Quan tâm hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn

08:03, 19/03/2016
Mặc dù an sinh xã hội những năm qua đã được tỉnh quan tâm thực hiện nhưng do điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nên vẫn còn một số hộ nghèo, hộ người có công với cách mạng gặp khó khăn về nhà ở rất cần được hỗ trợ sửa chữa nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản. 
 
Thực hiện chương trình hỗ trợ người có công với cách mạng đợt 1 theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh đã phân bổ nguồn kinh phí Trung ương cấp cho các địa phương hỗ trợ 1.522 người có công với cách mạng về nhà ở. Huyện Mỹ Lộc đã hỗ trợ xây dựng 56 nhà mới, sửa chữa 15 ngôi nhà cho các hộ gia đình có công với tổng kinh phí hơn 2 tỷ 540 triệu đồng. Huyện Giao Thủy đã sử dụng hơn 4 tỷ 700 triệu đồng để xây dựng mới 110 nhà ở, sửa chữa 15 ngôi nhà. Huyện Nghĩa Hưng chia làm 2 đợt thực hiện, trong đó đợt 1 là 36 hộ, đợt 2 là 105 hộ với tổng kinh phí là 4 tỷ 660 triệu đồng… Đến xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc), chúng tôi tìm đến hộ gia đình ông Trần Văn Sử ở thôn 6. Qua lời kể của ông, chúng tôi được biết ông là CCB từng tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1965 ở chiến trường miền Nam và bị thương tật vĩnh viễn 27% tại tay. Gia đình ông gặp nhiều khó khăn về kinh tế dù có 4 sào ruộng do cả 2 vợ chồng đều già yếu, không đủ sức khỏe làm ruộng. Căn nhà 5 gian tường đơn lợp ngói được xây từ năm 1971 đã hư hỏng nghiêm trọng, tường nứt, nghiêng đổ nhưng ông chưa có tiền để xây dựng lại. Từ nguồn vốn hỗ trợ 40 triệu đồng của Trung ương cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, họ hàng, bà con, tháng 10-2013 ông đã khởi công xây dựng mới căn nhà. Đến tháng 1-2014, căn nhà mái bằng mới với 4 gian đã được xây dựng khang trang giúp gia đình có điều kiện sống ổn định hơn. 
Căn nhà mới của ông Trần Ngọc Trác tại Thị trấn Gôi (Vụ Bản) được xây dựng mới từ nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Căn nhà mới của ông Trần Ngọc Trác tại Thị trấn Gôi (Vụ Bản) được xây dựng mới từ nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, tỉnh còn quan tâm, chỉ đạo các ngành chung tay, góp sức giúp đỡ người nghèo trong tỉnh có khó khăn về nhà ở để ổn định cuộc sống. Thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh đã hỗ trợ 5.530 hộ nghèo xây dựng nhà ở với tổng kinh phí là 69 tỷ 170 triệu đồng. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng phối hợp, lồng ghép tổ chức các chương trình hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở khác. Giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh đã có 672 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới nhà ở, 354 hộ được sửa chữa nhà, đảm bảo sống ổn định lâu dài. Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tham mưu thực hiện Đề án triển khai Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015. Qua điều tra hộ nghèo, trên địa bàn toàn tỉnh có 22.189 hộ nghèo, trong đó số hộ nghèo có khó khăn về nhà ở là 2.202 hộ (chiếm gần 10% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh). Theo báo cáo các huyện, tổng số hộ gia đình nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 tự nguyện đăng ký vay vốn làm nhà ở là 1.761 hộ. Trong đó, huyện Nam Trực (328 hộ), Hải Hậu (291 hộ), Vụ Bản (257 hộ), Nghĩa Hưng (178 hộ), Giao Thủy (180 hộ), Xuân Trường (103 hộ), Trực Ninh (190 hộ), Mỹ Lộc (40 hộ), Ý Yên (172 hộ), Thành phố Nam Định (22 hộ). Chị Trương Thị Nguyệt trú tại số 42, xóm 2, Mỹ Trọng, xã Mỹ Xá (TP Nam Định) tâm sự: “Hiện tại, hoàn cảnh gia đình chúng tôi rất khó khăn. Chồng tôi bị tâm thần phân liệt từ năm 2012, còn 2 cháu nhỏ đang tuổi ăn học, kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương ít ỏi từ nghề thu dọn rác tại xóm nên gia đình không đủ điều kiện sửa sang căn nhà”. Quan sát căn nhà diện tích chỉ 24m 2, chúng tôi thấy căn nhà đã hư hại nghiêm trọng, mái phải phủ bạt để chống dột, tường nứt nẻ, tuổi thọ căn nhà đã gần 20 năm. Nhiều lần chị muốn sửa lại căn nhà cho ổn định chỗ ở nhưng không có tiền, trong khi đó gia đình không đủ điều kiện để vay ngân hàng. Chính vì thế, Quyết định 33/2015/QĐ-TTg sẽ tạo điều kiện giúp gia đình chị có một chỗ ở mới ổn định vươn lên thoát nghèo. Theo đồng chí Bùi Đức Cần, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Sở Xây dựng) cho biết: Điểm mới trong chính sách hỗ trợ nhà ở người nghèo giai đoạn 2 là các hộ gia đình thuộc diện đối tượng được thụ hưởng chính sách có nhu cầu vay vốn thì sẽ được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng CSXH để xây dựng hoặc nâng cấp, sửa chữa nhà ở. Lãi suất vay ưu đãi 3%/năm, thời hạn vay là 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 10 năm, bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay. Tiến độ huy động vốn cho chương trình này năm 2016 ước đạt 6,4 tỷ đồng, năm  2017 ước đạt 12,8 tỷ đồng, năm 2018 ước đạt 16 tỷ đồng, năm 2019 ước đạt 16 tỷ đồng với mục tiêu chấm dứt, không để tồn tại nhà nguy hiểm, hư hỏng nặng trước ngày 30-6-2019; dự kiến đến năm 2020 toàn tỉnh phấn đấu huy động được 12,8 tỷ đồng để sửa chữa nhà cho các gia đình có nhu cầu. Nhằm thực hiện đúng kế hoạch theo Đề án đã đề ra, Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh giao Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, đồng thời vận động tạo thêm nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở đảm bảo đúng mục tiêu và yêu cầu. Tăng cường sự hỗ trợ của các ngành, các cấp; nhất là Ngân hàng CSXH tỉnh, chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các hộ gia đình nghèo được vay vốn cải thiện điều kiện nhà ở. Đề nghị Trung ương sớm bố trí kinh phí hỗ trợ để các hộ nghèo được vay, đảm bảo đạt hiệu quả cao theo đúng nội dung, mục tiêu chỉ đạo của Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg. Các cấp, ngành, các đoàn thể chính trị, xã hội, doanh nghiệp tạo mọi điều kiện để người nghèo thuộc diện chính sách của địa phương có công ăn việc làm tại doanh nghiệp, tạo nguồn kinh phí tích lũy, sớm xây dựng, cải tạo nhà ở.
 
Với nỗ lực của Nhà nước, các cấp, ngành, cùng với sự chung tay góp sức của các đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các chương trình, chính sách hỗ trợ cho người nghèo, người có công với cách mạng đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách” của cộng đồng đối với người nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ Nhà nước./. 
 
Bài và ảnh: Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com