây trồng, làm chuồng trại xa nhà ở, thu gom, phân loại và xử lý chất thải, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh chung...
Khám, chữa bệnh kết hợp với tư vấn sức khỏe cho người dân tại Trạm Y tế xã Quang Trung.
Khám, chữa bệnh kết hợp với tư vấn sức khỏe cho người dân tại Trạm Y tế xã Quang Trung.
Trước những nỗ lực đó, nhiều năm nay, hầu hết các xóm trên địa bàn huyện đã bố trí các khu tập kết rác thải và thành lập các tổ thu gom, vận chuyển rác ở xóm về bãi rác tập trung. Các xã làm tốt công tác xử lý rác thải là Hợp Hưng, Minh Tân, Hiển Khánh, Trung Thành, Liên Minh, Quang Trung và Thị trấn Gôi. Tại các xã này đã thành lập đội thu gom rác thải, thực hiện việc thu gom rác nền nếp, giữ gìn môi trường phong quang, sạch đẹp. Huyện cũng khuyến khích hình thành các hợp tác xã hoạt động dịch vụ thu gom rác thải, giải phóng dòng chảy, vệ sinh môi trường các tuyến kênh mương; xây dựng khu xử lý rác thải theo quy mô cụm xã, quy mô cấp huyện. Duy trì thường xuyên các đợt cao điểm giải tỏa hành lang giao thông, làm vệ sinh môi trường các tuyến đường giao thông, tuyến kênh và khuôn viên hộ gia đình vào các dịp lễ, tết. Tăng cường kiểm tra công tác vệ sinh môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các làng nghề; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đưa công tác bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn thành nền nếp. Đặc biệt, để vận động người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, cùng với các mô hình truyền thông về vệ sinh, huyện chỉ đạo ngành Y tế phối hợp chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông như xây dựng chuyên mục trên hệ thống đài phát thanh, truyền thanh địa phương; tổ chức tuyên truyền lưu động, nói chuyện chuyên đề tại các vùng trọng điểm về vệ sinh nông thôn; cấp phát tờ rơi tuyên truyền; tập huấn cho cán bộ Trung tâm Y tế huyện, trạm y tế các xã, thị trấn về kỹ thuật xây dựng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình, giám sát chất lượng nước và thống kê báo cáo các công trình vệ sinh cho các trạm trưởng trạm y tế, các chuyên trách vệ sinh và cộng tác viên... Trung tâm Y tế huyện thường xuyên chỉ đạo các trạm y tế giám sát công trình nước sạch và vệ sinh, hằng quý báo cáo bao nhiêu công trình đạt, bao nhiêu công trình xuống cấp, bao nhiêu công trình cần làm mới… Việc triển khai mạnh mẽ công tác vệ sinh môi trường nông thôn đã góp phần khơi dậy ý thức giữ gìn vệ sinh chung của các hộ dân trong huyện. Người dân thay đổi hành vi trong xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thu gom xử lý rác thải, tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, khu dân cư, phát quang bụi rậm bờ ao, khơi thông cống rãnh, thu gom xử lý rác thải, trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh nơi công cộng, xung quanh nhà… 
 
Với những hoạt động thiết thực trong cải thiện vệ sinh môi trường, vệ sinh hộ gia đình, vệ sinh cá nhân… điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe của người dân trong huyện đã được cải thiện. Tỷ lệ mắc một số bệnh tại cộng đồng như giun sán, tiêu chảy, lỵ, viêm da, đau mắt đỏ… trước đây nay đã giảm đáng kể. Nhiều năm trở lại đây trên địa bàn toàn huyện không xảy ra dịch bệnh lớn. Thời gian tới huyện tiếp tục duy trì các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức trong cộng đồng về thực hiện vệ sinh môi trường nông thôn trong đó có việc duy trì sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng nước sạch, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho người dân trong huyện./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com